Cảnh sát và tình báo Australia đang điều tra các nhà báo và học giả của Trung Quốc
Hôm 9/9, Australia cũng vừa thu hồi thị thực của hai học giả Trung Quốc.
Hai nhà báo Australia vừa rời Trung Quốc về nước hôm 8/9. Nguồn: ABC.
Tổ hợp truyền thông ABC của Australia cho biết, trưởng đại diện của một cơ quan báo chí Trung Quốc và hai học giả của Trung Quốc đang là đối tượng bị điều tra của cảnh sát Australia và Cơ quan tình báo Australia. Trong đó, hai học giả Trung Quốc đã bị tước thị thực nhập cảnh của Australia.
Cũng trong ngày 9/9, tờ Người Australia dẫn tin từ Tân Hoa xã cho biết, vào chiều tối ngày 26/6 vừa qua, một số nhà báo của Trung Quốc đang làm việc tại Australia đã bị các nhân viên tình báo Australia khám xét nơi ở cũng như máy tính, điện thoại di động, các bản thảo... Cuộc khám xét này diễn ra cùng ngày với vụ cơ quan tình báo Australia khám xét nhà riêng và nơi làm việc của một nghị sỹ bang New South Wales bị tình hình là có mối quanh hệ với chính phủ Trung Quốc.
Các vụ việc này diễn ra sau khi 2 nhà báo Australia phải vội vàng trở về nước ngày hôm qua sau khi bị quan chức an ninh Trung Quốc thẩm vấn và yêu cầu không được rời khỏi Trung Quốc. Sau đó, nhờ có sự can thiệp của Đại sứ quán Australia tại Trung Quốc, hai nhà báo này được trở về Australia. Trước đó, 1 nhà báo Australia sinh ra tại Trung Quốc làm việc cho một kênh truyền hình của chính phủ Trung Quốc đã bị Trung Quốc bắt giữ vì cho rằng có liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia. Sau khi 2 nhà báo Australia trở về nước ngày hôm qua, hiện không còn một nhà báo Australia nào làm việc tại Trung Quốc, điều mà chưa từng diễn ra kể từ giữa những năm 1970.
Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne khẳng định đây là “một chuỗi sự kiện đáng thất vọng”. Trong khi đó, nghị sỹ Joel Fitzgibbon nhận xét, sự việc cho thấy quan hệ giữa Australia và Trung Quốc “đang ở mức thấp nhất kể từ sau xảy ra sự kiện tại quảng trường Thiên An Môn”. Ông Fergus Hanson thuộc Viện chính sách chiến lược Australia thì cho hay, việc không còn một nhà báo Australia làm việc tại Trung Quốc đã “cắt đứt phương thức quan trọng đóng góp vào sự hiểu biết và giao tiếp giữa hai nước”.
Các vụ việc liên quan đến nhà báo Australia và Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước liên tục gia tăng căng thẳng thời gian gần đây. Mặc dù là đối tác chiến lược của nhau từ năm 2014 song kể từ chuyến thăm Trung Quốc năm 2016 của Thủ tướng Australia Malcom Turnbull cho đến nay, nhà lãnh đạo 2 nước chưa có cuộc gặp mặt chính thức nào.
Ngoài sự bất đồng quan điểm trong vấn đề Huawei, Biển Đông, hai nước còn mâu thuẫn trong việc Australia cho rằng Trung Quốc can thiệp vào công việc nội bộ của nước này, rồi mâu thuẫn trong vấn đề Hong Kong hay việc Australia yêu cầu mở cuộc điều tra quốc tế về Covid-19 và các cuộc tấn công mạng nhằm vào Australia...
Căng thẳng trong vấn đề chính trị còn lan sang cả kinh tế khi Trung Quốc đánh thuế chống bán phá giá đối với lúa mạch Australia và cấm nhập khẩu thịt bò từ 5 lò mổ của Australia. Trung Quốc đồng thời mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với rượu vang của Australia và đưa ra cảnh báo du lịch và du học Australia đối với người dân nước này.
Quan hệ giữa Australia và Trung Quốc gia tăng căng thẳng trong lúc quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, nhiều lần lãnh đạo Australia khẳng định về sự độc lập trong chính sách ngoại giao, trong đó có chính sách đối với Trung Quốc.
Không chỉ riêng quan hệ với Trung Quốc, chính sách ngoại giao Australia cũng đang có sự thay đổi lớn khi hướng nhiều hơn đến khu vực. Việc Tổng thống Donald Trump thực thi chính sách “Nước Mỹ trên hết” trong 4 năm qua khiến Australia nhận thức rõ được sự cần thiết về việc độc lập và gắn kết hơn với khu vực để bảo vệ lợi ích quốc gia.
Vì vậy một mặt không ngại làm căng với Trung Quốc, mặt khác nước này còn thực hiện một loạt các bước đi như tăng cường kết nối với Nhật Bản, Ấn Độ để gây dựng mối liên kết với các nước có nhiều ảnh hưởng trong khu vực nhằm xây dựng môi trường thuận lợi cho sự phát triển và gia tăng ảnh hưởng của Australia tại châu Á.
Trong bối cảnh này, sự căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc trong một loạt các vấn đề cho thấy Australia đang dần vươn ra khỏi cái bóng của Mỹ, để thể hiện tiếng nói độc lập khi lợi ích quốc gia bị đe dọa. Căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc-đối tác thương mại lớn nhất của nước này cũng cho thấy, lợi ích chiến lược của quốc gia là quan trọng nhất và không có điều gì có thể khiến Australia phải đánh đổi./.
Article sourced from VOV.