Trung Quốc lập 'làng định cư' ở các vùng tranh chấp
"Được thúc đẩy từ hoạt động mở rộng yêu sách chủ quyền bằng chiến lược ít tốn kém trên Biển Đông, Trung Quốc gần đây tăng cường nỗ lực áp dụng mô hình đó trên khu vực biên giới chạy qua dãy Himalaya", giáo sư Brahma Chellaney, chuyên gia về nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Delhi và là thành viên Học viện Robert Bosch ở Berlin, cho biết trong bài viết ngày 9/3 trên Project Syndicate.
Chellaney cho hay Trung Quốc "đang gấp rút xây dựng nhiều ngôi làng mới" ở các vùng biên giới tranh chấp để "mở rộng hoặc củng cố quyền kiểm soát" với các khu vực chiến lược mà Ấn Độ, Bhutan và Nepal cũng tuyên bố chủ quyền.
"Việc Trung Quốc thúc đẩy xây dựng các khu dân cư ở khu vực biên giới hoang vắng không người ở mang ý nghĩa chiến lược với các cơ sở quân sự mới của nước này tại đây. Các cơ sở này bao gồm trạm tác chiến điện tử, trận địa phòng không và kho đạn ngầm", chuyên gia Chellaney viết.
Vị trí làng Pangda gây tranh cãi của Trung Quốc và khu vực có thể là kho đạn mới xây, tháng 10/2020. Ảnh: Maxar.
Căng thẳng biên giới Ấn - Trung leo thang hồi tháng 5/2020, sau khi Ấn Độ tuyên bố các lực lượng Trung Quốc âm thầm chiếm các đỉnh núi và địa điểm chiến lược khác dọc biên giới chạy qua vùng Ladakh. Xung đột lên tới đỉnh điểm bằng vụ ẩu đả đẫm máu hồi giữa tháng 6/2020, khiến 20 lính Ấn Độ và 4 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng.
Một tài liệu của chính phủ Trung Quốc, được tờ SCMP tại Hong Kong dẫn lại gần đây, cho biết nước này định xây dựng 624 ngôi làng ở khu vực biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya.
Chellaney nhận định những ngôi làng mới được xây ở vùng biên giới trên dãy Himalaya giống các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp phi pháp tại Biển Đông trong "chiến lược bắp cải", đồng thời cảnh báo nước này có thể "vẽ lại bản đồ địa chính trị mà không cần nổ phát súng nào".
"Tạo ra một tranh chấp chưa từng tồn tại là bước đầu tiên để Trung Quốc khẳng định yêu sách lãnh thổ trước khi chiếm đóng khu vực họ muốn. Trung Quốc thường cử dân binh đi tiên phong trong chiến lược như vậy", Chellaney viết.
"Chiến lược cải bắp" từng được thiếu tướng quân đội Trung Quốc Zhang Zhaozhong đề cập trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình năm 2014. Tướng Zhang cho biết khi có tranh chấp chủ quyền trên biển, đầu tiên Trung Quốc sẽ đưa tàu cá đến khu vực, tiếp theo là tàu hải cảnh và cuối cùng là tàu chiến. "Mỗi lúc thích hợp lại sử dụng một lớp, siết chặt dần hơn để khẳng định yêu sách", ông này nói.
Giống cách triển khai các đội tàu cá cùng tàu hải cảnh hộ tống ra Biển Hoa Đông hoặc Biển Đông, Trung Quốc cử những nhóm chăn thả gia súc đi vào khu vực biên giới hoang vắng trên dãy Himalaya trước khi quân đội chính quy xuất hiện, tuyên bố đó là khu vực tranh chấp và khẳng định quyền kiểm soát.
"Trung Quốc đang bí mật áp dụng chiến lược này để dần dần chiếm giữ vùng lãnh thổ tranh chấp, tạo ra sự đã rồi đối với phía Ấn Độ. Đến lúc đó, Ấn Độ chỉ còn hai lựa chọn, hoặc chấp nhận hiện trạng lãnh thổ mới, hoặc đối đầu quân sự với cường quốc lớn hơn, mạnh hơn về kinh tế", tiến sĩ Srini Sitaraman, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu châu Á Thái Bình Dương, nhận định.
Theo Chellaney, chiến lược này giúp Trung Quốc lấn dần các vùng lãnh thổ trên Himalaya, từng thảo nguyên một.
Luật pháp quốc tế quy định tuyên bố chủ quyền lãnh thổ phải dựa trên thực thi chủ quyền liên tục và hòa bình với khu vực liên quan. Bằng việc xây dựng các làng định cư mới ở biên giới tranh chấp, Trung Quốc dường như đang tìm cách chứng minh rằng họ đang "kiểm soát liên tục" khu vực tranh chấp.
"Với việc xây dựng các ngôi làng biên giới mới và khu tái định cư ở đó, Trung Quốc có thể viện dẫn luật pháp quốc tế để ủng hộ các tuyên bố chủ quyền của mình. Kiểm soát hiệu quả là điều kiện thiết yếu của yêu sách lãnh thổ mạnh mẽ theo luật pháp quốc tế. Các cuộc tuần tra vũ trang không chứng minh được khả năng kiểm soát hiệu quả, song những khu định cư thì có", Chellaney viết.
Hình ảnh được cho là một ngôi làng Trung Quốc xây ở khu tranh chấp thuộc bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ tháng 11/2020. Ảnh: NDTV.
Các ngôi làng biên giới được cho là sẽ hạn chế việc quân đội đối phương sử dụng vũ lực, hỗ trợ Trung Quốc thu thập thông tin tình báo và triển khai các chiến dịch xuyên biên giới. Ảnh vệ tinh cho thấy các ngôi làng biên giới như vậy được xây dựng nhanh ra sao, cùng với những con đường rộng mới mở và căn cứ quân sự mới thiết lập.
Ấn Độ tháng 11/2020 công bố ảnh vệ tinhh cáo buộc Trung Quốc xây một ngôi làng bên trong vùng lãnh thổ thuộc bang Arunachal Pradesh của nước này. Trung Quốc phản bác, tuyên bố nước này "chưa bao giờ công nhận" chủ quyền của Ấn Độ với khu vực đó. Các hoạt động tương tự diễn ra với Bhutan, một trong những quốc gia nhỏ nhất thế giới, và Nepal, nước được đánh giá là thân thiết với Trung Quốc.
Trung Quốc xây dựng chương trình "làng biên cương" sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình năm 2017 kêu gọi những người chăn gia súc Tây Tạng tới định cư tại các khu vực biên giới, trở thành "những người bảo vệ lãnh thổ đất nước". "Không có hòa bình trên lãnh thổ, không cuộc sống yên bình cho hàng triệu gia đình", ông Tập khi đó nói.
Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016 ra phán quyết cho rằng việc Trung Quốc bồi đắp trái phép đảo nhân tạo tại Biển Đông "gây tổn hại đến môi trường rạn san hô" tại đây. Còn trên dãy Himalaya, các ngôi làng và cơ sở quân sự vùng biên giới của Trung Quốc có nguy cơ tàn phá hệ sinh thái vốn mong manh tại khu vực khởi nguồn của nhiều con sông lớn ở châu Á, theo giáo sư Chellaney.
Thiệt hại với môi trường được thể hiện rõ rệt trên cao nguyên Doklam hoang sơ, nơi Bhutan tuyên bố chủ quyền, song Trung Quốc chiếm giữ từ năm 2017 và quân sự hóa cao độ khu vực này.
Vị trí xảy ra đụng độ giữa Ấn Độ và Trung Quốc năm 2020. Đồ họa: Telegraph.
Đại tướng Manoj Naravane, tư lệnh lục quân Ấn Độ, tuyên bố chiến lược cải bắp của Trung Quốc trên dãy Himalaya "sẽ không hiệu quả". Tuy nhiên, ngay cả một cường quốc quân sự như Ấn Độ cũng phải vật lộn tìm ra cách đối phó hiệu quả với chiến lược này, Chellaney viết.
"Dù Ấn Độ đáp trả bằng các đợt triển khai lực lượng quân sự quy mô lớn, phía Trung Quốc vẫn kiểm soát hầu hết các khu vực mà họ chiếm giữ gần một năm trước. Chiến lược của Trung Quốc cho tới nay vẫn chứng tỏ hiệu quả trên đất liền cũng như trên biển", Chellaney kết luận.
chuyên bán các loại thực phẩm tươi ngon như trái cây, thịt, cá,...
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/trung-quoc-bi-to-dua-chien-luoc-cai-bap-o-bien-dong-len-day-himalaya-4246227.html