Tiệm bánh của chàng trai mặt sẹo
Kể từ đó, cậu luôn đau đáu với ước mơ có một tiệm bánh của riêng mình, ở đó sẵn sàng tiếp đón tất cả những vị khách dù nghèo khổ hay vẻ bề ngoài trông như thế nào đi nữa.
Nhưng phải 17 năm sau, ước mơ của Quý Hải mới thành hiện thực tại quê nhà, trên đường Hùng Vương, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum.
Không chỉ là một quán cà phê thông thường, ở đây còn bán những loại bánh ngọt do chính tay Hải làm. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ngô Quý Hải, 27 tuổi, vốn sinh ra lành lặn, nhưng sau lần bị bỏng nặng lúc chưa tròn một tuổi khiến gương mặt biến dạng. Suốt thời thơ ấu, không có đứa trẻ nào trong xóm chịu chơi với Hải. Người bạn duy nhất của anh lúc bấy giờ là một cậu bé bị điếc câm gần nhà. "Cả hai chúng tôi có chung nỗi buồn là không ai chịu làm bạn với mình", Hải kể.
Năm 6 tuổi, Hải được ba mẹ đưa đến trường. Sau bốn tháng, cậu bé một mực không chịu đi học nữa vì thường xuyên bị bạn trêu chọc, kỳ thị. Tuổi thơ của Hải chỉ quanh quẩn trong tiệm tạp hóa nhỏ của mẹ, phụ vài ba việc lặt vặt.
Lần đầu tiên được lên thành phố năm 10 tuổi, Hải và cậu bạn thân đứng trước một tiệm bánh sang trọng với nhiều loại bánh ngọt lần đầu trông thấy. Hai đứa trẻ ao ước sẽ được nếm thử. Về nhà, Hải cố gắng dành dụm tiền trong nhiều tháng. Khi đủ số tiền mua một phần bánh, anh lại cùng bạn mình hí hửng dắt nhau ra phố để mua.
"Tuy nhiên, vừa bước vào cửa tiệm, nhân viên đã không nghe tụi mình giải thích và đã gọi bảo về đuổi ra ngoài. Lúc đó mình cảm thấy rất hụt hẫng và buồn. Hôm đó còn là sinh nhật bạn mình", Quý Hải hồi tưởng.
Mang ước mơ trong mình nhưng Hải biết thực hiện được là điều vô cùng khó khăn. Càng lớn, Hải càng cảm thấy cô độc, không thể vượt qua mặc cảm với khuôn mặt sẹo của mình.
Năm 15 tuổi, Hải bắt đầu nghĩ về tương lai. Cậu mạnh bước ra khỏi nhà, đi tìm chỗ học nghề nhưng không nơi nào nhận vì những lý do như: không biết chữ, ngoại hình xấu xí hay không đủ sức khỏe. "Đã có một khoảng thời gian hơn hai năm, mình không bước chân ra khỏi nhà. Mình thả trôi và buông xuôi mặc kệ số phận", Hải kể. Đến 22 tuổi, thế giới của Hải cũng chỉ gói gọn trong căn nhà nhỏ.
Năm 2016, Hải được một tổ chức từ thiện tài trợ chi phí bay sang Đức phẫu thuật để tách phần da dưới cằm dính chặt với phần da ngực. Chuyến đi không chỉ làm thay đổi diện mạo của Hải một cách tích cực, nó còn làm thay đổi những suy nghĩ trong đầu anh.
Sau 21 ngày hôn mê, Hải tỉnh lại. Thấy anh buồn vì nhớ nhà, các bác sĩ, y tá người Đức đã bật cho Hải nghe những bài nhạc quê hương. Họ còn học những câu chào hỏi tiếng Việt cơ bản để hỏi thăm và động viên anh. Biết tin Hải nằm viện, những cô bác trong hội đồng hương người Việt đã vượt một quãng đường rất xa để đến thăm Hải. Lần đầu tiên chàng trai đón tuổi mới với những người xa lạ với một bữa tiệc sinh nhật ấm áp.
"Mình không nghĩ có nhiều người tốt đến thế, không phải ai cũng kỳ thị và xua đuổi mình. Nằm viện mình thấy nhiều người đến phẫu thuật với vết bỏng nặng hơn họ vẫn lạc quan. Được đi ra bên ngoài, mình thấy mình còn may mắn lắm", Hải trải lòng.
Quý Hải (ngồi xe lăn) cùng bác sĩ người Đức và các cô bác trong hội đồng hương người Việt chụp ảnh kỷ niệm sau ca phẫu thuật thành công năm 2016 ở Đức. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Trở về quê hương sau chuyến đi, Hải đăng ký học nghề bếp trong một trung tâm ở Hà Nội để quyết tâm hoàn thành ước mơ năm 10 tuổi của mình.
Nguyễn Thị Hương, 24 tuổi, một người bạn trong lớp nghề bếp của Hải nhớ lại: "Hải không chỉ là người có ngoại hình khác biệt nhất so với những bạn trong lớp mà còn là người có xuất phát điểm thấp nhất vì không biết chữ. Vừa học nghề, Hải phải tranh thủ giờ nghỉ, buổi tối để tập viết. Người khác học vất vả một phần thì Hải phải mười phần".
Buổi học đầu tiên ở trường nghề, trong khi những người bạn cùng lớp chép được 2 trang vở, Hải chỉ viết được 2 dòng với những chữ cái đơn. Sau gần hai tháng, với những đêm thức tới 2 giờ tập viết, Hải đã có thể viết thành thạo.
"Ở trường nghề, lần đầu tiên trong đời mình được tiếp xúc với nhiều người và có nhiều bạn bè. Họ khoác vai lúc chụp hình lưu niệm, mình thấy không lạc lõng. Mỗi người ở đây đều có một hoàn cảnh khó khăn riêng, chúng mình coi nhau như anh em và mình không còn thấy khác biệt", Hải nói.
Chị Nguyễn Thanh Thúy, một giáo viên dạy kỹ năng sống ở trung tâm Koto lúc đó nhớ lại, trên tay Hải lúc nào cũng có giấy bút để ghi chép. Lúc đó chàng trai rất ốm yếu, nhưng chịu khó đứng bếp thực hành và luôn lo lắng với ngoại hình của mình liệu có xin được việc không. "Ngày bạn ấy tốt nghiệp tôi đã khóc vì cố gắng của Hải đã đạt kết quả", chị Thúy kể.
Dù vẫn thường xuyên tâm sự với giáo viên và những người bạn chung lớp về ước mơ mở tiệm bánh nhưng sau khi ra trường, Hải không về quê ngay mà chọn cách tìm việc làm trong các nhà hàng để học hỏi kinh nghiệm. "Thế giới của mình vẫn còn nhỏ lắm, mình nghĩ cần nên ra ngoài để va chạm", Hải nói.
Quý Hải làm đầu bếp trong một nhà hàng ở TP HCM sau khi ra trường. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đầu năm nay, chàng trai 27 tuổi trở về quê hương Ngọc Hồi. Một tiệm cà phê với những loại bánh, trà sữa của anh là món quà dành tặng cho những trẻ em quê mình. Hải mong những đứa trẻ như anh ngày xưa sẽ không phải đi rất xa ra phố mới thấy và mua được những chiếc bánh xinh xắn.
Chàng trai đứng quán cả ngày, vui vẻ giao tiếp với khách hàng mà không còn chút tự ti nào. Thấy những đứa trẻ lang thang, bán vé số anh thường gọi chúng vào và tặng một chiếc bánh.
Tuy nhiên, không ít lần vài vị khách khi vừa bước vào tiệm vừa trông thấy Hải họ lại vội bỏ đi khiến anh hụt hẫng.
"Mình chỉ buồn vài giây ngay lúc đó rồi thôi. Tiệm bánh là cả tuổi thơ, là thanh xuân cố gắng của mình. Thực hiện được lời hứa với bản thân là mình thấy nhẹ nhõm", Hải chia sẻ.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/tiem-banh-cua-chang-trai-mat-seo-4372649.html