Úc ghi nhận mức thặng dư thương mại hàng tháng liên tiếp lần thứ 47

21:00' 19-01-2022
Tính đến tháng 11/2021, Australia ghi nhận mức thặng dư thương mại hàng tháng liên tiếp lần thứ 47, một phần nhờ giá một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng cao như quặng sắt và than đá.


    Bốc dỡ container hàng hóa tại cảng botany ở sydney, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN

    Báo cáo mới công bố của Ủy ban Thương mại và Đầu tư Australia (Austrade) cho biết các nhà xuất khẩu “xứ chuột túi” đã thành công trong việc đa dạng hóa thị trường điểm đến, kịp thời tìm kiếm thêm các nguồn mua hàng mới, bù đắp cho những tổn thất do căng thẳng thương mại giữa Australia và Trung Quốc gây ra, cũng như chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang có xu hướng gia tăng trên toàn cầu, trong suốt thời gian bùng phát đại dịch COVID-19.

    Một khảo sát do Austrade thực hiện đối với các nhà xuất khẩu của Australia, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho thấy 51% các doanh nghiệp xác nhận gặp gián đoạn bởi các hạn chế áp đặt đối với hàng hóa và dịch vụ của họ tại các thị trường điểm đến, phần lớn là ở Trung Quốc và một số quốc gia châu Á khác.

    Nhà kinh tế trưởng của Austrade, bà Cherelle Murphy chia sẻ chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang gia tăng, thể hiện rõ nhất trong lĩnh vực nông nghiệp. Bà nói năm 2020, chỉ số Cảnh báo Thương mại toàn cầu ghi nhận mức tăng 73% trong các biện pháp can thiệp thương mại, mang tính phân biệt đối xử trên toàn cầu.

    Mặc dù vậy, bất chấp nhiều rào cản thương mại được thiết lập và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do tác động của dịch COVID-19 gây ra, các nhà xuất khẩu hàng hóa của Australia đã hoạt động tương đối tốt trong suốt hai năm qua.

    Tính đến tháng 11/2021, Australia ghi nhận mức thặng dư thương mại hàng tháng liên tiếp lần thứ 47, một phần nhờ giá một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng cao như quặng sắt và than đá.

    Bà Murphy khẳng định đại dịch đã gây ảnh hưởng đáng kể tới chuỗi cung ứng tòa cầu và vấn đề tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, Trung Quốc và Australia cũng tạo ra nhiều thách thức, nhưng hoạt động thương mại của “xứ chuột túi” vẫn diễn ra khá tốt và các vấn đề thương mại không thực sự dẫn đến kết quả thương mại kém hơn.

    Trong nửa đầu năm 2021, xuất khẩu nông sản từ Australia sang Trung Quốc sụt giảm 31%, so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, phần thiếu hụt này đã được bù đắp nhờ lượng xuất khẩu sang phần còn lại của thế giới tăng 29%.

    Sự kết hợp của thời tiết tốt và điều kiện canh tác, cùng với nhu cầu mua từ nước ngoài tăng cao, đã thúc đẩy doanh số bán lúa mì, bông, đường và bơ của Australia.

    Ngay cả lúa mạch, mặt hàng bị ảnh hưởng bởi việc Trung Quốc áp thuế cao hơn 180% vào năm 2020, cũng ghi nhận sự phục hồi, tăng trở lại 300% trong doanh số xuất khẩu.

    Một mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác của Australia khác phải chịu thiệt hại do lệnh cấm vận không chính thức của Trung Quốc là than luyện cốc và than nhiệt cũng kịp thời tăng trở lại gấp đôi giá trị xuất khẩu, nhờ giá tăng và nhu cầu ổn định từ các thị trường nước ngoài khác.

    Tuy nhiên, vẫn còn một số mặt hàng nông sản gặp thiệt hại đến nay chưa hồi phục được, trong đó có rượu vang và tôm hùm.

    Bà Murphy cho biết, về cơ bản Trung Quốc sẽ vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Australia, do nhu cầu của nước này đối với các sản phẩm xuất khẩu của Australia, như quặng sắt, than, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và các mặt hàng khác là rất lớn.

    Bà nói trao đổi thương mại Australia và Trung Quốc có sự bổ sung rõ rệt và Trung Quốc sẽ tiếp tục mua những gì mà các nhà xuất khẩu Australia chào bán.

    Về xuất khẩu dịch vụ, theo nhà kinh tế trưởng của Austrade, giá trị của lĩnh vực này đã giảm xuống mức thấp nhất gần 20 năm qua trong suốt thời kỳ đại dịch, do biên giới Australia liên tục đóng cửa trong suốt hai năm qua.

    Mặc dù vậy, sau khi Australia mở cửa trở lại biên giới quốc tế cho sinh viên nước ngoài từ ngày 15/12/2021, bà Murphy tin rằng xuất khẩu giáo dục của Australia sẽ dần phục hồi, nhưng lĩnh vực du lịch quốc tế trong ngắn và trung hạn khó có thể quay trở lại mức trước đại dịch.

    Điều này đòi hỏi Chính phủ Australia cần tăng cường hơn nữa các biện pháp hỗ trợ để du lịch nội địa có thể khởi sắc, bù đắp một phần cho những thiệt hại vẫn đang tiếp tục xảy ra với du lịch quốc tế./.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
SUPA VALU Vùng: Delahey. Phone: 9362 1207
Xem thêm

Article sourced from BNEWS.

Original source can be found here: https://bnews.vn/xuat-khau-cua-australia-khoi-sac-nho-da-dang-hoa-thi-truong/229224.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ