Sự thật bất ngờ về lực lượng cứu hỏa Los Angeles trước thảm họa cháy rừng khủng khiếp
Hãng CNN ngày 14/1 cho biết chưa đầy một tháng trước khi những đám cháy càn quét Los Angeles thuộc bang California (Mỹ), một nhóm lính cứu hỏa kỳ cựu đã tập trung tại Tòa thị chính hạt này để kêu gọi tăng thêm nguồn lực.
Một người trong số đó cho biết họ đang ở “điểm tới hạn” trong khi một người khác tiết lộ rằng các xe cứu hỏa trị giá hàng triệu USD đang phải nằm im vì thiếu thợ sửa chữa do cắt giảm ngân sách.
“Tôi sẽ nói điều mà mọi người không dám nói”, ông Freddy Escobar, Chủ tịch Công đoàn Cứu hỏa thành phố và cũng là một lính cứu hỏa kỳ cựu, tuyên bố. “Nếu chúng ta cắt giảm thêm một vị trí, nếu chúng ta đóng cửa thêm một trạm cứu hỏa… cư dân Los Angeles sẽ phải trả giá bằng mạng sống và ai đó sẽ chết”.
Những lo ngại của các lính cứu hỏa về nguồn lực, có vẻ, không hề sai. Một phân tích của CNN dựa trên dữ liệu mới nhất từ 10 thành phố lớn nhất nước Mỹ và các sở cứu hỏa tương đương cho thấy Sở Cứu hỏa Los Angeles có số nhân viên thấp hơn so với gần như tất cả thành phố lớn khác, khiến họ gặp khó khăn trong việc đối phó với cả các tình huống khẩn cấp hằng ngày lẫn các thảm họa lớn hơn như cháy rừng.
Dù nằm trong một trong những khu vực dễ xảy ra cháy nhất nước, nhưng Sở Cứu hỏa Los Angeles chỉ có chưa đến một lính cứu hỏa trên mỗi 1.000 cư dân. Trong khi đó, các thành phố như Chicago, Dallas và Houston… có gần hai lính cứu hỏa trên mỗi 1.000 cư dân. Trong số các thành phố lớn ở Mỹ, chỉ có San diego là có số lính cứu hỏa trên đầu người ít hơn.
Dọc bờ biển phía Bắc Los Angeles, thành phố San Francisco có hơn 1.800 lính cứu hỏa phục vụ cho khoảng 1,5 triệu cư dân trong thành phố và các cộng đồng lân cận, trong khi Los Angeles chỉ có khoảng 3.500 lính cứu hỏa phục vụ gần 4 triệu cư dân.
Các chuyên gia cho rằng không sở cứu hỏa nào trên thế giới có thể đối phó với một cơn bão hoàn hảo như những gì đã xảy ra trong các đám cháy kinh hoàng tại Los Angeles – thiêu rụi hơn 40.000 mẫu đất, phá hủy hơn 12.000 công trình và khiến ít nhất 25 người thiệt mạng.
Cảnh tàn phá do cháy rừng tại Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh: AP/TTXVN
Các lính cứu hỏa của Los Angeles đã được hỗ trợ bởi các đội từ khắp tiểu bang, nhưng hình ảnh cư dân ở một số khu phố cố gắng cứu nhà của họ bằng vòi nước vườn mà không thấy bóng dáng lính cứu hỏa đã làm dấy lên một cuộc tranh luận mới về việc liệu các quan chức thành phố có nên lập kế hoạch tốt hơn và đầu tư nhiều hơn vào Sở Cứu hỏa Los Angeles cũng như cần làm gì để chuẩn bị tốt hơn cho các tình huống khẩn cấp trong tương lai.
Một trong những diễn giả tham gia cùng các lính cứu hỏa tại cuộc họp Ủy ban Cứu hỏa vào tháng 12/2024 là Nghị viên Hội đồng Thành phố, bà Traci Park, người đã thẳng thắn cảnh báo rằng nguồn lực cứu hỏa đang bị căng thẳng “vượt ngưỡng chịu đựng” mặc dù nguy cơ cháy rừng ngày càng tăng đáng kể.
“Lần này qua lần khác, các nhà lãnh đạo được bầu tại Los Angeles đã thất bại trong việc đầu tư ý nghĩa vào an toàn công cộng, và kết quả là người dân Los Angeles đang phải gánh chịu hậu quả”, bà Park phát biểu.
Chỉ 21 ngày sau đó, cộng đồng Pacific Palisades trong khu vực bầu cử của bà Park đã trở thành tâm chấn của một trong những đám cháy.
Các lính cứu hỏa ở Los Angeles cho biết tình trạng thiếu nguồn lực là một mối lo ngại hàng ngày, không chỉ giới hạn ở khả năng đối phó với cháy rừng. Họ còn phải ứng phó với các vụ cháy công trình, tai nạn giao thông và các trường hợp khẩn cấp y tế, vốn đã gia tăng trong bối cảnh khủng hoảng vô gia cư ngày càng tồi tệ.
Ngôi nhà bị thiêu rụi trong đám cháy rừng tại Pacific Palisades, Los Angeles, California, Mỹ, ngày 7/1/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Trong một bản ghi nhớ từ cuối năm ngoái, Giám đốc Sở Cứu hỏa Los Angeles, bà Kristin Crowley, cũng bày tỏ lo ngại rằng mức độ nhân sự của cơ quan bà lãnh đạo, nơi chỉ bằng một nửa so với tiêu chuẩn mà một sở cứu hỏa chuyên nghiệp nên có, dựa trên các tiêu chuẩn do Hiệp hội Phòng cháy Quốc gia (NFPA) khuyến nghị.
Trong bản ghi nhớ, vốn đã bị thành phố gỡ khỏi trang web, bà Crowley viết rằng dân số thành phố đã tăng từ khoảng 2,5 triệu người vào năm 1960 lên gần 4 triệu người vào năm 2020. Tuy nhiên, số lượng trạm cứu hỏa hiện nay còn ít hơn so với trước đây, ngay cả khi số cuộc gọi yêu cầu cứu hỏa đã tăng gấp bốn lần.
Bà Crowley cho biết, dựa trên một phân tích, cơ quan này cần thêm 62 trạm cứu hỏa mới và hàng trăm lính cứu hỏa nữa để đáp ứng mức trung bình toàn quốc cho các sở cứu hỏa tại các thành phố đông dân cư.
Thị trưởng Los Angeles Karen Bass đã phải đối mặt với những chỉ trích về việc cắt giảm ngân sách gần đây tại sở cứu hỏa, mặc dù bà đã bảo vệ các quyết định này trong một cuộc họp báo tuần trước, gọi đó là kết quả của “thời kỳ ngân sách khó khăn” và khẳng định rằng “tác động của ngân sách thực sự không ảnh hưởng đến những gì chúng ta đang trải qua”.
Bà Bass cũng cho biết ngân sách bổ sung sau đó đã được phân bổ, cuối cùng làm tăng ngân sách của cơ quan này.
Công đoàn cứu hỏa cho rằng sự bỏ bê đối với cơ quan này là một vấn đề đã tồn tại từ lâu, trước cả thời kỳ của bà Bass.
“Đây không phải là vấn đề của một chu kỳ ngân sách. Đây không phải chỉ về một thị trưởng duy nhất. Điều này đã xảy ra trong hàng thập kỷ. Chúng tôi đã nói về điều này trong nhiều năm qua”, Chủ tịch Công đoàn Cứu hỏa thành phố Los Angeles, ông Escobar nói trong một cuộc phỏng vấn với CNN. “Thật buồn khi phải chờ đến một thảm họa thiên nhiên và bi kịch để làm sáng tỏ điều chúng tôi đã cảnh báo từ hàng thập kỷ nay”.
Năm 2011, Los Angeles xếp gần cuối bảng trong bảng xếp hạng về mức độ nhân sự của sở cứu hỏa trong số 40 thành phố lớn nhất nước Mỹ. Nghiên cứu này, được thực hiện bởi một công đoàn lao động tại New York, trên cơ sở xem xét các chỉ số như số lượng lính cứu hỏa, số trạm và xe cứu hỏa.
Năm ngoái, Quỹ Sở Cứu hỏa Los Angeles (Los Angeles Fire Department Foundation), một tổ chức phi lợi nhuận có sứ mệnh hỗ trợ sở cứu hỏa của thành phố, đã công bố một báo cáo nêu bật những khó khăn mà sở cứu hỏa đang đối mặt. Báo cáo chỉ ra rằng các trạm cứu hỏa, vốn được thiết kế để chứa khoảng sáu lính cứu hỏa, hiện đang phải phục vụ gấp đôi số lượng đó. Một tủ lạnh mini duy nhất được sử dụng để chứa thực phẩm cho cả trạm trong tất cả các ca làm việc, và một chiếc máy giặt được dùng chung cho hơn 16 lính cứu hỏa, những người cần giặt đồng phục gần như mỗi ngày.
“Những hạn chế ngân sách của thành phố và nguồn lực hạn hẹp khiến các lính cứu hỏa thường xuyên phải tự chi trả cho các sửa chữa khẩn cấp hoặc thay thế các vật dụng cơ bản như máy giặt, máy pha cà phê và máy làm đá”, báo cáo cho biết cùng lưu ý rằng gần một nửa số trạm cứu hỏa chỉ có dưới 1.000 USD trong tài khoản và số tiền này có thể nhanh chóng cạn kiệt bởi bất kỳ sửa chữa cần thiết nào.
Máy bay dập lửa cháy rừng tại Mandeville Canyon, Los Angeles, California, Mỹ, ngày 11/1/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Nghị viên Traci Park, người đã cảnh báo về tình trạng thiếu nguồn lực vào tháng trước, nói với CNN rằng bà hy vọng “đây sẽ là một lời cảnh tỉnh” và là cơ hội để suy nghĩ lại về cách thành phố ưu tiên các nhu cầu cạnh tranh. Trong tuần qua, nữ nghị viên này đã đi khảo sát sự tàn phá và trò chuyện với các lính cứu hỏa, những người nói với bà rằng họ chưa bao giờ thấy tình huống nào như những gì đã xảy ra.
“Liệu (việc có thêm nguồn lực) có tạo ra sự khác biệt cho vụ cháy cụ thể này hay không, tôi không biết. Nhưng trong một ngày bình thường ở Los Angeles, chúng tôi không có đủ những gì cần thiết”, bà Park nói trong một cuộc phỏng vấn. “Họ đã làm được nhiều điều phi thường với rất ít nguồn lực… nhưng điều đó không công bằng với họ. … Chúng ta nợ họ và gia đình họ việc đảm bảo rằng họ được an toàn và có những gì họ cần”.
Xem thêm
Luật Bồi thường thương tích cá nhân, tai nạn
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: https://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=3708154