Tình hình Ukraine sau ba ngày giao tranh

23:00' 28-02-2022
Chiến trận ở Ukraine vẫn đang diễn ra căng thẳng khi Nga tiếp tục các cuộc tấn công trên khắp đất nước, trong khi các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh nổ ra trên khắp thế giới.


    Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết hôm 26-2 rằng lực lượng Ukraine vẫn đang "kháng cự rất kiên quyết" trước cuộc tấn công của Nga. 

    Quân đội Nga vẫn đang tiếp tục tấn công thủ đô Kiev và các thành phố khác bằng pháo và tên lửa, trong khi hàng trăm nghìn người dân Ukraine chạy trốn về khu vực phía tây của đất nước hoặc tìm cách trốn sang các nước Liên minh châu Âu (EU) khiến nhiều tuyến đường cao tốc và đường sắt bị tắc nghẽn. 

    Nga tiếp tục các hoạt động quân sự trên khắp Ukraine

    Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, ông Dmitry Medvedev cho biết hôm 26-2 rằng các hoạt động quân sự sẽ được tiến hành liên tục cho đến khi Moscow đạt được các mục tiêu mà Tổng thống Vladimir Putin đề ra.

    Ông Medvedev nhận định những lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga là dấu hiệu cho thấy sự bất lực của các nước phương Tây trong cuộc xung đột ở Ukraien, đồng thời ám chỉ đến việc việc cắt đứt quan hệ ngoại giao và "đóng cửa các đại sứ quán".

    Một chiếc xe bị hư hỏng hoàn toàn sau cuộc giao tranh giữa Nga và Ukraine. Ảnh: REUTERS

    Chính quyền Mỹ cho hay họ đã chứng kiến hơn 250 vụ phóng tên lửa của Nga kể từ ngày 24-2, chủ yếu là những vụ phóng tên lửa tầm ngắn, vào các mục tiêu của Ukraine.

    Điện Kremlin thông báo Tổng thống Vladimir Putin đã ra lệnh cho quân đội ngừng tiến quân vào ngày 25-2 nhưng họ đã tiếp tục các cuộc tấn công vào ngày 26-2, sau khi Kiev từ chối đàm phán với Moscow.

    Phản hồi trước thông tin trên, một quan chức Ukraine phủ nhận việc Kiev từ chối đàm phán với Ukraine nhưng nói rằng Nga đã đưa ra các điều kiện không thể chấp nhận được. Người này cũng khẳng định việc Nga tạm dừng tiến quân vào ngày 24-2 là sai sự thật.

    Cảnh sát và lực lượng khẩn cấp có mặt tại một tòa nhà để hỗ trợ người dân sau trận pháo kích của Nga vào ngày 26-2. Ảnh: REUTERS

    Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng của họ đã chiếm được Melitopol, thành phố có dân số 150.000 người ở đông nam Ukraine. Các quan chức Ukraine vẫn chưa đưa ra bình luận về thông tin này.

    Nếu tuyên bố trên của Bộ Quốc phòng Nga được xác minh là thật, đây sẽ là trung tâm dân cư quan trọng đầu tiên mà lực lượng Nga chiếm giữ được.

    Các binh sĩ Ukraine ẩn nấp khi tiếng còi báo động không kích vang lên gần một tòa nhà chung cư ở Kiev. Ảnh: REUTERS


    Thị trưởng Mariupol, ông Vadim Boychenki cho biết thành phố vẫn đang bị pháo kích không ngừng vào ngày 26-2: “Họ đang pháo kích vào các trường học, các khu chung cư”.

    Trong khi đó, chính quyền Moscow khẳng định họ đang cẩn thận để không tấn công vào các địa điểm dân cư. 

    Khói bốc lên sau cuộc pháo kích của Nga vào ngày 26-2. Ảnh: REUTERS


    Cũng trong ngày 26-2, lãnh đạo Cộng hòa Chechnya Ramzan Kadyrov, đồng minh thân cận của ông Putin, nói rằng ông đã cho triển khai các máy bay chiến đấu đến Ukraine để hỗ trợ Nga. 

    Ông Kadyrov khẳng định các lực lượng của Moscow có thể dễ dàng chiếm Kiev và các thành phố lớn khác nhưng nhiệm vụ của họ là giảm thiểu thiệt hại về nhân mạng càng nhiều càng tốt.

    Một tòa nhà chung cư bị hư hại nặng do trận pháo kích của Nga ở Kiev vào ngày 26-2. Ảnh: REUTERS

    Số người thiệt mạng và bị thương tiếp tục tăng

    Theo Thị trưởng Kiev, ông Vitali Klitschko, hiện tại các lực lượng quân sự lớn của Nga vẫn chưa xuất hiện tại trung tâm thủ đô, song các nhóm phá hoại của Moscow đã bắt đầu hoạt động. Ông cho biết hệ thống tàu điện ngầm đã trở thành nơi trú ẩn chính cho người dân và các chuyến tàu đã ngừng chạy.

    Thị trưởng Klitschko cho hay ông đã kéo dài lệnh giới nghiêm tại thủ đô và sẽ bắt đầu vào lúc 5 giờ chiều ngày 26-2 (giờ địa phương), thêm rằng chỉ trong đêm ngày 25-2, đã có thêm 5 người bị thương trong các vụ không kích của Nga, bao gồm 2 trẻ em.

    Khói và lửa bốc lên sau cuộc pháo kích của Nga vào ngày 26-2. Ảnh: REUTERS

    Hãng tin Interfax dẫn thông tin từ Bộ Y tế Ukraine cho biết tính đến ngày 26-2, đã có ít nhất 198 người, bao gồm 3 trẻ em, thiệt mạng và 1.115 người khác bị thương trong các cuộc tấn công của Nga.

    Ngoài ra, chính quyền Ukraine cũng cho hay có hơn 1.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng. Tuy nhiên, phía Moscow không xác nhận cũng như công bố số liệu thương vong của mình.

    Một lính cứu hỏa ở bên trong tòa nhà chung cư bị hư hại do trận pháo kích gần đây ở Kiev, ngày 26-2. Ảnh: REUTERS

    Dòng người xếp hàng trước các máy ATM để rút tiền và các trạm nhiên liệu để mua xăng ở Ukraine ngày càng dài thêm khi nhiều cửa hàng chỉ giới hạn lượng xăng mỗi người được mua là 20 lít. Vào chiều ngày 26-2, nhiều cửa hàng ở trung tâm thành phố đã đóng cửa và các con phố hầu như vắng bóng người.

    “Tôi đã dự trữ đủ thực phẩm cho ít nhất một tháng. Tôi không tin rằng các chính trị gia sẽ kết thúc những căng thẳng này một cách hòa bình” - một người dân chia sẻ.

    Dòng xe hơi rời khỏi Ukraine kéo dài tại biên giới với Romania vào ngày 25-2. Ảnh: REUTERS

    Trong đoạn video mà Tổng thống Volodymyr Zelensky đăng lên mạng xã hội hôm 25-2, ông khẳng định người dân và lực lượng quân đội Ukraine "đã chống đỡ và đang đẩy lùi thành công các cuộc tấn công của kẻ thù. Cuộc chiến vẫn tiếp diễn". 
    "Chúng tôi có đủ lòng can đảm để bảo vệ quê hương của chúng tôi, để bảo vệ châu Âu” - ông Zelensky khẳng định.

    Lính cứu hỏa tìm cách dập lửa trong một tòa nhà chung cư bị hư hại do trận pháo kích của Nga ở Kiev vào ngày 26-2. Ảnh: REUTERS

    Người dân Ukraine tiếp tục sơ tán, biểu tình nổ ra trên khắp thế giới

    Khoảng 100.000 người Ukraine đã sơ tán đến Ba Lan kể từ hôm 24-2, trong đó có 9.000 người đã nhập cảnh vào nước này từ 7 giờ sáng ngày 26-2 (giờ địa phương), Thứ trưởng Bộ Nội vụ Ba Lan Pawel Szefernaker thông báo. 

    "Điều quan trọng nhất là mọi người vẫn sống sót" - bà Katharina as‌selborn, một công dân Ukraine, gạt nước mắt và nói trong khi đứng ở biên giới giáp Ba Lan để chờ chị gái, dì và 3 đứa con của cô từ Odessa đến. 

    Người dân ẩn nấp khi tiếng còi báo động không kích vang lên, ngày 26-2. Ảnh: REUTERS

    "Họ đã quyết định đi bộ đến đường biên giới khi cách nơi này 30 km” - bà as‌selborn chia sẻ.

    Nhiều người dân Ukraine cũng đã vượt biên sang Hungary, Romania và Slovakia trong 3 ngày qua.

    Mảnh vỡ của một chiếc máy bay đâm vào một ngôi nhà trong khu dân cư ở Kiev, ngày 25-2. Ảnh: REUTERS

    Trong khi đó, nhiều cuộc biểu tình phản đối chiến tranh đã nổ ra tại Berlin (Đức), Berne (Thụy Sĩ), London (Anh), Tokyo (Nhật Bản), Sydney (Úc) và các thành phố khác trên toàn thế giới. 

    "Tôi có mặt ở đây vì tôi thấy vô cùng xấu hổ với chính quyền của đất nước tôi sinh ra" - ông Valery Bragar, một công dân Thụy Sĩ có quê quán ở Nga, nói trong khi tham gia một cuộc biểu tình ở Geneva. 

    Người dân Ukraine tập trung tại một hầm trú ẩn ở Kiev, ngày 25-2. Ảnh: REUTERS

    Các quốc gia phương Tây cũng đã công bố các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga, bao gồm cả việc đưa các ngân hàng của nước này vào danh sách đen và cấm xuất khẩu công nghệ. 

    Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, người đã thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp với Nga và Ukraine, đã có cuộc điện đàm với ông Zelensky hôm 26-2 và khẳng định Ankara đang nỗ lực hết sức để các bên có được một lệnh ngừng bắn ngay lập tức.

    Lực lượng quân đội Ukraine đứng gác ở trung tâm thủ đô Kiev, Ukraine ngày 25-2. Ảnh: REUTERS

    Cuộc tấn công cũng đang ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực đời sống khác của Nga như thể thao và văn hóa. Vào ngày 26-2, Hiệp hội bóng đá Ba Lan cho biết đội tuyển quốc gia của họ sẽ không thi đấu vòng loại World Cup với Nga vào tháng tới.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Cultural Perspectives Vùng: Redfern. Phone: 0431 646 710
Xem thêm

Article sourced from XALUAN.

Original source can be found here: https://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=3408482


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ