Tình yêu có thể chỉ toàn lãng mạn và ngọt ngào nhưng hôn nhân không vậy, hãy tìm hiểu kỹ
Muốn bên ai đó trọn đời thì phải tìm hiểu thật kỹ về đối phương trước khi kết hôn. Và cách tốt nhất để hiểu một người là nhìn vào chính "hoàn cảnh gia đình" của người đó. Cái gọi là "môi trường gia đình" ở đây không chỉ nói đến điều kiện kinh tế của hai bên gia đình, mà còn bao gồm cả lối sống, cách suy nghĩ, các quan điểm sống... do gia đình mang đến.
Cưới đúng người là cả đời hạnh phúc, còn cưới nhầm người thì những gì đang chờ đợi bạn ở phía trước sẽ là cả đống rắc rối, phiền toái và không vui.
01. Cuộc hôn nhân của bạn là sự tiếp nối cuộc hôn nhân của cha mẹ bạn
Gần đây tôi có đọc được một câu chuyện kể về một chàng trai và một cô gái yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên. Cả hai hẹn hò hơn 1 năm và càng ngày càng mặn nồng hơn. Chẳng mấy chốc, cả hai đã tính đến chuyện cưới xin.
Sau khi được sự đồng ý từ gia đình hai bên, cả hai quyết định đăng ký kết hôn trước rồi sẽ làm đám cưới sau. Ngày thứ hai sau khi đăng ký kết hôn tình cờ lại là ngày nghỉ của cô gái. Thấy vậy, chàng trai đã đưa vợ về nhà, muốn cô và bố mẹ mình có thời gian hòa hợp trước.
Nhưng về đến nhà bố mẹ chồng rồi, cô gái chợt thấy hối hận.
Không phải là mẹ chồng đối xử không tốt với cô mà cách bố mẹ chồng đối xử với nhau khiến cô cảm thấy không được thoải mái.
Ở nhà, bố chồng cô gần như chỉ ăn không ngồi rồi, không bao giờ đụng tay làm bất kì việc gì, tất cả đều do một tay mẹ chồng cô làm hết. Thậm chí đến 3 bữa 1 ngày, ông cũng phải đợi mẹ chồng cô bê hết mọi thứ lên bàn rồi mới ngồi xuống ăn. Và đương nhiên, ăn xong cũng không có chuyện bố chồng cô dọn dẹp, rửa bát. Ông chỉ lau miệng sau đó tiếp tục nằm dài trên sofa xem TV.
Cả ngày dài, mẹ chồng cô phải quán xuyến hết việc trong nhà, quét dọn, lau nhà, giặt giũ, không lúc nào ngơi tay. Trong khi đó, bố chồng cô chỉ ngồi đó nhàn rỗi, vừa uống trà vừa đọc báo.
Mẹ chồng cô bị đau lưng kinh niên, lâu lâu vừa làm việc nhà vừa "Á" lên đau đớn. Nhưng bố chồng cô có nghe thấy cũng chẳng bao giờ hỏi han, giúp đỡ. Bố chồng luôn thích chỉ đạo mẹ chồng phải làm thế này, thế kia, quát mắng hoặc nổi nóng với mẹ chồng cô mỗi khi có yêu cầu gì không được đáp ứng.
Sau khi ra khỏi nhà chồng, cô gái hỏi chàng trai có cảm thấy bố mình hơi quá đáng không thì chàng trai nói: "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm, nhà anh như thế là hết sức bình thường mà".
Chẳng bao lâu sau đó, hai người bắt đầu dọn về sống với nhau. Và cô gái dần bắt đầu nhìn thấy hình bóng bố chồng trên người chàng trai: Đi làm về, anh luôn miệng kêu đói và bắt cô gái nấu ăn còn mình thì lo xem TV hoặc chơi game. Bất cứ khi nào cô gái nhờ chàng trai phụ mình trong bếp hoặc phụ làm việc nhà, chàng trai sẽ từ chối thẳng thừng và nói: "Anh đi làm chưa đủ mệt à? Mà mấy việc đấy con gái bọn em phải làm là đúng rồi còn gì nữa mà kêu ca".Còn khi cô than đau lưng, chàng trai sẽ hỏi lại bằng giọng "kháy" đểu: "Em không muốn làm việc nhà à?".
Cô gái thấy rằng cuộc hôn nhân của mình gần như đã trở thành sự lặp lại của bố mẹ chồng. Cuối cùng, cô không thể chịu đựng được mà ra tối hậu thư cho chàng trai, hoặc là anh thay đổi hoặc là cả hai ly hôn! Sau đó, cô gái đăng lên dòng status cay đắng: "Tôi thực sự hối hận vì đã không đến nhà anh ấy sớm hơn...".
Lúc yêu đương, tình yêu của bạn có thể chỉ toàn lãng mạn và ngọt ngào, một ly rượu, một bông hồng, một ánh nến cũng khiến bạn cảm thấy như mình đã có trong tay tất cả. Nhưng hôn nhân không vậy, hôn nhân là chuyện cả cuộc đời, phải sống một cách thực tế.
Có người nói: "Trước khi kết hôn nhất định phải ra mắt, phải gặp gỡ gia đình đối phương để biết hoàn cảnh sống của gia đình họ".
Trên thực tế, đó là bởi vì mọi người sẽ vô thức đưa những thói quen đã phát triển trong gia đình vào chính cuộc hôn nhân của mình. Lớn lên trong một gia đình hòa thuận, đầy yêu thương, con cái cũng sẽ học được cách chăm sóc, quan tâm bạn đời của mình. Trái ngược với đó, lớn lên trong một gia đình mà cha mẹ suốt ngày cãi vã và không hề có tình yêu, con cái trưởng thành sẽ trở nên khắc nghiệt và thờ ơ với nửa kia, tiếp nối bi kịch hôn nhân của thế hệ trước...
02. Kết hôn phải xem hoàn cảnh gia đình
Khi nói đến hôn nhân, chúng ta thường nghe thấy 4 từ "môn đăng hộ đối". Một số người cho rằng câu nói này quá viển vông, thậm chí là thực dụng. Vì Lọ Lem cũng có thể kết hôn với hoàng tử; tiểu thư nhà giàu cũng có thể phải lòng thư sinh nghèo, vậy thì nền tảng gia đình có thực sự quan trọng đối với hai người đến thế không?
Nhưng bạn phải biết rằng: yêu nhau thì dễ vì ngũ quan, hợp nhau thì khó vì tam quan.
Ngẫm lại sẽ thấy truyện cổ tích hoàn toàn không kể tiếp chuyện sau khi lấy được hoàng tử thì cuộc sống của Lọ Lem ra sao, và cũng chẳng ai cho biết thiên kim tiểu thư lấy thư sinh nghèo thì cuộc sống có thực sự hạnh phúc hay không.
Có một đoạn trích thế này: "Môn đăng hộ đối trong ấn tượng của tôi bao gồm trình độ học vấn của bản thân, nền tảng văn hóa... Nền tảng gia đình khác nhau, tầng lớp khác nhau, vòng kết nối xã hội khác sẽ khiến chủ đề có thể giao tiếp giữa hai cá nhân sau khi kết hôn càng ngày càng ít đi. Điều này cuối cùng sẽ dẫn đến việc các cặp đôi càng ngày càng xa cách hơn".
Ngoài năng lực yêu đương, "môi trường gia đình" còn góp phần mang lại cho một người những thứ như điều kiện kinh tế, sự giáo dục, mắt thẩm mỹ, sở thích, nhân sinh quan, thế giới quan, giá trị quan... Và nếu hai người sở hữu quan niệm sống quá khác nhau thì dù yêu nhau đến đâu, đến cuối cùng giữa họ cũng sẽ phát sinh khoảng cách và vết nứt lớn.
Ví dụ:
Bạn muốn bỏ ra 100k để xem phim ngoài rạp nhưng người ấy lại nói: "Tự nhiên tốn tiền làm gì vậy? Thà xem ở nhà còn hơn".
Bạn muốn đăng ký một lớp học tiếng Anh nhưng người ấy lại nói: "Học phí gì đắt vậy, mà em học có ích lợi gì?".
Bạn gợi ý đi Nhật Bản du lịch nhưng người ấy lại nói: "Đi đâu cũng thế thôi, ở nhà ăn cơm cũng hay mà, sao phải tốn cả đống tiền?".
Bạn muốn cuộc sống lãng mạn một chút, có đầu tư một chút nhưng người ấy lại cho rằng đó hoàn toàn là lãng phí...
Hai người khác biệt về quan điểm sống, phong cách sống sẽ khiến việc chung sống trở nên mệt mỏi. Bạn không thể thay đổi được nhận thức của người ấy, và người ấy cũng sẽ không hiểu được suy nghĩ của bạn. Hai bạn mãi mãi không chung một tần số và rất khó để hòa hợp với nhau.
03. Hạnh phúc của hôn nhân là thấu hiểu và bao dung
Trong một cuộc hôn nhân không chỉ có tình yêu hay sự lãng mạn mà nhiều hơn thế là những vấn đề liên quan đến chuyện cơm áo gạo tiền. Muốn cả hai nhìn rõ nhau, thấu hiểu nhau từ chính những điều tầm thường vụn vặt này mà không ghét bỏ nhau thì phải chọn người có giá trị tương thân.
Bằng cách này, ý kiến của hai bạn về việc quy hoạch gia đình hay lộ trình cuộc sống sẽ không khác nhau quá nhiều. Các giá trị tương tự cũng sẽ cho phép hai bạn hiểu được lựa chọn và sở thích của nhau.
Vì vậy, trước khi kết hôn với một người, hãy nhớ xem "gia thế" của người kia.
Điều này không có nghĩa là đo lường năng lực kinh tế của đối phương, cũng không phải nghiêm trọng quá vấn đề "môn đăng hộ đối" mà chỉ là để bạn xác nhận xem gia đình người ấy liệu có thể "phú" cho người ấy năng lực yêu thương, quan tâm người khác hay không và các giá trị quan người ấy sở hữu liệu có thể giúp hai bạn đồng hành cùng nhau lâu dài hay không.
Hôn nhân là một ván cờ, vợ chồng càng gần gũi thì ván cờ càng kéo dài. Kết hôn thì như một buổi biểu diễn, trước khi kết hôn phải tập dượt thật kỹ, phải xem hoàn cảnh gia đình, tìm người đồng hành. Còn sau khi kết hôn thì cần hai người cùng chung sức vun đắp. Chỉ khi có thể bao dung nhau, thấu hiểu nhau thì chúng ta mới có thể ngày càng tiến xa và hạnh phúc trên con đường hôn nhân.
Nhận mọi công việc service xe lớn hay nhỏ
Article sourced from GUU.
Original source can be found here: https://guu.vn/dang-ky-ket-hon-duoc-2-ngay-toi-da-hoi-han-lay-chong-nhat-dinh-phai-xem-hoan-canh-gia-dinh-ezSeN0p2R8v9L.html