Mặt tối của những lính Mỹ từng chiến đấu ở Afghanistan

16:35' 07-01-2025
Hai người thực hiện vụ đâm xe, gây nổ gần đây ở Mỹ đều là binh sĩ từng tham chiến ở Afghanistan và chịu đựng những vấn đề về tâm lý sau khi về nước.


    Rạng sáng 1/1, Shamsud-Din Jabbar lao xe, nổ súng vào đám đông tụ tập đón năm mới ở thành phố New Orleans, bang Louisiana khiến 14 người chết, hàng chục người bị thương. Vài giờ sau, Matthew Livelsberger lái xe Tesla Cybertruck chất đầy pháo hoa, thuốc nổ đến trước khách sạn Trump ở Las Vegas, bang Nevada, dùng súng tự sát. Ngay sau đó, chiếc xe phát nổ, khiến 7 người bị thương.

    Hai sự việc diễn ra cách nhau hơn 2.400 km, nhưng có nhiều điểm chung. Jabbar và Livelsberger đều gia nhập lục quân Mỹ, từng được điều động đến Afghanistan tham chiến. Jabbar đã giải ngũ, trong khi Livelsberger đang là lính đặc nhiệm Mũ nồi Xanh.

    Những thông tin liên quan Jabbar, 42 tuổi, và Livelsberger, 37 tuổi, được công bố trong quá trình điều tra còn phần nào hé lộ góc khuất mà quân đội Mỹ vốn phải đối mặt lâu nay: nguy cơ quân nhân hành động bạo lực, có thể do bị cực đoan hóa hoặc gặp vấn đề sức khỏe tinh thần sau thời gian tham chiến ở nước ngoài, đặc biệt là chiến trường Afghanistan.

    Shamsud-Din Jabbar (trái) và Matthew Livelsberger, hai nghi phạm trong hai vụ bạo lực ngày 1/1 ở Mỹ.

    Shamsud-Din Jabbar (trái) và Matthew Livelsberger, nghi phạm trong vụ lao xe và nổ Cybertruck ngày 1/1 ở Mỹ. Ảnh: Fox News

    Trong vụ lao xe, giới chức cho biết Jabbar đăng một số video lên mạng xã hội trước khi gây án và tuyên bố đã gia nhập nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng từ hè năm ngoái. Cựu binh này đã bị cực đoan hóa, nhưng không rõ từ bao giờ. Hàng xóm hay người thân đều không thấy dấu hiệu bất thường từ Jabbar.

    Trong vụ nổ xe Cybertruck, lời nhắn để lại trong điện thoại cho biết Livelsberger muốn "thanh tẩy tâm trí khỏi hình ảnh những người đồng đội đã mất, giải phóng bản thân khỏi gánh nặng về các sinh mạng đã lấy đi". Cục Điều tra Liên bang cho rằng Livelsberger có thể mắc chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD).

    PTSD xảy ra sau khi cá nhân trải qua hoặc chứng kiến một sự kiện đau thương, như trong chiến đấu, thiên tai, tai nạn nghiêm trọng hoặc bị hành hung. Đặc trưng của PTSD là các triệu chứng xâm nhập như hồi tưởng, ác mộng hay ám ảnh liên quan sự kiện đau thương, cùng với đó là cảm xúc đau khổ khi nhớ về sự kiện. Người mắc PTSD có thể biểu hiện né tránh tình huống, địa điểm hoặc cuộc trò chuyện có thể gợi lại đau thương.

    Sam Andrews, cựu trung tá lục quân Mỹ, ủy viên ban điều hành Bravo Zulu House, cơ sở sinh hoạt tạm thời dành cho cựu binh mắc PTSD và nghiện ngập, cho hay trong nhiều năm phục vụ quân đội, những người lính này chỉ thực hiện một công việc duy nhất là chiến đấu và không biết phải làm gì tiếp theo khi trở về cuộc sống dân sự.

    "Giải ngũ là một trong những thách thức lớn nhất quân nhân phải đối mặt", ông nói. "Họ mất đi mục đích, ý nghĩa và cảm giác có nơi thuộc về".

    Adam Ramsey, 35 tuổi, cựu binh lục quân từng tham chiến ở Afghanistan và Iraq, nói một số quân nhân sợ được phân công ít nhiệm vụ hơn nếu họ thừa nhận mắc vấn đề về tinh thần và phải đi điều trị.

    "Tôi đã chứng kiến chuyện này xảy ra với vài người", Ramsey, từng tại ngũ 10 năm, chia sẻ. Ramsey cảm thấy may mắn vì cấp trên đã ủng hộ anh chẩn đoán PTSD và chữa trị.

    Sau khi giải ngũ, Ramsey rất dễ cáu giận. Anh không thể hòa thuận với vợ, có những kỳ vọng phi thực tế rằng đứa con 5 tuổi phải hành xử trưởng thành hơn. Cựu binh này thường hồi tưởng về cảnh đấu súng, trong đó có lần bắn chết một tay súng nhỏ tuổi ở Afghanistan và cảm thấy mình như quái vật.

    "Tôi còn không nhận ra điều đó. Nó đã trở thành một phần tính cách tôi", Ramsey cho biết. Tình hình tệ dần đến mức vợ Ramsey không thể chịu nổi. "Cô ấy bảo tôi ngồi xuống rồi nói 'anh không còn là người mà em từng cưới'".

    Desmond Cook gia nhập lính thủy đánh bộ ngay sau khi tốt nghiệp trung học, tham chiến nhiều khu vực. Cook giải ngũ năm 2008, cảm thấy như mất đi danh tính và công việc duy nhất có thể làm.

    "Tôi chỉ biết cho nổ tung mọi thứ và hạ sát đối thủ", Cook chia sẻ. Trở về với cuộc sống bình thường, anh dễ nổi nóng và luôn tìm cớ để gây sự. Cảm giác chiến đấu trong vùng chiến sự khiến anh bị kích thích. Những đám đông lớn khiến anh phẫn nộ. Cook tìm đến rượu và ma túy để "cảm thấy bình thường".

    Cook từng bật khóc khi nghĩ đến gương mặt những người bị giết ở Afghanistan. Anh đã được hỗ trợ điều trị PTSD, sau khi tìm cách tự tử một số lần.

    Tuy nhiên, phần lớn cựu binh Mỹ phản đối bạo lực, dù họ hiểu sự phẫn nộ bị kìm nén hoặc tổn thương tinh thần từ khi tại ngũ có thể làm trầm trọng hơn nữa những căng thẳng thường ngày.

    Air Force personnel watched then-Defense Secretary Lloyd Austin address the issue of extremist ideology within the military during a base-wide pause in training in 2021. Photo: Tech. Sgt. Jeffrey Grossi/U.S. Air Force

    Binh sĩ căn cứ không quân dự bị Youngstown, bang Ohio, nghe Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin phát biểu về chủ nghĩa cực đoan trong quân đội hồi tháng 5/2021. Ảnh: YARS

    Giới chuyên gia quân sự và cựu binh đều cho rằng hành động của Jabbar và Livelsberger không đại diện cho tất cả, nhưng tình trạng quân nhân Mỹ phải đối mặt áp lực lớn là rất phổ biến. Bộ Quốc phòng Mỹ nhiều năm qua ghi nhận nhiều trường hợp quân nhân rơi vào vòng xoáy cực đoan hoặc có hành vi bạo lực sau thời gian tham chiến ở nước ngoài.

    Theo Bộ Các vấn đề cựu binh Mỹ, khoảng 7% quân nhân về hưu mắc PTSD. Tỷ lệ này cao gấp ba lần trong số những người từng ra chiến trường.

    Hai sự việc ngày 1/1 còn dấy lên câu hỏi về nỗ lực của chính phủ Mỹ trong hỗ trợ quân nhân và cựu binh, cùng với đó là khả năng xác định dấu hiệu cảnh báo sớm. Một khi quân nhân bị cực đoan hóa, hành động bạo lực của họ sẽ nguy hiểm hơn.

    Theo Liên đoàn quốc gia nghiên cứu và ứng phó khủng bố (START), trụ sở bang Maryland, gần 16% kẻ cực đoan phạm tội hình sự ở Mỹ từ năm 1990 đến nay có kiến thức và kỹ năng quân sự. "Nhóm này thường muốn thực hiện các vụ tấn công lớn, có thể gây thương vong từ 4 nạn nhân trở lên, hơn là những kẻ không kinh nghiệm", Michael Jensen, nhà nghiên cứu tại START, lưu ý.

    Phó thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh ngày 3/1 cho biết cơ quan này đã chuyển toàn bộ hồ sơ y tế của Livelsberger cho lực lượng hành pháp địa phương và kêu gọi các quân nhân gặp vấn đề về tinh thần tìm kiếm giúp đỡ thông qua mạng lưới hỗ trợ của quân đội.

    "Nếu cần giúp đỡ, cảm thấy cần hỗ trợ về mặt tinh thần hay đơn giản chỉ là nói chuyện với ai đó, hãy tìm kiếm dịch vụ phù hợp, cả trong và ngoài căn cứ", bà Singh nói.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Giáo dục?
Williamstown High School Vùng: Williamstown. Phone: 9393 9039
Xem thêm

Trường có truyền thống về các chương trình học thuật, âm nhạc, thể thao và nghệ thuật.


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/mat-toi-cua-nhung-linh-my-tung-chien-dau-o-afghanistan-4836160.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ