Thanh Minh, chút lắng lòng hai cõi "âm – dương'

01:00' 06-04-2021
Với những ai sống ở miền Bắc và miền Trung thì những ngày cận Tết Nguyên Đán là dịp để con cháu đi tảo mộ, thu dọn, quét tước mồ mả ông bà tươm tất. Còn khi tiết xuân gần hết, tháng Ba ngày hè oi ả nắng, cũng là lúc người dân miền Tây Nam Bộ bước vào lễ Thanh Minh với ngày cúng mả ấm áp, thân tình.


    Chẳng ai biết chính xác tết Thanh Minh du nhập vào Việt Nam từ khi nào nhưng đã là người Việt, hầu như ai cũng biết Thanh Minh cùng những câu trong Truyện Kiều :

    “Thanh Minh trong tiết tháng ba

    Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”.

    Với những ai sống ở miền Bắc và miền Trung thì những ngày cận Tết Nguyên Đán là dịp để con cháu đi tảo mộ, thu dọn, quét tước mồ mả ông bà tươm tất. Còn khi tiết xuân gần hết, tháng Ba ngày hè oi ả nắng, cũng là lúc người dân miền Tây Nam Bộ bước vào lễ Thanh Minh với ngày cúng mả ấm áp, thân tình. Nghi lễ này vốn phát xuất từ cộng đồng bà con người Hoa – một bộ phận dân cư lâu đời và đông đúc của miền Nam, rồi lâu ngày dài tháng cùng với sự giao thoa văn hóa, nên ngày nay, phần lớn đồng bào Tây Nam Bộ đều có tập tục cúng Thanh Minh.

    Đối với cư dân miệt sông nước phương Nam, Thanh Minh là dịp có ý nghĩa quan trọng. Nó gắn liền với đạo đức và tâm linh, thể hiện tấm lòng cũng như bổn phận của con cháu tưởng nhớ đến công đức gây dựng của những người đi trước, nhớ ơn bậc sinh thành, ghi ân ông bà... Đây cũng là dịp quây quần con cháu, đồng thời nhắc nhở cho mỗi người nhớ về quê hương, nguồn cội, thể hiện lòng thành, kính nhớ tổ tiên. Tuy nhiên, ở mỗi tỉnh, tùy từng vùng, việc tổ chức tết Thanh Minh có khác nhau cả về nội dung, hình thức và quy mô. Do đặc điểm riêng độc đáo về dân cư khi có lượng người Hoa quy tụ rất đông đảo nên riêng ở Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang và nhất là Bạc Liêu, Thanh Minh là dịp rất đặc biệt khi luôn mang tính chất lễ hội với những nét riêng rất độc đáo.

    Bạc Liêu là “thủ phủ” của người Hoa nên những nét văn hóa phong tục, lễ nghi đến cả ẩm thực đều mang dấu ấn đậm nét của những người đến từ Triều Châu (còn được gọi nôm na là người Tiều). Và đã thành thông lệ, ở xứ này, mỗi vùng quê hay dòng họ, là người Hoa hay không, đều ấn định một ngày để con cháu tề tựu, cùng nhau tảo mộ gia tiên trong dịp cúng Thanh Minh. Đó có thể là ngày Thanh Minh được ghi rõ trên lịch (mà theo cách nói nôm na của xứ này là “ngày chánh”), nhưng cũng có thể là một ngày bất kì nào đó trong tháng 3 (âm lịch). Những người dù có bôn ba quanh năm đi làm ăn xa hay bận bịu mưu sinh, tất bật kiếm sống; Tết có thể không về nhà, nhưng đến ngày này cũng luôn cố gắng trở lại cố hương; vì nếu con cháu không có mặt vào những ngày này thì sẽ rất có lỗi với ông bà tổ tiên và bị người lớn quở trách thật nhiều.

    Thanh Minh không chỉ là thời gian thích hợp nhất trong năm để tu bổ hoặc sửa sang phần mộ người thân, mà nó còn là dịp để gặp gỡ gia đình, bà con, anh em, họ hàng, con cháu trong nhà. Mọi người cùng nhau đoàn tụ, sum vầy, gắn kết tình cảm dòng tộc, vui vầy bên những câu chuyện gần có, xa có, kết nối quá khứ và hiện tại, ông bà đã khuất như trở về và “giao lưu” cùng đàn con cháu. Đây là dịp quy tụ gia đình đông đủ nhất và ngày tết chính của lễ Thanh Minh đã thật sự trở thành một ngày hội trong các nghĩa địa (hay còn được gọi là nhị tì theo cách gọi của người Hoa) vốn vắng vẻ, quạnh hiu. Những ngôi mả đá được con cháu lau chùi, dọn dẹp sạch sẽ, thắp hương đèn, nhang khói nghi ngút, đặt hoa, chưng quả, đốt vàng mã... Những ngôi mộ còn đắp đất cũng được dẫy cỏ sạch sẽ và đắp thêm đất cho mới, phát quang chung quanh mả, đó là cách thể hiện lòng thành kính tưởng nhớ ông bà tổ tiên của người đang sống đối với người đã khuất. Các cụ già thì lo khấn vái tổ tiên, tay run run thắp nén nhang, lầm rầm cầu nguyện; khói hương bay bay bảng lảng gợi không khí linh thiêng, huyền ảo.

    Trẻ em cũng theo đi tảo mộ, trước là để biết dần những ngôi mộ của gia tiên, sau là để tập cho chúng sự kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ này. Cũng tùy vào hoàn cảnh kinh tế của từng gia đình, nhưng nhìn chung, người dân Bạc Liêu cúng lớn lắm, đặc biệt là những nhà gốc Hoa. Đồ cúng thường gồm bộ tam sinh (3 con vật hoặc thịt của 3 con vật), nhà giàu thì ngũ sinh, giấy ngũ sắc, nhang đèn, giấy tiền vàng, các loại bánh trái… Bánh bao, bánh bò và heo quay, bánh hỏi là những thứ không thể thiếu được trong mâm cúng của bất kì gia đình nào. Việc cúng lễ có thể diễn ra từ 5 giờ sáng cho đến chiều tối, nhưng đa phần đều cúng vào buổi trưa vì có quan niệm dân gian cho rằng giờ ngọ là lúc thuận lợi nhất cho linh hồn người chết có thể quay về dương gian... Khi đã thắp hương khấn vái, cúng kiếng xong, con cháu bày la liệt đồ cúng lên trên và xung quanh ngôi mộ rồi cùng nhau vừa ăn uống cười nói vui vẻ, vừa nghe các vị cao niên kể về tiểu sử công đức của những người đã khuất. Những ngôi mả lúc này đông đúc, ấm áp, không còn cái vẻ vắng lặng đến lạnh người làm cho người ta sợ lúc ngày thường nữa. Mọi người vừa ăn, vừa cùng lắng lòng mình lại cho sợi dây tâm linh vô hình cùng gắn kết, nối liền hai cõi âm dương để những người đã khuất về sum vầy cùng con cháu. Ai ai cũng cầu xin người quá cố phù hộ độ trì cho con cháu bình an, hạnh phúc, may mắn để rồi năm sau lại cùng nhau quây quần.

    Tục cúng mả mỗi dịp Thanh Minh là nét đẹp văn hóa tâm linh của người dân Bạc Liêu nói riêng và bà con vùng Tây Nam Bộ nói chung. Ngày này là dịp con cháu hướng về tổ tiên, nhắc nhở người người dù có đi đâu về đâu cũng không quên nhớ về quê hương cội nguồn của mình. Phảng phất trong làn hương khói mờ ảo là dấu ấn quê hương không dễ phai mờ theo năm tháng. Phải chăng đây còn là một dịp để mọi người trở về sum vầy nơi quê cha đất tổ, gạt bỏ mọi phiền lụy và giúp tâm hồn mình được thanh tịnh hơn.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
St Albans Sports Club Vùng: Kings Park. Phone: 9367 5956
Xem thêm

Article sourced from BLOGRADIO.

Original source can be found here: https://blogradio.vn/thanh-minh-chut-lang-long-hai-coi-am-duong-nw231299.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ