Trẻ em ở Dải Gaza đang trải qua những ngày tháng kinh hoàng

12:00' 26-10-2023
Ngoài nguy cơ thương vong vì bom đạn, trẻ em Gaza đang chịu các triệu chứng sang chấn tâm lý nghiêm trọng sau 16 ngày hứng không kích từ Israel.


    Bộ Y tế Palestine cho biết trong 16 ngày kể quân đội Israel liên tục không kích vào Dải Gaza, trung bình gần 110 trẻ em thiệt mạng vì bom đạn mỗi ngày, số bị thương cũng lên hàng nghìn.

    Fadel Abu Heen, bác sĩ tâm lý người Palestine, cho hay tác động của cuộc chiến lên tâm lý trẻ em đang được thể hiện rõ ràng, khi những triệu chứng nghiêm trọng bắt đầu xuất hiện.

    "Các em có những triệu chứng co giật, tiểu tiện mất kiểm soát, hoảng sợ, lo âu, có hành vi hung hăng, không dám rời xa cha mẹ", bác sĩ Heen nói. "Tình cảnh không có bất kỳ nơi an toàn nào đã gây cảm giác kinh hoàng với toàn bộ người dân, trong đó trẻ em là nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất".

    Trẻ em Palestine điều trị bên tại bệnh viện al-Shifa, Gaza, ngày 18/10. Ảnh: AFP

    Trẻ em Palestine điều trị tại bệnh viện al-Shifa, Gaza, ngày 18/10. Ảnh: AFP

    Một số em nhỏ thể hiện rõ ràng nỗi sợ hãi sau mỗi đợt không kích của Israel. Bác sĩ Heen cho hay nhóm này có thể cần can thiệp y tế ngay lập tức, nhưng vẫn trong tình trạng tốt hơn những đứa trẻ giấu kín nỗi kinh hoàng, thương tổn tâm lý trong lòng.

    Dải Gaza là một trong những khu vực mật độ dân số cao nhất thế giới, với 2,3 triệu dân sống trên diện tích 365 km2, trong đó khoảng một nửa là người dưới 15 tuổi. Kể từ ngày 7/10, khi Israel bắt đầu chiến dịch không kích trả đũa, nhiều gia đình phải sơ tán, tìm nơi trú ẩn trong các khu lều trại, trường học do Liên Hợp Quốc điều hành, với điều kiện sống thiếu thốn thực phẩm, nước sạch.

    "Con cái chúng tôi chịu đựng rất nhiều khi đêm xuống. Chúng quấy khóc suốt đêm, tiểu tiện không kiểm soát", một bà mẹ có 6 người con đang trú ẩn trong một trường học, nói.

    Tại Dải Gaza, những thiếu niên 15 tuổi có thể đã chứng kiến 5 đợt oanh tạc dữ dội trong đời mà quân đội Israel tiến hành trong giai đoạn 2008-2009, đợt tấn công năm 2012, chiến dịch mùa hè 2014, đợt không kích 2021 và giờ là xung đột 2023.

    Các nghiên cứu được thực hiện sau những lần xung đột trước đây cho thấy phần lớn trẻ em Gaza xuất hiện các triệu chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD).

    Sau chiến dịch Trụ cột Phòng thủ của Israel năm 2012, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho hay 82% trẻ em ở Dải Gaza liên tục hoặc thường xuyên lo sợ về cái chết bất thình lình. Phần lớn các em bị rối loạn giấc ngủ, thay đổi khẩu vị, cảm thấy giận dữ, bất an, cùng nhiều triệu chứng khác như sốt cao không lý do, phát ban, cắn móng tay.

    Thiếu niên Palestine ngồi trên đống đổ nát ở trại Nuseirat, miền trung Dải Gaza, ngày 19/10. Ảnh: AP

    Thiếu niên Palestine ngồi trên đống đổ nát ở trại Nuseirat, miền trung Dải Gaza, ngày 19/10. Ảnh: AP

    Tình trạng gia tăng chấn thương tâm lý ở trẻ em cũng xuất hiện tại Israel kể từ ngày 7/10, theo Hiệp hội Nhi Khoa Israel. "Chúng tôi đang chứng kiến cơn 'sóng thần' về các triệu chứng lo âu, căng thẳng ở trẻ nhỏ và tình hình này không được quan tâm thỏa đáng", Zachi Grossman, lãnh đạo hiệp hội, nói.

    "Khoảng 90% trẻ em đến các bệnh viện nhi ở Israel có biểu hiện căng thẳng. Đây là điều mà chúng tôi chưa từng gặp trước đây. Vấn đề này có thể kéo dài", ông cảnh báo thêm.

    Báo cáo của tổ chức Save the Children về tác động 15 năm phong tỏa, xung đột cho thấy sức khỏe tâm lý của trẻ em Dải Gaza đã "suy giảm đến mức báo động".

    Những đứa trẻ chia sẻ với Save the Children, tổ chức có trụ sở tại Anh, về nỗi sợ hãi, lo lắng, căng thẳng, tức giận. Các em cho hay các vấn đề trong gia đình, bạo lực, cái chết, ác mộng, nghèo đói, chiến tranh, phong tỏa là những điều gây ám ảnh tâm lý lớn nhất.

    "Cuộc sống của trẻ em ở Dải Gaza không khác gì một địa ngục trần gian", báo cáo dẫn lời Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói hồi năm 2021.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Rowville Secondary College Vùng: Rowville. Phone: 9755 4555
Xem thêm

Mời quý phụ huynh đăng ký nhập học và tham quan trường.


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/tre-em-gaza-chiu-ac-mong-tam-ly-duoi-mua-bom-bao-dan-4667891.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ