Virus giúp chấm dứt dịch bệnh đậu mùa có thể tiêu diệt ung thư?
Theo News Australia đưa tin, virus được tìm thấy trong phương pháp này đã giúp chấm dứt dịch bệnh đậu mùa cách đây 200 năm. Kế thừa công trình cũ, các nhà khoa học đã tìm ra hướng đi mới cho những bệnh nhân mắc ung thư.
Những kết quả mang theo nhiều hy vọng
Phương pháp mới có tên CF33 do GS Yuman Fong - chuyên gia ung thư ở Mỹ - và các nhà khoa học thuộc Công ty Công nghệ Sinh học Imugene (Australia) phát triển. Virus này đã có hiệu quả thu nhỏ khối u ở chuột thí nghiệm.
Hiện tại, GS Fong đã có mặt tại Australia và lên kế hoạch cho các thử nghiệm lâm sàng trong thời gian tới. Đội ngũ nghiên cứu cũng hy vọng nó sẽ được thử nghiệm trên bệnh nhân vào đầu năm tới.
GS Yuman Fong cho biết phương pháp mới đã có tác dụng trên chuột thí nghiệm. Ảnh: News360. |
Quá trình áp dụng trên người sẽ lựa chọn đối tượng là các bệnh nhân ung thư vú, dạ dày, ruột và khối u ác tính. Dù vậy, nhóm nghiên cứu cũng dự toán trước những khả năng không mong muốn có thể xảy đến. Bởi thử nghiệm hiệu quả ở chuột không có nghĩa sẽ thành công 100% ở người. Giai đoạn đầu áp dụng trên bệnh nhân sẽ mang đến nhiều thách thức lẫn cơ hội mà giới y học hay gọi là “thung lũng tử vong”. Nếu vượt qua, nó sẽ là một đột phá mới trong ngành y.
Theo GS Fong, CF33 làm việc dựa trên một dạng biến đổi của herpes hoặc virus cảm lạnh, gọi là Imlygic hay T-Vec. Nó giúp hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận biết và tiêu diệt các khối u. Sau đó, lần theo dấu vết của các khối u ác tính và “hạ gục” chúng.
Tom John, Viện nghiên cứu Ung thư Olivia Newton John, gần đây đã thử nghiệm một phương pháp điều trị tương tự. Ông kết hợp virus khác với liệu pháp miễn dịch Keytruda trên 11 bệnh nhân ung thư phổi. Kết quả, khối u của 3 bệnh nhân thu nhỏ lại.
Giáo sư Fong cho biết bằng chứng về một loại virus có thể tiêu diệt tế bào ung thư đã tìm thấy từ năm 1900 khi những người tiêm phòng vắc xin dại có tín hiệu khỏi dần ung thư.
Tuy nhiên, các thử nghiệm sử dụng virus nhằm điều trị ung thư trước đây đã gặp thất bại. Vì các virus này quá độc hại và chỉ có tác dụng với bệnh nhân ung thư gan hoặc da. Chính vì vậy, phương pháp trước đây mang đến nhiều rủi ro.
Giáo sư Fong đưa ra nguyên lý mà ông thực hiện để tìm ra virus mình đang nghiên cứu. Đó là trộn virus đậu mùa với nhiều loại virus khác. Kết quả đã cho thấy chúng “ăn mòn” các tế bào ung thư. Đây là cơ chế tiêu diệt căn bệnh này.
Phương pháp CF33 hứa hẹn sẽ là một đột phá y học. Nhóm nghiên cứu sẽ tiêm virus trực tiếp vào khối u của bệnh nhân. Sau đó, virus lên tiếng cảnh báo hệ thống miễn dịch, nhắc nhở bộ phận này làm nhiệm vụ tiêu diệt các tế bào ác tính.
Nhiều bệnh nhân sẵn sàng thử nghiệm
News Australia cho biết ít nhất hai bệnh nhân đồng ý thử nghiệm phương pháp mới. Đó là Jess Braude (Sydney) và Natalie Flynn (Brisbane, Australia). Họ được chẩn đoán mắc ung thư vú.
Jess Braude phát hiện mắc ung thư vú giai đoạn 3 vào tháng 7/2017. Người phụ nữ này hy vọng phương pháp mới sẽ mang lại cơ hội cho những bệnh nhân như mình. Bởi trước đây, Jess đã chứng kiến ba người khác qua đời dù được điều trị bằng các phương pháp khác nhau.
Jess Braude đã điều trị ung thư vú 3 lần nhưng chưa hiệu quả triệt để. Vì vậy cô sẵn sàng tham gia thử nghiệm phương pháp mới. Ảnh: News Corp Australia. |
Còn Natalie Flynn nhận được tin mình mắc ung thư mới 2 tháng trước. Kể từ khi phẫu thuật cắt bỏ hai bên ngực, bệnh nhân đã phải trải qua giai đoạn hóa trị. Bởi vậy, ngay khi nghe tới phương pháp mới, Natalie đồng ý ngay lập tức để tìm kiếm cơ hội sống cho mình. Hiện, các nhà khoa học chưa có thời gian chính xác về đợt thử nghiệm phương pháp mới trên bệnh nhân.
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: http://news.zing.vn/da-tim-ra-cach-tieu-diet-moi-loai-ung-thu-post1011849.html