'Vũ khí năng lượng' của Nga không phát huy hiệu quả
Các kịch bản tồi tệ nhất về khủng hoảng năng lượng ở châu Âu liên tục được đưa ra trong mùa hè năm ngoái, khi Nga cắt giảm phần lớn nguồn cung khí đốt tới châu lục này để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây. Nhiều nước châu Âu liên tục chỉ trích Nga biến năng lượng thành vũ khí để gây sức ép buộc họ phải giảm ủng hộ với Ukraine.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cảnh báo tình trạng các nhà máy đóng cửa, chuỗi cung ứng đứt gãy và thất nghiệp hàng loạt. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi người dân giảm nhiệt độ hệ thống sưởi, trong khi Tây Ban Nha kêu gọi các nước châu Âu không phụ thuộc khí đốt Nga hỗ trợ những quốc gia láng giềng bị thiếu hụt năng lượng.
Trong khi đó, ông Dmitry Medvedev, phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, từ tháng 6 năm ngoái đã cảnh báo người dân châu Âu sẽ "lạnh cóng trong nhà" giữa mùa đông do hậu quả của việc ủng hộ Ukraine.
Song khi Liên minh châu Âu (EU) bước vào tháng cuối cùng của mùa đông, các dấu hiệu ngày càng rõ ràng cho thấy họ đã vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng.
Trong vòng 8 tháng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, 27 quốc gia EU đã thay thế khoảng 80% lượng khí đốt tự nhiên mà họ từng nhập từ Nga, bằng cách nhanh chóng xây dựng cơ sở hạ tầng mới cho khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), tìm ra những cách thức mới để giúp đỡ nhau trong lúc thiếu hụt và theo đuổi thành công chính sách tiết kiệm năng lượng.
Tỷ lệ khí đốt EU nhập từ Nga và các nước khác trong giai đoạn 2019-2022. Đồ họa: Guardian
Hà Lan, nước sản xuất khí đốt tự nhiên lớn nhất EU, đã nhập khoảng 15-20% lượng khí đốt từ Nga khi giảm khai thác mỏ Groningen, song đã tăng gấp đôi khả năng tiếp nhận LNG ở các kho lưu trữ và tái hóa khí ở Rotterdam và Eemshaven.
Hà Lan đã sử dụng nguồn LNG nhập khẩu này để đáp ứng nhu cầu trong nước, vốn giảm 22% so với mức trung bình năm trước, cũng như cung cấp khí đốt dư thừa cho Cộng hòa Czech, Đức và Pháp. Giống như nhiều nơi khác, giá khí đốt tiêu dùng ở Hà Lan tăng vọt, song chính phủ nước này đã hỗ trợ người dân bằng chính sách trợ cấp và áp giá trần.
"Vào mùa thu năm ngoái, tôi từng lo lắng rằng một số nước châu Âu sẽ ứng phó với khủng hoảng năng lượng bằng cách ưu tiên nguồn cung trong nước và ngừng chia sẻ với các nước láng giềng. Kịch bản đó nếu xảy ra sẽ tàn phá nền kinh tế và chính trị châu lục", Simone Tagliapietra, chuyên gia năng lượng tại tổ chức nghiên cứu Bruegel ở Bỉ, nói. "Nhưng châu Âu đã tránh được cám dỗ của chủ nghĩa bảo hộ và bảo vệ toàn vẹn thị trường nội khối".
Giá khí đốt giao ngay đã giảm xuống gần 60 USD mỗi megawatt giờ đầu tuần này, giảm từ mức gần 360 USD hồi cuối tháng 8 năm ngoái và tương đương với giá hồi tháng 9/2021, trước khi chiến sự Ukraine nổ ra.
Trong suốt năm ngoái, nhu cầu khí đốt ở EU đã giảm 12% so với mức trung bình giai đoạn 2019-2021, theo Bruegel.
Đức, quốc gia từng phụ thuộc rất nhiều vào nguồn khí đốt Nga, đã cố gắng giảm 14% lượng tiêu thụ khí đốt trong năm 2022 so với mức trung bình giai đoạn 2018-2021. Đức bước sang tháng 2 với các kho chứa được lấp đầy 80%, trong khi tỷ lệ này cùng kỳ năm ngoái là 36%.
Giá khí đốt cao đã gây tổn hại ngành công nghiệp Đức, nhưng thiệt hại chưa tới mức thảm họa, khi GDP của nước này chỉ giảm 0,2% trong quý IV năm 2022. Chính phủ Đức tuần trước cho biết suy thoái kinh tế sẽ "nhẹ nhàng và diễn ra trong thời gian ngắn hơn" so với dự kiến.
Các nước Bắc Âu thậm chí còn thành công hơn trong giảm tiêu thụ khí đốt, với Đan Mạch giảm 24% tổng nhu cầu sản xuất điện, công nghiệp và sưởi ấm, trong khi Thụy Điển giảm 36% và Phần Lan giảm 47%.
Mùa hè năm ngoái, một số nước Nam Âu ban đầu tỏ ra chần chừ chia sẻ gánh nặng tiết kiệm năng lượng với phần còn lại của châu lục. Tây Ban Nha đồng ý giảm 7-8% lượng khí đốt tiêu thụ sau khi lập luận rằng mục tiêu 15% là không công bằng đối với các quốc gia không phụ thuộc nhiều vào khí đốt Nga.
Tuy nhiên, Tây Ban Nha vẫn thực hiện nhiệm vụ giảm tiêu thụ khí đốt. Vào tháng 7, chính phủ nước này công bố loạt biện pháp tiết kiệm năng lượng, đặt ra giới hạn nghiêm ngặt về nhiệt độ điều hòa không khí và sưởi ấm trong các tòa nhà thương mại và công cộng lớn.
Theo quy định của Tây Ban Nha, hệ thống sưởi trong trung tâm mua sắm, rạp chiếu phim, nhà hát, nhà ga và sân bay không được thiết lập quá 19 độ C vào mùa đông và điều hòa không nên dưới 27 độ C vào mùa hè.
Kết quả là Tây Ban Nha đã đạt được mục tiêu mà họ miễn cưỡng cam kết, khi giảm 15% nhu cầu khí đốt tự nhiên trong giai đoạn tháng 8-11 năm ngoái so với cùng kỳ 5 năm trước.
Tại Pháp, nước xuất khẩu điện lớn nhất châu Âu, nỗ lực tiết kiệm năng lượng gặp nhiều khó khăn vì một số lò phản ứng hạt nhân quan trọng của nước này trong giai đoạn bảo trì, ảnh hưởng đến sản lượng điện.
Từ đầu tháng 5 tới cuối tháng 10, khoảng một nửa trong 56 lò phản ứng hạt nhân của Pháp ngừng hoạt động để bảo trì, biến nước này thành bên nhập khẩu điện. Một trong những quốc gia tăng xuất khẩu điện sang Pháp trong giai đoạn đó là Đức.
Đến giữa tháng 1, 73% lò phản ứng hạt nhân của Pháp đã hoạt động trở lại, giúp nước này lấy lại vị trí nhà xuất khẩu điện hàng đầu châu Âu.
Khi các nhà máy điện hạt nhân gặp khó khăn, năng lượng tái tạo đã trở thành giải pháp hỗ trợ châu Âu vượt qua khủng hoảng. Theo phân tích của tổ chức Ember Climate, 22% lượng điện của Liên minh châu Âu trong năm 2022 đến từ mặt trời và gió, đưa thị phần năng lượng tái tạo lần đầu vượt qua khí đốt.
Một cơ sở lưu trữ khí đốt của công ty khí đốt thương mại VNG AG ở Bad Lauchstaedt, Đức, ngày 28/7. Ảnh: Reuters.
Tại Bắc Âu, gió trở thành nguồn cung cấp điện lớn thứ ba cho Thụy Điển, sau năng lượng hạt nhân và thủy điện. Năng lượng gió của Phần Lan cũng tăng 75% trong năm ngoái, cho phép nước này tăng khả năng tự đảm bảo nguồn cung năng lượng.
Các kế hoạch tăng sản xuất năng lượng tái tạo đã được ba nước Bắc Âu thúc đẩy, với điện gió và năng lượng mặt trời được dự báo tăng gấp đôi vào năm 2030 và gió là nguồn năng lượng thống trị.
Chiến lược biến năng lượng thành vũ khí của Nga lại trở thành động lực giúp Thụy Điển hướng tới mục tiêu tăng thị phần năng lượng tái tạo lên 65% vào cuối thập kỷ này, trong khi Phần Lan là 51% và Đan Mạch 55%.
Tagliapietra, chuyên gia của tổ chức nghiên cứu Bruegel, cho rằng trong năm 2023, châu Âu sẽ ngày càng từ bỏ khí đốt để chuyển sang năng lượng tái tạo, giúp củng cố an ninh cho nền kinh tế của chính họ và chấm dứt phụ thuộc vào khí đốt Nga.
"Chính sách vũ khí hóa năng lượng của Nga đã thúc đẩy những thay đổi mang tính cấu trúc ở châu Âu, giúp quá trình phi carbon hóa tiến nhanh hơn", chuyên gia này nói. "Tác động của quá trình đó đã được cảm nhận rõ ở châu lục".
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/vu-khi-nang-luong-cua-nga-kem-hieu-qua-voi-chau-au-4566679.html