Việc cho Trung Quốc thuê cảng Darwin cần xem xét lại
Cảng Darwin thuộc Vùng lãnh thổ Bắc Australia. Nguồn Maritime Executive.
Chính phủ Australia vừa soạn thảo dự thảo Luật Quan hệ đối ngoại để thắt chặt việc kiểm soát các chính quyền địa phương ký thỏa thuận hợp tác với nước ngoài. Ngoài thỏa thuận Vành đai-Con đường mà bang Victoria qua mặt chính quyền liên bang ký với Trung Quốc, một thỏa thuận khác cũng đang được dư luận Australia cho rằng nên được đưa ra xem xét lại khi dự thảo Luật Quan hệ đối ngoại được Quốc hội nước này thông qua, đó là thỏa thuận thuê cảng Darwin của một công ty Trung Quốc.
Thượng nghị sỹ Concetta Fierravanti-Wells, thành viên Ủy ban Đối ngoại, Quốc phòng và Thương mại của Quốc hội Australia cho biết, “vì tầm quan trọng chiến lược của cảng Darwin nên cảng này chắc chắn sẽ được các thành viên của ủy ban xem xét”.
Hai thành viên khác của ủy ban này là nghị sỹ Kimberly Kitching của Công đảng và nghị sỹ độc lập Rex Patrick cũng có quan điểm tương tự cho rằng, với vai trò chiến lược và là một công trình hạ tầng quan trọng của Australia nên thỏa thuận cho công ty Trung Quốc thuê cảng Darwin cần phải được mang ra xem xét lại.
Sở dĩ hợp đồng cho thuê cảng Darwin được một số nhà chính trị Australia cho rằng cần phải xem xét lại vì cảng này có vai trò địa chiến lược vô cùng quan trọng. Đây là khu vực gần nhất với Châu Á của Australia và là cửa ngõ thương mại phía bắc của nước này. Cảng Darwin cũng là nơi hỗ trợ hoạt động khai thác dầu và khí ở biển Arafura, Biển Timor và vùng biển ngoài khơi bang Tây Australia.
Không những vậy, đây còn là cảng duy nhất tại Australia có khả năng triển khai các dịch vụ vận tải đa phương thức. Về mặt an ninh, cảng Darwin còn gần với căn cứ quân sự của Australia và gần với căn cứ quân sự của Mỹ đặt tại Vùng lãnh thổ Bắc Australia.
Vào năm 2015, chính quyền Vùng lãnh thổ Bắc Australia do đảng Tự do nắm quyền đã cho công ty Trung Quốc có tên là Landbridge Group thuê cảng Darwin trong 99 năm với giá 506 triệu AUD.
Thỏa thuận này cho phép công ty Landbridge nắm 100% quyền điều hành cảng và 80% quyền sở hữu diện tích đất cảng, bao gồm cả bến tàu Fort Hill phục vụ cho hải quân. Vì có vị trí và vai trò chiến lược quan trọng nên khi chính quyền Vùng lãnh thổ Bắc Australia cho công ty Trung Quốc thuê cảng này khiến một số người lo ngại.
Khi chính quyền liên bang Australia đưa ra dự thảo Luật Quan hệ đối ngoại, vấn đề này lại một lần nữa được đưa ra với hy vọng, chính quyền Australia sẽ xem xét lại thỏa thuận này.
Tuy vậy, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne cho biết, dự thảo luật Quan hệ đối ngoại chỉ xem xét lại thỏa thuận giữa một thực thể tại Australia với chính quyền nước ngoài.
Còn công ty được thuê quản lý cảng Darwin là công ty tư nhân của Trung Quốc vì vậy không nằm trong phạm vi điều chỉnh của dự luật này.
Dự thảo luật Quan hệ đối ngoại sẽ được Quốc hội Australia thảo luận trong thời gian tới vì thế không loại trừ khả năng dự luật này sẽ phải bổ sung hoặc thay đổi một số nội dung theo đề xuất của các nghị sỹ. Vì thế vào lúc này chưa thể khẳng định thỏa thuận nào sẽ được mang ra xem xét lại.
Vụ việc này đang đặt chính quyền liên bang Australia do liên đảng Tự do-Dân tộc nắm quyền vào thế khó xử. Một mặt vừa muốn bảo vệ chính quyền của đảng Tự do tại Vùng lãnh thổ Bắc Australia, mặt khác lại muốn đảm bảo chính sách đối ngoại được thực thi nhất quán và các thỏa thuận mà các địa phương ký với nước ngoài đều nằm trong tầm kiểm soát của chính quyền liên bang./.
Article sourced from VOV.