Tình hình Ukraine sau bốn ngày giao tranh
Sáng 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Donbass, phía đông Ukraine, và kêu gọi quân đội Ukraine trong khu vực hạ vũ khí. "Tình thế khiến chúng tôi phải đưa ra những hành động quyết định và ngay lập tức. Cộng hòa Nhân dân Donbass (DPR) đã yêu cầu Nga hỗ trợ", ông cho biết.
Ông chủ Điện Kremlin cáo buộc Ukraine dàn dựng "cuộc diệt chủng" ở miền đông đất nước, cũng như chính sách hung hăng của NATO đối với Nga. "Chúng tôi sẽ nỗ lực phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine", Tổng thống Putin nói. "Nga không thể cảm thấy an toàn, phát triển và tồn tại với mối đe dọa thường trực từ lãnh thổ Ukraine. Mọi trách nhiệm về đổ máu sẽ thuộc về lương tâm của chế độ cầm quyền ở Ukraine".
Các sĩ quan cảnh sát kiểm tra xác tên lửa rơi xuống đường phố thủ đô Kiev sáng 24/2. Ảnh: Reuters.
Ngay sau tuyên bố của Tổng thống Putin, hàng loạt tiếng nổ đã vang lên ở nhiều thành phố chủ chốt của Ukraine, trong đó có cả thủ đô Kiev. Bộ Quốc phòng Nga thông báo vô hiệu hóa hàng loạt cơ sở hạ tầng quân sự, trận địa phòng không, sân bay, lực lượng không quân Ukraine bằng vũ khí chính xác cao.
Lực lượng Nga tiến vào Ukraine từ nhiều hướng, mở đầu là các đơn vị đóng ở miền tây Nga. Nhiều đội hình cơ giới mở hướng tấn công từ lãnh thổ Belarus và bán đảo Crimea. Quân đội Nga tuyên bố phá hủy 74 mục tiêu mặt đất trong đòn đánh mở màn, trong đó có 11 sân bay quân sự. Cảnh sát Ukraine cho biết Nga đã thực hiện 203 đợt tấn công trong ngày đầu tiên, giao tranh diễn ra ở hầu khắp mọi nơi trên toàn lãnh thổ Ukraine.
Quân ly khai miền đông Ukraine cũng mở chiến dịch tấn công những khu vực do quân đội chính phủ kiểm soát ở vùng Donbass, giành được thị trấn Stanitsa Luganskaya và thành phố Schastye ở Lugansk. Bộ Quốc phòng Nga thông báo yểm trợ hỏa lực cho "chiến dịch phản công" của lực lượng ly khai.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố cắt quan hệ ngoại giao với Nga và thông báo sẽ phát vũ khí cho toàn bộ người dân Ukraine có nhu cầu. Lãnh đạo các nước phương Tây chỉ trích Nga phát động "cuộc tấn công vô cớ và phi lý" gây thiệt hại về người và của cho Ukraine. Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Alekseevich Nebenzya giải thích căn nguyên cuộc khủng hoảng xuất phát từ chính phủ Ukraine, nói rằng họ đã không tuân thủ nghĩa vụ trong thỏa thuận Minsk.
Xe tăng Ukraine di chuyển trên một con đường trước cuộc tấn công ở vùng Luhansk của nước này hôm 26/2. Ảnh: AFP.
Sang ngày thứ hai, đà tiến công của Nga vẫn tiếp tục được đẩy mạnh. Một mục tiêu quan trọng Moskva nhắm đến là nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, địa điểm nằm trong vùng giới hạn tiếp cận rộng gần 2.600 km2, trong đó có tuyến đường ngắn nhất từ biên giới Ukraine - Belarus tới thủ đô Kiev. Cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak xác nhận lực lượng Nga đã kiểm soát nhà máy này.
Rạng sáng ngày 25/2, Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, cho hay thủ đô Kiev đang bị tấn công. Trong bài đăng trên Twitter, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói Kiev bị tập kích rocket. "Lần gần nhất thủ đô của chúng ta trải qua điều như vậy là vào năm 1941, khi phát xít Đức tấn công", ông viết. Trước đó, thượng nghị sĩ Cộng hòa Mỹ Marco Rubio cho rằng "có vẻ như ít nhất 30 tên lửa đã được phóng" vào Kiev trong vòng 40 phút.
Một quan chức cấp cao Mỹ cho hay cả hai mũi bộ binh cơ giới Nga triển khai từ Belarus và lãnh thổ Nga "đều hướng tới Kiev với mục tiêu bao vây thành phố và có thể lật đổ chính phủ". Trong khi đó, Tổng thống Zelensky nói phần lớn lực lượng bộ binh Nga "đang bị chặn đà tiến công ở tất cả các hướng".
Quân đội Nga thông báo giành quyền kiểm soát sân bay quân sự tại thị trấn Hostomel, cách Kiev 7 km về phía tây bắc. Sân bay này có đường băng dài cho phép vận tải cơ hạng nặng hạ cánh, đồng nghĩa Nga có thể không vận lực lượng trực tiếp tới ngoại ô thủ đô Ukraine.
Tổng thống Zelensky ký lệnh tổng động viên, có hiệu lực trong 90 ngày, huy động toàn bộ lính nghĩa vụ và quân dự bị tại tất cả các tỉnh của Ukraine, cấm nam giới 18-60 tuổi rời đất nước.
Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố biện pháp trừng phạt với Nga, trong đó có hạn chế giao dịch bằng USD, EUR, GBP và yen khi tham gia kinh tế toàn cầu, đóng băng tài sản 4 ngân hàng lớn của Nga với tổng giá trị khoảng 1.000 tỷ USD. Liên minh châu Âu (EU) cũng nhất trí đóng băng những tài sản tại châu Âu liên quan đến Tổng thống Putin và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.
Trong bài phát biểu trên truyền hình vào cuối ngày, Tổng thống Putin kêu gọi quân đội Ukraine tiếp quản quyền lực và phế truất giới lãnh đạo mà ông chỉ trích là "những kẻ khủng bố" và "tân phát xít".
Bước sang ngày giao tranh thứ ba ngày 26/2, chiến sự tăng nhiệt nhanh chóng ở thủ đô Kiev của Ukraine.
Quân đội Nga tiến sâu vào lãnh thổ Ukraine từ ba hướng bắc, đông và nam, nhưng dường như bất ngờ với lực kháng cự quyết liệt của các binh sĩ Ukraine, theo các nguồn tin phương Tây. "Nga đã đạt một số bước tiến trong chiến dịch, nhưng Ukraine vẫn kiểm soát các thành phố chủ chốt", một quan chức giấu tên cho hay, đồng thời cảnh báo nguy cơ đụng độ leo thang khi lực lượng Nga không đáp ứng được thời gian biểu chiến dịch.
Nga vẫn chưa kiểm soát hoàn toàn thành phố nào tại Ukraine, dù phần lớn lực lượng đang hướng tới thủ đô Kiev và thành phố chiến lược Kharkov. Moskva tuyên bố kiểm soát được nhiều đô thị lớn ở miền nam Ukraine, trong đó có Melitopol và Kherson, nhưng thông tin này chưa được phương Tây xác nhận.
Hai bên cũng đưa ra những tuyên bố trái ngược nhau về các sự kiện chiến sự.
Tổng thống Ukraine Zelensky thông báo 13 lính biên phòng trên đảo Zmiinyi ở Biển Đen "không đầu hàng và đã hy sinh anh dũng" trước chiến dịch tấn công của Nga. Biên phòng Ukraine nói rằng lực lượng Nga đã kiểm soát đảo Zmiinyi, hạ tầng trên đảo bị phá hủy sau trận không kích và pháo kích, liên lạc với lực lượng tại đây bị cắt đứt.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết 82 binh sĩ Ukraine trên đảo Zmiinyi "đã hạ vũ khí và đầu hàng, đồng thời cam kết không tham chiến", thêm rằng các binh sĩ này sẽ được về nước đoàn tụ với gia đình trong thời gian tới. Kênh truyền hình quân đội Nga công bố video tù binh Ukraine ở đảo Zmiinyi được đưa về Sevastopol.
Tại Kiev, giao tranh đã nổ ra trên đường phố. Ukraine cáo buộc Nga phóng tên lửa hành trình vào một chung cư cao tầng ở thủ đô, khẳng định đây là bằng chứng Moskva đang nhắm đến dân thường. Nguồn tin Bộ Quốc phòng Nga sau đó cho rằng tòa nhà bị trúng tên lửa phòng không Buk-M1 do sự cố với hệ thống dẫn đường.
Tính đến 26/2, Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết 2.800 lính Nga đã thiệt mạng, nhưng không cung cấp bằng chứng, trong khi Bộ Y tế nói rằng 198 dân thường Ukraine, trong đó có 3 trẻ em, đã chết. Moskva không công bố thiệt hại về nhân mạng và khí tài.
Theo một quan chức tình báo cấp cao ở Washington, Mỹ đã đề nghị giúp sơ tán Tổng thống Zelensky khỏi Kiev, song ông từ chối.
Ngày thứ tư của xung đột, Nga mở đợt tấn công mới nhằm vào các sân bay và cơ sở dầu khí của Ukraine.
Sau một đêm tấn công, quân đội Nga đã tiến vào thành phố Kharkov, đông bắc Ukraine. Hai thành phố lớn khác là Kherson và Berdyansk ở phía nam đang bị bao vây hoàn toàn.
Cơ quan liên lạc đặc biệt và bảo vệ thông tin của Ukraine cho biết quân đội Nga đã cho nổ một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên ở thành phố Kharkov của Ukraine. Giới chức cảnh báo khói từ vụ nổ có thể gây "thảm họa môi trường" và khuyến cáo người dân che cửa sổ bằng vải hoặc gạc ẩm. Hiện chưa rõ tầm quan trọng của đường ống và liệu vụ nổ có thể làm gián đoạn các chuyến hàng khí đốt bên ngoài thành phố hay quốc gia hay không.
Theo thông tin từ Lầu Năm Góc, ít nhất 50% lực lượng Nga triển khai cho cuộc tấn công đã tiến vào Ukraine. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc tin rằng chiến dịch tấn công của Nga, với hơn 150.000 quân cùng nhiều vũ khí hạng nặng, đã không tiến triển nhanh như mong đợi.
Ukraine tuyên bố giữ vững phòng tuyến quanh Kiev nhưng đang phải đối phó "các nhóm thám báo Nga" xâm nhập thành phố.
Một kho dầu bốc cháy được cho là bị pháo kích gần căn cứ không quân Vasylkiv ở vùng Kiev, Ukraine, ngày 27/2. Ảnh: Reuters.
Các nước phương Tây tăng cường biện pháp trừng phạt tài chính với Nga, loại một số ngân hàng của nước này khỏi hệ thống tài chính quốc tế SWIFT, đồng thời cung cấp thêm vũ khí cho quân đội Ukraine. Hàng loạt quốc gia như Anh, Đức, Ba Lan, Moldova, Czech, Estonia, Romania, Lithuania, Phần Lan và Latvia đã cấm máy bay Nga qua không phận.
Cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc hôm nay cho biết hơn 368.000 người đã rời khỏi Ukraine để tránh chiến sự.
Các mũi quân Nga tiến vào Ukraine. Đồ họa: NY Times.
Điện Kremlin Peskov tuyên bố phái đoàn Nga, gồm đại diện từ Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và văn phòng tổng thống, đã tới Gomel, Belarus để chuẩn bị cho các cuộc đàm phán với Ukraine trong lúc giao tranh căng thẳng.
Tuy nhiên, cố vấn của Tổng thống Ukraine Podolyak cho biết nước này từ chối lời đề nghị đàm phán của Nga tại Belarus ngày 27/2, thêm rằng phái đoàn Moskva cố tình đến Gomel dù biết điều này "vô nghĩa". Podolyak nhấn mạnh Tổng thống Ukraine chỉ chấp nhận "đàm phán thật sự", không chấp nhận tối hậu thư.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/bon-ngay-giao-tranh-cang-thang-o-ukraine-4432621.html