Trận đối đầu suýt gây bùng phát chiến tranh giữa Indonesia - Australia năm 1999

11:00' 15-12-2020
Tiêm kích Indonesia từng chạm trán căng thẳng với chiến đấu cơ Australia, suýt gây bùng phát chiến tranh trong cuộc khủng hoảng Đông Timor năm 1999.


    Chuyên trang quốc phòng Mylesat của Indonesia tuần trước đăng bài phỏng vấn phi công Henri Alfiandi, người điều khiển tiêm kích hạng nhẹ Hawk 200 chạm trán chiến đấu cơ đa năng F/A-18C Hornet của Australia ngày 16/9/1999.

    Cuộc chạm trán xảy ra vào thời điểm khủng hoảng Đông Timor lên đến đỉnh điểm năm 1999. Bạo lực ở phía đông đảo Timor bùng phát sau cuộc trưng cầu dân ý về quyết định ly khai khỏi Indonesia tháng 8/1999. Dân quân thân Jakarta, được sự hậu thuẫn của các lực lượng an ninh Indonesia, đã đẩy mạnh tấn công dân thường Đông Timor.

    Không quân Indonesia khi đó được giao nhiệm vụ cảnh giới trong quá trình rút quân khỏi Đông Timor. Tuy nhiên, sự hiện diện của chiến đấu cơ Indonesia tại Tây Timor và nhóm tàu chiến tuần tra ngoài khơi Đông Timor khiến Liên Hợp Quốc lo ngại Jakarta có thể can thiệp quân sự.

    Tiêm kích hạng nhẹ Hawk 209 của Indonesia. Ảnh: Airliners.

    Tiêm kích hạng nhẹ Hawk 209 của Indonesia. Ảnh: Airliners.

    Tháng 9/1999, không quân Indonesia duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhằm đối phó tình hình căng thẳng ở Đông Timor. Ngày 12/9/1999, đại úy Henri Alfiandi được lệnh triển khai đến căn cứ Kupang ở Tây Timor, nơi luôn duy trì ba tiêm kích hạng nhẹ Hawk mua từ Anh. Các phi công ở căn cứ này được lệnh bắn hạ mọi phi cơ xâm nhập trái phép không phận Indonesia.

    Bốn ngày sau, Henri được giao nhiệm vụ tuần tra chiến đấu trên phi cơ hai chỗ ngồi Hawk Mk 109 số đuôi TL-0501 cùng phi công Anton Mengko. Tổ tuần tra nằm dưới quyền chỉ huy của đại úy Azhar Aditama, người điều khiển tiêm kích một chỗ ngồi Hawk Mk 209 số đuôi TT-1207.

    Lúc 9h, hai phi cơ cất cánh làm nhiệm vụ tuần tra ở Vùng Thông tin bay (FIR) phía đông nam, giáp không phận thành phố Darwin của Australia. Lực lượng dẫn đường mặt đất ở căn cứ Kupang thông báo phát hiện hai máy bay chưa rõ danh tính vượt qua ranh giới FIR Darwin ở độ cao 2.430 m và tốc độ 296 km/h, yêu cầu biên đội Hawk xác minh đó có phải trực thăng đang di chuyển đến thủ phủ Dili của Đông Timor hay không.

    Henri yêu cầu Azhar sử dụng radar AN/APG-66H trên phi cơ để xác minh tốc độ của nhóm máy bay lạ, do chiếc Hawk Mk 109 không có radar. Anzhar thông báo tốc độ của chúng liên tục tăng lên 277 km/h, 296 km/h rồi 370 km/h. Lúc này, máy bay lạ ở cách họ khoảng 128 km.

    "Tôi lập tức kéo cao và chiếm vị trí sẵn sàng cận chiến để bảo vệ Azhar, vì máy bay của tôi không có radar. Tôi ở ngay phía sau anh ấy", Henri nhớ lại. Hai phi cơ Indonesia sau đó leo lên độ cao 8.500 m và nhanh chóng xác nhận nhóm phi cơ lạ là tiêm kích, không phải trực thăng.

    Anzhar bật chế độ chiến đấu trên radar, lập tức hai phi cơ lạ chuyển hướng thẳng về phía biên đội Hawk. Không lâu sau đó, Azhar xác định đó là tiêm kích F/A-18A/B của không quân Australia và hét "Hornet" qua điện đài. Biên đội tiêm kích Australia dường như xuất phát từ căn cứ không quân Tindal ở phía bắc nước này. Lực lượng tại Tindal được tăng cường từ trước đó nhằm gây áp lực, ngăn Jakarta leo thang xung đột quân sự ở Đông Timor.

    Azhar khóa mục tiêu vào một tiêm kích Australia, nhưng Henri cảnh báo rằng hai nước chưa tuyên bố chiến tranh. Biên đội F/A-18 Australia cũng không xâm phạm không phận Indonesia trong suốt cuộc chạm trán này.

    Biên đội F/A-18C Australia trong một chuyến huấn luyện. Ảnh: RAAF.

    Biên đội F/A-18C Australia trong một chuyến huấn luyện. Ảnh: RAAF.

    Tiêm kích Australia sau đó quay đầu trở về FIR Darwin, trong khi biên đội Hawk của Indonesia cũng trở lại căn cứ Kupang. Có thêm hai biên đội với tổng cộng 8 phi cơ và một máy bay cỡ lớn nghi là máy bay tiếp dầu hoạt động trong FIR Darwin.

    Ngay khi hạ cánh, Henri yêu cầu kỹ thuật mặt đất chuẩn bị chiếc Hawk 209 cho chuyến bay tiếp theo và nạp dầu trong khi động cơ vẫn hoạt động. Tuy nhiên, điều này không thể thực hiện và phi công Indonesia phải ngồi chờ. Anh ta uống một cốc trà rồi nhanh chóng trở lại máy bay, sau đó xuất phát với hai tên lửa đối không tầm ngắn AIM-9 Sidewinder. Không rõ chuyến bay này chỉ gồm chiếc Hawk 209 của Henri hay có đồng đội hỗ trợ.

    Henri lập tức bật radar nhưng phát hiện nó không hoạt động, phi công Indonesia sau này cho rằng mình bị tiêm kích F/A-18 Australia gây nhiễu. Tiêm kích Australia dường như đã áp sát chiếc Hawk ở khoảng cách 32 km, trong khi lực lượng mặt đất gần như la hét mệnh lệnh dẫn đường cho Henri.

    Lúc này, Henri nhận thấy thùng dầu phụ gặp vấn đề với bơm nhiên liệu, khiến trọng tâm máy bay bị ảnh hưởng và cản trở khả năng điều khiển. Cuộc chạm trán kết thúc trước khi hai bên thấy nhau bằng mắt thường. Henri trở lại căn cứ Kupang và bị cấp trên quở trách vì quá háo hức đối đầu chiến đấu cơ Australia.

    Trong ba ngày tiếp theo, các phi công Indonesia vẫn trong trạng thái báo động nhưng không có thêm vụ xâm nhập nào được thông báo. Đông Timor chính thức tuyên bố độc lập tháng 5/2002, quan hệ Indonesia - Australia sau này cũng được khôi phục.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Luật sư - Trạng sư?

Luật Bồi thường thương tích cá nhân, tai nạn


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/tran-doi-dau-tiem-kich-indonesia-australia-nam-1999-4204956.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ