Vì sao tỷ lệ tử vong tại Đức thấp dù là ổ dịch lớn thứ 3 ở châu Âu?
Một nhóm nhân viên y tế tại trung tâm điều trị Covid-19 ở Berlin. (Ảnh: Reuters)
Theo số liệu thống kê của viện nghiên cứu RKI, số ca tử vong vì Covid-19 tại Đức tính đến hôm 25/3 là 149 người, trong khi số ca mắc là 31.554.
Theo Dailymail, tỷ lệ tử vong vì Covid-19 tại Italia hiện ghi nhận ở mức 9%, tại Pháp là 4,4%, Anh 5,3%, Tây Ban Nha 5,4%, nhưng tại Đức chỉ có gần 0,4%.
Các chuyên gia về virus đã đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Vì sao, so với các nước khác, tỷ lệ những người Đức tử vong sau khi được chẩn đoán nhiễm virus corona chủng mới (Covid-19) thấp như vậy?
Theo dõi rất chặt chẽ các ổ dịch
Theo các chuyên gia về dịch bệnh truyền nhiễm, lý do lớn nhất dẫn đến sự khác biệt về tỷ lệ tử vong giữa các nước châu Âu đó là, ngay từ những ngày đầu khi dịch mới bùng phát, Đức đã nỗ lực theo dõi, xét nghiệm và kiểm soát các ổ dịch tại nước này.
Điều này đồng nghĩa với việc Đức đã có nhận thức đúng đắn hơn về quy mô của dịch Covid-19 so với các quốc gia chỉ tiến hành xét nghiệm đối với các trường hợp có triệu chứng rõ rệt, trong đó chủ yếu là các bệnh nhân có nguy cơ cao nhất hoặc ở trong tình trạng nguy kịch nhất.
“Ngay từ đầu, khi mới chỉ có một vài trường hợp, chúng tôi đã phát hiện và cách ly họ, chúng tôi làm việc đó khá tốt tại Đức. Đó là lý do chính”, Reinhard Busse, người đứng đầu khoa quản lý chăm sóc sức khỏe tại Đại học Công nghệ Berlin, cho biết.
Ngoài ra, các yếu tố khác, như độ tuổi của những người mắc bệnh hay thời điểm bùng phát dịch, cũng là những lý do giải thích cho tỷ lệ tử vong thấp tại Đức. Tuy vậy, chính sách xét nghiệm rộng rãi vẫn là “chìa khóa” quan trọng nhất dẫn tới thành công của Đức.
Biểu đồ về tỷ lệ tử vong tại 6 nước châu Âu có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất. Đức là nước có tỷ lệ thấp nhất. (Đồ họa: Dailymail)
Với hơn 31.000 ca nhiễm, dịch Covid-19 tại Đức dường như có quy mô lớn hơn Pháp - nơi mới có hơn 20.000 ca nhiễm. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong tại Pháp cao hơn là dấu hiệu cho thấy vẫn còn nhiều trường hợp chưa được chẩn đoán bệnh tại nước này.
Ngay từ đầu, giới chức y tế Đức đã theo dõi rất chặt chẽ các ổ dịch. Khi một cá nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19, Đức ngay lập tức truy tìm những người từng tiếp xúc với bệnh nhân, sau đó tiến hành xét nghiệm và cách ly những người này, từ đó phá vỡ chuỗi lây nhiễm.
Washington Post dẫn lời Christian Drosten, nhà virus học tại bệnh viện Charité ở Berlin, cho biết ông "tin tưởng chắc chắn rằng” năng lực chẩn đoán cao đã biến Đức trở thành nước đi đầu trong việc phát hiện dịch bệnh.
Thực chất, các tiêu chí xét nghiệm Covid-19 ban đầu ở Đức không nhiều hơn Italia. Các đối tượng được xét nghiệm gồm những người đã có triệu chứng, từng tới các khu vực có nguy cơ cao hoặc tiếp xúc với người nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, quy mô xét nghiệm đã được tăng cường trong những tuần gần đây tại Đức. Số trường hợp được xét nghiệm ở Đức đã tăng từ 35.000 trong tuần đầu tiên của tháng 3 tới 100.000 trong tuần thứ 2. Con số này chưa bao gồm các xét nghiệm được thực hiện bên trong các bệnh viện.
Chính sách của chính phủ Đức là “làm tất cả mọi cách để phát hiện, cách ly, xét nghiệm và điều trị từng ca bệnh”, đồng thời “định vị từng người tiếp xúc với các bệnh nhân”. Truyền thông Đức đưa tin nước này có thể tiến hành khoảng 160.000 xét nghiệm mỗi tuần.
Độ tuổi bệnh nhân và hệ thống y tế
Các phóng viên giữ khoảng cách nhất định khi dự cuộc họp báo của Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Ảnh: Getty)
Theo Reuters, một lý do khác giải thích cho tỷ lệ tử vong thấp tại Đức là vì các bệnh nhân mắc Covid-19 ở nước này trẻ hơn so với các nước khác trong khu vực. Các số liệu được thống kê trên toàn thế giới cho thấy người già có nguy cơ tử vong vì Covid-19 cao hơn so với người trẻ.
Nhà dịch bệnh học Karl Lauterbach, một thành viên của Quốc hội Đức, cho biết dịch Covid-19 tại Đức khởi phát từ nhóm đông đảo các thanh niên trẻ tuổi, những người trở về sau các chuyến nghỉ dưỡng. Trong khi đó, dịch ban đầu bùng phát tại Italia chủ yếu tập trung vào nhóm dân số già của nước này.
Mặc dù độ tuổi dân số trung bình tại Đức cao thứ 2 trong khối Liên minh châu Âu (EU), chỉ sau Italia, nhưng độ tuổi trung bình của bệnh nhân Covid-19 tại Đức chỉ là 46 tuổi, trong khi tại Italia là 63 tuổi và tại Anh là 64 tuổi. Hơn 70% số ca mắc Covid-19 tại Đức nằm trong độ tuổi từ 20-50.
Cũng theo Lauterbach, với số giường chăm sóc đặc biệt và máy thở nhiều hơn hầu hết các nước châu Âu khác, cùng với đó là các biện pháp phòng dịch từ sớm, ông tin rằng Đức sẽ không “vỡ trận” và biến thành Italia hay Tây Ban Nha thứ hai.
Hệ thống y tế của Đức được cho là trang bị tốt hơn so với các nước khác. Đức hiện có 25.000 giường chăm sóc đặc biệt với máy thở hỗ trợ, đồng nghĩa với việc các bệnh nhân có cơ hội hồi phục nhanh hơn. Trong khi đó, Pháp chỉ có khoảng 7.000 giường chăm sóc đặc biệt, còn Italia có khoảng 5.000 giường và Anh cũng chỉ có hơn 4.000 giường.
Chính phủ Đức cho biết nước này đã lên kế hoạch tăng gấp đôi số giường bệnh trong vài tuần tới để tránh xảy ra kịch bản quá tải tại các bệnh viện.
Theo CNN, trong số 9 nước có số người mắc Covid-19 cao nhất, nước nào có tỷ lệ điều dưỡng cao nhất là nước có tỷ lệ tử vong thấp nhất. Đức có tỷ lệ 13,2 điều dưỡng/1.000 người, cao hơn những nước khác bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.
Khi số ca nhiễm tại Đức bắt đầu tăng lên, giới chức y tế nước này đã yêu cầu người dân giữ khoảng cách cộng đồng và cấm các sự kiện tập trung đông người. Các bang tại Đức thậm chí cấm tụ tập quá 2 người bên ngoài nơi ở.
Ngược lại với chính sách được áp dụng trên quy mô toàn quốc tại Italia và Pháp, phần lớn chính sách kiểm soát dịch bệnh tại Đức được giao cho chính quyền của các bang và chính các bang sẽ tự quyết định việc phong tỏa hay đóng cửa các trường học.
Cung cấp hệ thống năng lượng mặt trời thương mại với giá thấp nhất trên toàn nước Úc
Article sourced from DANTRI.
Original source can be found here: https://dantri.com.vn/the-gioi/vi-sao-ty-le-tu-vong-tai-duc-thap-du-la-o-dich-nong-thu-3-o-chau-au-20200325160634026.htm