Thơm ngon bánh tráng Túy Loan
Những ngày cận Tết, chúng tôi tìm về làng nghề bánh tráng Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) để cảm nhận không khí tất bật những ngày giáp Tết của một trong những làng nghề cổ xưa nhất Đà Nẵng.
Thăm xưởng của gia đình bà Đặng Thị Túy Phong (82 tuổi) - “lão làng” của nghề bánh tráng này, có thể thấy không khí làm nghề tất bật, hối hả cho kịp những đợt hàng cuối năm.
Mô tả về quá trình làm bánh, bà Phong chia sẻ: Nguyên liệu chính để làm bánh tráng là bột gạo, mà yêu cầu là loại gạo 13/2 - gạo truyền thống của làng Túy Loan. Loại gạo này có mùi thơm, nấu cơm tuy cứng, nhưng bù lại đúc bánh tráng rất ngon. Để có bột, người làm bánh cho ngâm gạo trong nước 2 ngày, sau đó mới đem đi xay. Sau đó, hòa thêm nước vào làm sao cho nước gạo không quá lỏng và cũng không quá đặc. Để cho nước tráng bánh được mịn và trắng đều, người dân phải lọc qua một lượt để loại bỏ những vỏ trấu lấm tấm. Điều này giúp tạo ra sản phẩm có màu đều mà không bị lỗ chỗ vết trấu.
Chiếc bánh sau khi được tráng xong thơm nức mùi gạo, mè hoà quyện với mùi gừng, tỏi - Ảnh: VGP/Minh Trang
Sau công đoạn tráng đến giai đoạn quan trọng tiếp theo là phơi bánh. Theo cách cổ xưa, bánh không phải phơi nắng như thông thường mà sẽ được hong 3 lần trên củi than. Theo cách này, bánh sẽ được xếp lên những tấm lưới, ở phía dưới ủ tro, than ở trên để hơ bánh. Qua 3 lần hong như vậy, bánh sẽ khô giòn, không bị mốc và bảo quản được lâu.
“Sản phẩm của làng là bánh tráng nướng, hình tròn, đường kính khoảng 50 cm. Bánh thường được nướng ăn kèm với món mỳ Quảng hoặc nhúng nước để cuốn. Bánh tráng Túy Loan dày hơn các loại bánh tráng ở nơi khác và chất lượng của bánh tráng được người sử dụng đánh giá rất cao”, bà Phong cho hay.
Dịp cuối năm, từ tháng 10 âm trở đi, mỗi ngày nhà bà Phong lại đỏ lửa từ 1-2h sáng và làm bánh đến khoảng 10h sáng. Công đoạn hong bánh thì có thể kéo dài đến trưa hoặc chiều để ra thành phẩm. Mỗi ngày như thế, gia đình bà xuất ra tầm 250-300 bánh lớn có khổ 50 cm, cung cấp cho các khách lẻ đặt hàng vào dịp Tết.
Gìn giữ nghề truyền thống
Hỏi về nguồn gốc của làng nghề cổ bánh tráng này, bà Phong cho biết: “Thật tình không ai biết rõ nguồn gốc nghề này có từ lúc nào, từ ai mà chỉ thấy người ta làm rồi mình học hỏi làm theo, từ đời này qua đời khác giữ gìn cái nghề này. Cả làng có hơn chục hộ theo nghề.
Những người dân xứ Quảng xa quê, mỗi khi trở về đều muốn ăn những món truyền thống như hến xào kết hợp với bánh tráng, thịt heo cuốn bánh tráng hay tô mỳ Quảng mà thiếu bánh tráng Túy Loan đều xem như mất đi một phần ngon. Chính vì vậy, bánh tráng Túy Loan luôn đắt hàng trong dịp đầu Xuân”.
Bà Đặng Thị Tuý Phong, “lão làng” tại làng nghề bánh tráng Tuý Loan - Ảnh: VGP/Minh Trang
Học nghề của mẹ từ lúc còn bé, thế nên chị Nguyễn Đặng Thái Hoà thành thạo trong nghề làm bánh tráng. Đôi tay thoăn thoắt làm ra từng chiếc bánh, chị Hòa cho biết: “Nay mẹ đã già yếu nên chị thay mẹ đổ bánh, nối nghiệp. Đây là cái nghề đã nuôi sống cả gia đình từ nhỏ nên mình rất trân quý và giữ gìn những bí kíp mà mẹ đã truyền lại để có thể lại truyền cho thế hệ sau”.
Cũng là một trong những hộ lâu đời nhất, bà Đặng Thị Tùng (80 tuổi) đã gắn bó với nghề hơn 40 năm nay. “Dịp Tết, tôi huy động tất cả nhân lực trong gia đình để làm bánh tráng mới kịp hàng cho thị trường với khoảng 500 bánh/ngày, 15.000 bánh/tháng. Không chỉ bán lẻ mà còn cung cấp sỉ cho các hộ kinh doanh ở chợ và thương lái ở các địa phương khác. Mẫu mã thì phong phú, đa dạng. Kích cỡ 30-40-50 cm đều có, với mức giá khác nhau”, bà Đặng Thị Tùng nói.
Bà Tùng còn cho biết, để gìn giữ nghề truyền thống này, các cấp xã đã có nhiều chính sách hỗ trợ về vật chất, góp phần giúp các hộ phát triển nghề, nâng cao năng suất và hiệu quả. Cụ thể, một số hộ đã nhận được sự hỗ trợ về máy xay bột, giàn phơi, máy hút chân không, nhãn hiệu… với tổng mức hỗ trợ khoảng 30 triệu/hộ.
Bánh tráng Túy Loan ngày nay không chỉ là món ăn quen thuộc của làng quê mà còn theo chân du khách đi khắp mọi miền Tổ quốc và trở thành một thứ đặc sản của Đà Nẵng.
Theo bà Tùng, ngoài việc đặt lên mâm cúng ông bà, bánh tráng được sử dụng làm quà biếu nhau cho bạn bè, người thân ở xa. “Bánh tráng Túy Loan ăn một lần là muốn quay lại. Những người xa quê mỗi khi có dịp về nhà là họ mua bánh mang đi. Những ai không về được thì được người thân ở đây mua gửi biếu ra nước ngoài. Tấm bánh mang nét hồn quê Túy Loan chân chất, dung dị nên ai đi càng xa lại càng nhớ”, bà Tùng chia sẻ.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=3066321