Trung Quốc lên án Mỹ chuyển đạn chùm cho Ukraine
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh ngày 10/7 nói rằng việc Mỹ chuyển đạn chùm cho Ukraine đã "thu hút sự chú ý rộng rãi từ cộng đồng quốc tế, trong đó nhiều quốc gia lên tiếng phản đối".
Bà Mao không trực tiếp lên án quyết định này, nhưng lưu ý "việc chuyển giao đạn chùm một cách vô trách nhiệm có thể dẫn đến các vấn đề nhân đạo".
"Chúng ta nên xử lý công bằng các mối lo ngại về nhân đạo cũng như nhu cầu an ninh, quân sự hợp pháp, đồng thời duy trì thái độ thận trọng và kiềm chế với việc chuyển giao đạn chùm", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh tại cuộc họp báo ngày 3/2 ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters
123 quốc gia đã ký Công ước Oslo cấm sản xuất, tàng trữ, bán và sử dụng bom, đạn chùm vào năm 2008. Trung Quốc và Mỹ không ký cam kết này.
Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 9/7 công bố chi tiết gói viện trợ quân sự mới 800 triệu USD cho Ukraine, trong đó có Đạn Thông thường Cải tiến Đa dụng (DPICM) hay còn gọi đạn chùm. DPICM là đạn pháo hoặc đầu đạn tên lửa được thiết kế nhằm phát tán đạn con để phát nổ trên khu vực rộng lớn, phá hủy xe tăng, thiết giáp và gây thương vong với lính bộ binh.
Giới chuyên gia phương Tây nhận định đạn chùm có thể giúp Ukraine đối phó hiệu quả hơn với mạng lưới hầm hào và bãi mìn dày đặc của Nga. Tuy nhiên, một số quả đạn con có thể gặp trục trặc với ngòi nổ, khiến chúng không kích hoạt và nằm rải rác trên khu vực rộng lớn. Những đạn con này có thể phát nổ khi ai đó chạm vào, ngay cả khi chiến sự đã kết thúc nhiều năm. Điều này gây ra nguy cơ đặc biệt lớn với dân thường.
Kế hoạch của Mỹ khiến nhiều nước châu Âu bối rối. Pháp, Anh phản đối sử dụng đạn chùm, nhưng cũng bày tỏ sự thấu hiểu về quyết định của Mỹ khi giúp đỡ Ukraine. Tổng thống Đức Steinmeier khẳng định nước này sẽ không bao giờ dùng đạn chùm, nhưng cho rằng không nên ngăn Mỹ gửi vũ khí đó tới Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cam kết sẽ không nã đạn chùm vào "lãnh thổ Nga được quốc tế công nhận". Trong khi đó, Nga nhận định quyết định viện trợ đạn chùm cho Ukraine là "hành động tuyệt vọng và thể hiện sự yếu đuối của Mỹ", khi cuộc phản công của Kiev không như kỳ vọng.
Cách thức hoạt động của đạn chùm.
Hội chợ Tết St Albans 2024
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/trung-quoc-canh-bao-van-de-nhan-dao-tu-dan-chum-4627519.html