Tổng thống Biden đối diện nhiều thách thức lớn trong năm 2023

06:00' 06-01-2023
Thách thức chờ đón ông Biden sau khi phe Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Hạ viện và xung đột Ukraine có thể kéo dài.


    Tổng thống Mỹ Joe Biden đã vượt qua nhiều khó khăn trong năm 2022 với những thành tích đáng kể, khi Mỹ xây dựng được liên minh phương Tây tương đối đoàn kết trong hỗ trợ Ukraine, đảng Dân chủ đạt kết quả tốt hơn mong đợi trong bầu cử giữa kỳ, cùng một số thành tựu khác về kinh tế. Tuy nhiên, trong năm 2023, ông sẽ phải tiếp tục đối mặt với những thách thức đối ngoại, đối nội lớn.

    Thử thách lớn nhất đối với ông Biden là xung đột Ukraine nhiều khả năng sẽ tiếp tục kéo dài, theo các nhà phân tích của Foreign Policy. Là bên cung cấp viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine, nhiệm vụ chính của chính quyền ông Biden sẽ là duy trì nguồn cung vũ khí ổn định, cho phép Kiev tiếp tục chiến đấu.

    Tuy nhiên, ông sẽ phải tìm cách cân bằng giữa cam kết hỗ trợ Ukraine với mức độ sẵn sàng của Mỹ và sự giám sát chặt chẽ hơn từ Hạ viện, nơi đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát từ tháng 1.

    Tổng thống Mỹ Joe Biden trả lời báo chí về vụ nổ tên lửa ở Ba Lan khi trở về Nhà Trắng ngày 17/11. Ảnh: Reuters.

    Tổng thống Mỹ Joe Biden trả lời báo chí tại Nhà Trắng ngày 17/11/2022. Ảnh: Reuters.

    Triển vọng hòa bình ở Ukraine hiện vẫn u ám khi quân đội Nga tiếp tục củng cố phòng tuyến và tăng cường tấn công ở Donbass. Tổng thống Nga Vladimir Putin tháng trước cảnh báo rằng cuộc chiến "có thể là quá trình lâu dài". Trong khi đó, giới chức Ukraine tuyên bố sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến khi khôi phục đường biên giới đất nước trước năm 2014, gồm cả việc giành lại bán đảo Crimea.

    Quan điểm trái ngược của hai bên khiến giới quan sát lo ngại chiến sự sẽ tiếp tục ác liệt và kéo dài. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã khẳng định mục tiêu của Mỹ là giúp Ukraine đẩy lùi Nga khỏi các vùng lãnh thổ mà Moskva kiểm soát kể từ khi phát động chiến dịch hồi cuối tháng 2/2022, nhưng loại trừ bán đảo Crimea.

    Tổng thống Biden cũng phải tìm cách duy trì liên minh đã thiết lập giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu, nhằm tăng áp lực với Moskva và đảm bảo cung cấp cho Kiev nguồn hỗ trợ nhân đạo và quân sự cần thiết.

    Châu Âu vẫn thể hiện sự ủng hộ nhiệt thành với Ukraine, nhưng giá khí đốt, lương thực tăng vọt hay nguy cơ suy thoái kinh tế năm 2023 có thể khiến lãnh đạo các nước phải cân nhắc.

    Thách thức đối ngoại tiếp theo là mối quan hệ với Trung Quốc. Ông Biden đã đưa cuộc đối đầu về chất bán dẫn giữa Mỹ và Trung Quốc lên tầm cao mới trong năm 2022, với các biện pháp hạn chế xuất khẩu có nguy cơ cản trở những nỗ lực của Bắc Kinh trong cạnh tranh công nghệ tiên tiến.

    Dù các biện pháp hạn chế xuất khẩu có hiệu quả, ít nhất là trong ngắn hạn, Mỹ vẫn đối mặt hai câu hỏi lớn: Trung Quốc có thể trả đũa như thế nào và các đồng minh của Mỹ sẽ tham gia ở mức độ nào.

    Bắc Kinh đã đệ đơn khiếu nại việc hạn chế xuất khẩu chất bán dẫn lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Trong khi đó, Hà Lan và Nhật Bản, hai quốc gia quan trọng đối với chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu, đã đàm phán với chính quyền ông Biden. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói ông hy vọng có "sự liên kết rộng rãi" về vấn đề chất bán dẫn.

    Mỹ cũng có những đối tác khác. TSMC, công ty sản xuất chất bán dẫn hàng đầu Đài Loan, chiếm 92% số lượng chip tiên tiến nhất thế giới, đang đầu tư vào Mỹ. Nhưng khoản đầu tư 40 tỷ USD dự kiến không tăng lên cho đến năm 2024, trong khi Trung Quốc được cho là đang chuẩn bị gói đầu tư riêng trị giá 143 tỷ USD cho lĩnh vực bán dẫn.

    Những nỗ lực của Mỹ nhằm tách khỏi ngành công nghệ của Trung Quốc đã khiến căng thẳng song phương leo thang. Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ đã cấm nhập khẩu thiết bị viễn thông từ Huawei. Các nhà lập pháp và quan chức an ninh kêu gọi cấm ứng dụng Tik Tok. Với hơn 100 triệu người dùng ở Mỹ, lệnh cấm được cho là sẽ có những tác động lớn trong nước.

    2022 còn là một năm khủng hoảng về kiểm soát vũ khí toàn cầu. Những nỗ lực của ông Biden nhằm cứu vãn các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran rơi vào bế tắc. Triều Tiên liên tiếp thử các loại vũ khí với uy lực ngày càng lớn. Hiệp ước hạt nhân cuối cùng giữa Mỹ và Nga đối mặt tương lai không chắc chắn. Giới quan sát không nhận thấy những tín hiệu lạc quan về các vấn đề này trong năm 2023.

    Cả các nhà đàm phán Mỹ và Iran đều thừa nhận các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân đã gần như kết thúc mà không đạt được nhất trí. Đặc phái viên của ông Biden về vấn đề Iran Rob Malley mùa thu năm ngoái cho biết Iran sắp có đủ nguyên liệu để sản xuất vũ khí hạt nhân, đồng thời cáo buộc Tehran phá hỏng các thỏa thuận.

    Về Triều Tiên, quan chức Mỹ và Hàn Quốc lo ngại vụ thử hạt nhân lần thứ bảy của Bình Nhưỡng chỉ là vấn đề thời gian. Tính đến tháng 12/2022, Triều Tiên đã thực hiện 63 vụ thử tên lửa, trong khi kỷ lục những năm trước chỉ ở mức 25.

    Mỹ và Hàn Quốc dự kiến tiến hành thêm các cuộc tập trận quân sự chung trong năm 2023, cũng như lên án chương trình hạt nhân của Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, khi mối quan hệ giữa Washington với hai cường quốc lớn khác trong LHQ là Moskva và Bắc Kinh lao dốc, giới quan sát không lạc quan rằng những nỗ lực đó có thể tiến xa.

    Nga và Mỹ từng dự kiến nối lại các cuộc thảo luận về hiệp ước hạt nhân New START tại Ai Cập vào tháng 11 năm ngoái, nhưng kế hoạch đã bị hoãn lại mà hai bên không nêu lý do.

    Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chuyển quà từ một binh sĩ nước này cho Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng ngày 21/12. Ảnh: AFP.

    Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trao đổi với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng ngày 21/12. Ảnh: AFP.

    Về đối nội, đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Hạ viện cũng là vấn đề đau đầu với chính quyền ông Biden. Các đảng viên Cộng hòa ở Hạ viện đã tuyên bố sẽ mở cuộc điều tra quyết định rút quân nhiều hỗn loạn của Mỹ khỏi Afghanistan năm 2021.

    Hạ nghị sĩ Michael McCaul, người có khả năng tiếp quản Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, đã soạn thảo một báo cáo, trong đó chỉ ra chính quyền ông Biden không lập kế hoạch chi tiết cho cuộc rút quân khỏi Afghanistan, vốn được nhất trí dưới thời chính quyền Donald Trump. McCaul cũng đổ lỗi cho chính quyền ông Biden bỏ rơi các binh sĩ Afghanistan từng hợp tác với Mỹ sau khi Taliban tiến vào Kabul.

    Một vấn đề lớn khác là viện trợ cho Ukraine. Dù Hạ viện đã tăng ngân sách cho Lầu Năm Góc, một số đảng viên Cộng hòa muốn siết chặt hỗ trợ cho Kiev. Nghị sĩ Marjorie Taylor Greene tuyên bố sẽ giám sát chặt chẽ hơn các khoản viện trợ cho Ukraine, trong khi thượng nghị sĩ J.D. Vance nói rằng ông không "thực sự quan tâm" tới những gì xảy ra với Kiev.

    Năm 2022, thế giới chứng kiến cuộc khủng hoảng năng lượng khi Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt tự nhiên sang châu Âu, đẩy giá năng lượng tăng vọt và khiến nhiều quốc gia phụ thuộc rơi vào tình trạng hỗn loạn kinh tế.

    Dù không phải là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, Mỹ đã đi đầu trong nỗ lực áp trần giá dầu Nga. Sau một năm sóng gió, mục tiêu trọng tâm của ông Biden sẽ là giữ giá xăng dầu tại Mỹ cũng như trên toàn cầu ở mức thấp, đồng thời thúc đẩy nỗ lực về năng lượng sạch và kinh tế xanh.

    Richard Bronze, đồng sáng lập công ty tư vấn năng lượng Energy Aspects, cho biết trong năm 2023, một trong những thách thức lớn của ông Biden là đảm bảo nguồn cung tất cả các loại năng lượng để tránh giá tăng vọt trong nước và ở nước ngoài. Đồng thời, ông cũng phải thay đổi xu hướng phát thải carbon "đang gia tăng trong năm 2022" ở cả Mỹ và toàn cầu do hậu quả của khủng hoảng năng lượng.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Market Place Poultry and Game Vùng: St Albans . Phone: 9366 2237
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/thach-thuc-cho-don-ong-biden-trong-nam-2023-4555749.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ