Thường xuyên cho trẻ ăn nước hầm xương có thật sự tốt?
Nước hầm xương nhiều chất béo nhưng là chất béo động vật
Nước hầm xương thường được dùng để nấu các món súp, cháo, canh, phở, bún bò, hủ tiếu… ăn có nhiều lợi ích cho sức khỏe, hỗ trợ các vấn đề về tiêu hóa, cũng như tăng cường hệ miễn dịch nhờ chứa nhiều collagen, tủy xương, các axit amin và khoáng chất. Tuy nhiên, thường xuyên cho trẻ ăn nước hầm xương có thật sự tốt? Lý giải dưới đây của bác sĩ giúp cha mẹ đang nuôi con nhỏ nhận ra nhiều điều.
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nhiều người có thói quen ninh xương để lấy nước nấu bột cho con và tin rằng loại nước này giàu canxi, chứa tất cả những chất bổ tinh túy nhất của thực phẩm. Hơn nữa, nước hầm xương có vị ngọt sẽ giúp trẻ ăn ngon miệng, dễ tiêu hóa và giúp xương chắc khỏe. Nhưng đây là quan điểm sai lầm, vô tình làm trẻ bị thiếu chất.
Viện dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, đối với trẻ, việc sử dụng chất béo hợp lý cần thiết cho sự phát triển. Trọng lượng của trẻ tăng gấp đôi so với lúc sinh khi được 5 tháng tuổi và sẽ gấp ba lúc 1 tuổi, gấp bốn lúc 2 tuổi. Não của trẻ cũng tăng gấp ba so với lúc sinh khi trẻ 1 tuổi, đạt 80% não người lớn lúc 2 tuổi, bằng não người trưởng thành khi trẻ 6 tuổi. Trong khi đó, chất béo lại chiếm đến 70 - 85% cấu tạo của não và dây thần kinh. Vì vậy, thời gian này trẻ cần năng lượng và chất béo rất nhiều.
Nước hầm xương có nhiều tủy. Đây là chất béo, nhưng lại là chất béo động vật, khó tiêu hóa. Nếu trẻ ăn nhiều, sẽ gây tiêu chảy hoặc phân sống. Ngoài ra, nước hầm thịt, xương không chứa nhiều chất dinh dưỡng, mà chỉ chứa rất ít vitamin, đạm, canxi…
“Canxi là thành phần quan trọng trong cấu trúc xương, răng, giúp xương phát triển vững chắc và giúp trẻ phát triển chiều cao. Trong xương có nhiều canxi nhưng đó là canxi vô cơ, cơ thể trẻ không thể hấp thụ được. Đây chính là nguyên nhân khiến trẻ còi xương, chậm mọc răng do thường xuyên chỉ ăn bột, cháo với nước hầm xương”, bác sĩ Yến Thủy, Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo.
ThS. BS Đặng Ngọc Hùng, Viện Nghiên cứu và tư vấn dinh dưỡng cũng đồng tình với ý kiến trên và cho rằng, hàm lượng dinh dưỡng trong nước hầm xương khá nghèo nàn. Trong đó, vị ngọt của nước hầm không phải bổ dưỡng, mà nó là sự kết hợp của chất glutamin có trong thịt và xương. Sau khi nấu một thời gian, chất này sẽ kết hợp với muối natri có sẵn trong thực phẩm tạo ra một chất có vị ngọt đặc biệt tên là monosodium glutamate (MSG). Chất tạo ngọt này có cấu trúc như bột ngọt tạo vị ngon và đây là vị thứ 5 có tên là umami mà lưỡi chúng ta cảm nhận được.
Tốt nhất, cha mẹ hãy cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Ảnh minh họa.
Tiếp theo, trong nước hầm xương có một ít các chất khoáng như: canxi, magie... nhưng so với sữa, trứng, cá, các loại hạt... lại rất nghèo nàn. Trong khi đó, photpho, cholesterol trong nước xương hầm lại cao nên không tốt cho trẻ nhỏ. Ngoài ra, trong giai đoạn phát triển thể chất và trí não, trẻ cần ăn đủ chất dinh dưỡng, nếu chỉ ăn nước hầm xương là không đủ.
Hãy cho trẻ ăn đủ chất, nếu ăn nước hầm xương thì phải ăn cả nước và cái
Các bác sĩ cho rằng, việc dùng nước hầm xương để nấu cháo cho trẻ là không cần thiết, vì trong thịt, cá, tôm, rau củ quả đã có vị ngon và độ ngọt tự nhiên.
Trong trường hợp cha mẹ dùng nước hầm để nấu bột, cháo cho trẻ thì nên cho bé ăn cả phần xác đạm (thịt, cá, tôm…) thay vì chỉ lọc mỗi phần nước hầm. Xay nhuyễn phần cái của các thực phẩm cùng nước hầm xương không những cung cấp vitamin, sắt, các chất khoáng khác cần thiết cho cơ thể, mà còn cung cấp chất xơ giúp bé tránh được táo bón.
Theo các bác sĩ, chất đạm có trong thịt, cá, tôm… dù có nấu bao lâu vẫn tồn ở bã thịt. Nếu trẻ chỉ ăn nước mà không ăn cái sẽ bị thiếu chất đạm dẫn đến suy dinh dưỡng và thiếu máu. Còn các loại vitamin C, E, A, sắt, kẽm… có trong rau củ chỉ hòa tan vào nước một lượng ít, trẻ sẽ bị táo bón nếu chỉ cho ăn nước do thiếu chất xơ. Vì vậy, nên cho trẻ ăn cả phần cái bằng cách nghiền, xay hoặc băm nhỏ để đảm bảo đầy đủ chất. Tuy nhiên, mỗi tuần chỉ nên cho trẻ ăn 1-2 lần nước hầm và nên hầm đa dạng các loại xương như xương bò, xương lợn, xương gà, đầu tôm… để giúp trẻ được hấp thu đa dạng các chất trong thực phẩm.
Ngoài ăn uống đủ chất, cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ. Ảnh minh họa.
Ngoài ra, trong quá trình giúp con phát triển toàn diện, cha mẹ cần bổ sung đủ 4 nhóm chất sau:
- Tinh bột từ gạo, mì, ngô, khoai…. Đây là chất cung cấp phần lớn năng lượng, hơn 1/2 nhu cầu về đạm và vitamin mà cơ thể trẻ cần.
- Đạm từ thịt, cá, tôm, cua, trứng… rất cần cho sự tăng trưởng, phát triển của trẻ.
- Chất béo từ dầu mè, dầu đậu nành, dầu oliu... rất cần cho sự phát triển của bộ não, cung cấp nhiều năng lượng, giúp trẻ hấp thu các vitamin tan trong chất béo, đồng thời làm bột mềm, dễ nuốt.
- Các loại rau củ quả không chỉ cung cấp vitamin, sắt, các chất khoáng khác cần thiết cho cơ thể, mà còn cung cấp chất xơ giúp bé tránh được táo bón.
- Ngoài ra, cha mẹ cần cho trẻ đi tiêm phòng đầy đủ để con có hệ miễn dịch tốt, ngừa được nhiều bệnh tật trong tương lại, nhất là các bệnh truyền nhiễm, dễ thành dịch.
Trường có truyền thống về các chương trình học thuật, âm nhạc, thể thao và nghệ thuật.
Article sourced from EVA.
Original source can be found here: https://eva.vn/suc-khoe/nuoc-ham-xuong-co-ngot-tu-nhien-nhieu-canxi-bac-si-nhac-mot-dieu-khien-cha-me-nao-cung-giat-minh-c131a603538.html