Vụ phun trào ở Tonga đã tạo ra rung chấn tương đương với động đất mạnh 5,8 độ richter

09:00' 18-01-2022
Vụ việc núi lửa Tonga phun trào dường như gây ra nhiều ảnh hưởng hơn so với chúng ta tưởng tượng.


    Núi lửa Tonga - ngọn núi nằm trong lòng Thái Bình Dương đã bùng nổ tới 3 lần trong vòng 4 ngày, trong đó có một lần được xem là đợt phun trào lớn nhất trong 30 năm qua. Nó đẩy một cột tro bụi cao tới hàng chục ngàn mét vào khí quyển, tạo ra những rung chấn khắp Thái Bình Dương. Và thậm chí, tiếng nổ của Tonga rền vang đến tận tai người dân sinh sống ở Alaska - nơi cách đó tới 10 ngàn cây số. 

    Vụ phun trào ở Tonga đã tạo ra rung chấn tương đương với động đất mạnh 5,8 độ richter, gây ra sóng thần ở một số khu vực, và thậm chí gây ảnh hưởng đến nhiều nơi trên thế giới nữa. 

    Núi lửa Tonga đáy Thái Bình Dương: Vụ phun trào lớn nhất 30 năm, tiếng nổ rền vang 10 ngàn cây số, rung chấn khắp địa cầu - Ảnh 1.

    Núi lửa Tonga phun trào - ảnh chụp từ vệ tinh

    Đợt phun trào mạnh nhất nhiều thập kỷ

    Hunga Tonga, ngọn núi lửa trong lòng Thái Bình Dương đã từng phun trào vào năm 2009 và cuối năm 2014. Vào cuối tháng 12/2021, ngọn núi này có xu hướng hoạt động trở lại, nhưng phải đến ngày 15/1/2022 mới tạo ra một đợt phun trào thực sự mạnh mẽ. Thậm chí, các nhà khoa học tin rằng đây là đợt phun trào đáng sợ nhất trong nhiều năm trở lại đây.

    Cột khói khổng lồ từ núi lửa Tonga dưới đáy Thái Bình Dương

    Cột khói do đợt phun trào này tạo ra cao tới hơn 30km - gấp 3 lần so với độ cao của một chuyến bay thương mại. Nó cao đến mức xuyên thủng cả tầng đối lưu, chạm đến tầng bình lưu của khí quyển trước khi tro bụi rơi xuống. 

    Trong vòng 6h đầu kể từ khi vụ phun trào xảy ra vào ngày 15/1, tro và khói bụi từ núi Tonga bao phủ nhiều khu vực xung quanh. Sau 1 đêm, nó dày đến mức chặn được ánh Mặt trời. 

    Sóng thần lan tỏa, tiếng nổ rền vang hàng chục ngàn cây số

    Vụ phun trào mạnh đến mức tạo ra một cơn sóng thần cao hơn 2m tại Tonga, và một số đợt sóng khác ở Hawaii, Alaska (Mỹ), British Columbia (Canada) và nhiều khu vực ở bờ Tây Bắc Mỹ như Washington, Oregon, và California. 

    Sau khi phun trào, nhiều khu vực đã bị lũ lụt nghiêm trọng do sóng thần tạo ra

    Vụ phun trào tạo ra tiếng nổ rất lớn. Các chuyên gia tại ĐH Alaska xác nhận rằng họ nghe thấy tiếng nổ vào sáng ngày 15/1 (giờ địa phương), trùng thời điểm vụ phun trào xảy ra. Nghĩa là, tiếng nổ ấy có thể vang xa tới hơn 10.000 cây số, với vận tốc lên tới 800 dặm/h. 

    Điều kỳ lạ là người ở Hawaii lại chẳng nghe thấy gì dù họ ở gần hiện trường hơn. Các chuyên gia lý giải, nguyên nhân có thể do điều kiện khí hậu ở Alaska dường như đóng vai trò nhất định trong việc phản xạ lại âm thanh.

    Núi lửa Tonga đáy Thái Bình Dương: Vụ phun trào lớn nhất 30 năm, tiếng nổ rền vang 10 ngàn cây số, rung chấn khắp địa cầu - Ảnh 4.

    Rung chấn từ núi Tonga thậm chí có thể quan sát được bằng vệ tinh - tạo ra cái gọi là "sóng xung kích trong khí quyển". Sóng này được cho là đã lan tỏa đi toàn cầu, với vận tốc còn nhanh hơn tốc độ âm thanh. Như ở Florida có thể cảm nhận áp lực bất thường trong không khí sau khi vụ nổ diễn ra không lâu. 

    Ảnh hưởng đến khí hậu?

    Các vụ núi lửa phun trào có thể sản sinh ra một lượng khí như lưu huỳnh dioxide. Với một lượng lớn quy tụ, chúng thậm chí có thể hạ nhiệt độ của Trái đất và tạo ra hiện tượng La Niña (hiện tượng nước biển lạnh bất thường).

    Dẫu vậy theo Simon Carn, giáo sư của ĐH Công nghệ Michigan, lượng lưu huỳnh dioxide của Tonga "không đến mức quá kinh khủng". Cột khói ở Tonga phải dày đặc gấp 5 - 10 lần nữa thì mới gây ảnh hưởng lớn đến khí hậu được. 

    Alan Robock, giáo sư khoa học môi trường tại ĐH Rutgers cung có chung nhận định, khi cho rằng lượng lưu huỳnh dioxide cần để khiến Trái đất lạnh đi phải là rất lớn. "Ít nhất là 1000 kiloton (1 kiloton = 1000 tấn) hoặc hơn." Trong khi đó, ước tính từ vệ tinh cho thấy lượng khí do Tonga thải ra chỉ rơi vào khoảng 400 kiloton mà thôi. Dẫu vậy, các chuyên gia cho rằng vẫn cần phải theo dõi thêm để có kết luận chính xác.

    Australia hỗ trợ Tonga khắc phục thiệt hại

    Sau khi đề xuất hỗ trợ được chính phủ Tonga chấp thuận, sáng 17/1, quân đội Australia đã điều động một chiếc máy bay giám sát P-8 di chuyển vào không phận quốc đảo Thái Bình Dương. Mục đích của chuyến bay là xác định mức độ thiệt hại của hệ thống đường xá, bến cảng và lưới điện để từ đó triển khai các kế hoạch cứu trợ thảm họa và hỗ trợ nhân đạo phù hợp với tình hình thực tế.

    Đề xuất hỗ trợ của Australia nằm trong nỗ lực phản ứng phối hợp của nước này với New Zealand để đẩy nhanh các hoạt động hỗ trợ chính phủ và người dân Tonga sau khi xảy ra vụ phun trào núi lửa và kéo theo đó là các đợt sóng thần tấn công vào quốc đảo này cũng như một số quốc gia khác trên khắp Thái Bình Dương.

    Tro bụi từ núi lửa bay cao đến 20 km đang bao phủ không phận Tonga và hệ thống thông tin liên lạc đang bị gián đoạn nên chưa thể đánh giá được mức độ thiệt hại.

    Nguồn: AFP, Washington Post


    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Ingrid Stitt Vùng: Cairnlea. Phone: 9363 1644
Xem thêm

Chúng tôi chúc quý vị một mùa Giáng Sinh an lành


Article sourced from KENH14.

Original source can be found here: https://kenh14.vn/nui-lua-tonga-day-thai-binh-duong-vu-phun-trao-lon-nhat-30-nam-tieng-no-ren-vang-10-ngan-cay-so-rung-chan-khap-dia-cau-20220117184813941.chn


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ