Elon Musk nhận nhiệm vụ tinh giản chính phủ Mỹ
Tổng thống đắc cử Donald Trump tuần này công bố tỷ phú Mỹ Elon Musk cùng Vivek Ramaswamy, doanh nhân từng tranh cử tổng thống, sẽ là hai người phụ trách Ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE). Ông Trump mong đợi hai người sẽ thúc đẩy "sự thay đổi triệt để" giống như Dự án Manhattan, sáng kiến của chính phủ Mỹ để chế tạo bom nguyên tử trong Thế chiến II.
Theo ông Trump, DOGE dưới sự dẫn dắt của tỷ phú Musk và Ramaswamy sẽ tiến hành "những đợt cắt giảm lớn và tăng hiệu suất hoạt động trong các cơ quan cồng kềnh" của chính phủ Mỹ.
Do không nằm trong nội các, DOGE sẽ "cung cấp khuyến nghị và hướng dẫn từ bên ngoài chính phủ" về nỗ lực tinh giản hệ thống, cắt giảm quy định, giảm chi tiêu và tái cấu trúc cơ quan liên bang. Ông Trump kỳ vọng sứ mệnh này sẽ hoàn thành vào ngày 4/7/2026, trùng mốc kỷ niệm 250 năm quốc khánh Mỹ.
"Điều này sẽ gây chấn động cho toàn hệ thống và bất kỳ ai liên quan tới tình trạng lãng phí của chính phủ, tức là rất nhiều người", Musk, giám đốc điều hành Tesla và SpaceX, tuyên bố sau khi được đề cử.
Tỷ phú Musk từng nói trong cuộc mít tinh của ông Trump ở Madison Square Garden hồi tháng 10 rằng ông có thể giúp cắt giảm ít nhất 2.000 tỷ USD trong ngân sách liên bang Mỹ.
Doanh nhân Ramaswamy cho biết ngay từ khi tranh đề cử tổng thống đảng Cộng hòa, ông đã có kế hoạch thúc đẩy tham vọng cắt giảm 3/4 lượng nhân sự trong chính phủ Mỹ, hiện có khoảng 2,2 triệu người.
Doanh nhân Vivek Ramaswamy (trái) và tỷ phú Elon Musk. Ảnh: AP
Tổng thống đắc cử muốn xóa bỏ Bộ Giáo dục, trao quyền kiểm soát lớn hơn cho chính quyền các bang trong lĩnh vực này. Ông cũng muốn cắt giảm "nhà nước ngầm", ám chỉ những nhân viên liên bang được cho là đang bí mật theo đuổi chương trình nghị sự riêng.
Ông Trump và Musk đã gợi ý rằng ủy ban sẽ tiến hành nỗ lực cắt giảm đáng kể biên chế trong chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, hiến pháp Mỹ trao cho quốc hội quyền quyết định ngân sách liên bang và cơ quan này có thể chấp nhận hoặc bác bỏ khuyến nghị từ các cơ quan bên ngoài như DOGE.
Tỷ phú Musk cho biết DOGE sẽ hoạt động minh bạch bằng cách đăng tải các hoạt động của họ để lấy ý kiến công khai. "Bất kỳ khi nào công chúng nghĩ rằng chúng tôi đang cắt giảm cái gì quan trọng hoặc chưa cắt giảm phần nào lãng phí, hãy cho chúng tôi biết", ông đăng trên X.
Ông cũng đề cập tới việc lập danh sách các khoản chi tiêu "ngu ngốc" để cắt giảm và lưu ý rằng điều này sẽ "rất thú vị".
Doanh nhân Ramaswamy ngày 12/11 cho biết ủy ban "sẽ sớm bắt đầu huy động nguồn lực cộng đồng" để tìm kiếm bằng chứng về việc lãng phí của chính phủ cùng các cáo buộc gian lận.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều điều bí ẩn về cách hai doanh nhân lãnh đạo DOGE. Họ sẽ đứng đầu một ban chưa có nhân viên và không có nguồn ngân sách rõ ràng. Không rõ liệu nỗ lực của họ sẽ được tư nhân tài trợ hay lấy kinh phí từ ngân sách. Và hiện cũng chưa rõ sẽ có bao nhiêu nhân viên tham gia DOGE và họ sẽ được trả lương thế nào.
Các chuyên gia trong cơ quan liên bang nhấn mạnh rằng những cuộc cải tổ thành công trong quá khứ đều dựa vào nhân sự trong chính các cơ quan chính phủ để tìm ra cách duy trì công việc trong khi cắt giảm biên chế và ngân sách.
Ngoài ra, nhiều người cũng bày tỏ hoài nghi về hiệu quả của cơ quan do hai doanh nhân lãnh đạo, đặc biệt là về xung đột lợi ích. Các tập đoàn của ông Musk có lợi ích liên quan chặt chẽ đến chính phủ Mỹ, vì họ đang ký hợp đồng chế tạo tên lửa và hoạt động không gian với Cơ quan Hàng không Vũ trụ Quốc gia (NASA) và Lầu Năm Góc.
Tỷ phú Mỹ từng xảy ra nhiều tranh cãi với các cơ quan quản lý liên bang. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ đã phạt công ty SpaceX vì gây ô nhiễm gần một điểm phóng tên lửa ở Texas. Cơ quan Quản lý An toàn Giao thông Cao tốc Quốc gia Mỹ (NHTSA) đang điều tra tính năng lái tự động trên ôtô của Tesla. Musk cũng từng vướng vào các vụ tranh cãi, kiện tụng của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC).
Trong khi đó Ramaswamy, người sáng lập công ty dược phẩm Roivant Sciences, từng cáo buộc Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) là "tham nhũng". "Vô số quy định và hành động của FDA là đạo đức giả, gây hại và vi hiến", ông từng đăng bài trên X năm 2023.
"Điều kiện tiên quyết để làm việc cho chính phủ là bạn phải xuất phát từ lập trường vì lợi ích của công chúng", Max Stier, giám đốc điều hành tổ chức phi chính phủ Quan hệ Đối tác vì Dịch vụ công, nói. "Thứ có thể làm suy yếu nhiệm vụ đó là xung đột lợi ích. Chúng ta cần cảnh giác với những người đang cố vấn cho chính phủ nhưng có lợi ích cá nhân. Với một người như Elon Musk, người nắm giữ nhiều cổ phần, điều đó đặc biệt quan trọng".
Ông Musk từ lâu tỏ rõ bất bình với chính phủ Mỹ và thường xuyên đăng những lời phàn nàn trên mạng. "Thế giới ngày càng trở nên chậm chạp bởi những quy định quản lý quá mức. Mỗi năm thòng lọng lại siết chặt thêm một chút và cuối cùng chúng ta có nhiệm vụ xóa bỏ hàng núi quy định gây nghẹt thở và không phục vụ cho lợi ích chung", ông viết trên X ngày 13/11.
Tuy nhiên, một số nhóm hoạt động không đồng tình với ý kiến này. "Tất cả chúng ta đều phụ thuộc vào quy định để bảo vệ không khí, nguồn nước, người lao động, an toàn cho trẻ em và nhiều điều khác nữa. Cắt giảm thủ tục hành chính là cách nói ngắn gọn của việc loại bỏ các biện pháp bảo vệ chúng ta, nhằm mang lại lợi ích cho các tập đoàn", tuyên bố của Public Citizen, nhóm phi lợi nhuận bảo vệ người tiêu dùng ở Mỹ, có đoạn.
Tỷ phú Elon Musk tại cuộc gặp của ông Donald Trump với nhóm nghị sĩ đảng Cộng hòa ở thủ đô Washington ngày 13/11. Ảnh: Reuters
Ban Hiệu suất Chính phủ không phải là ý tưởng đầu tiên về tinh giản bộ máy được nêu lên ở Mỹ. Ông Ronald Reagan là tổng thống Mỹ đầu tiên cam kết sẽ "thanh lọc bộ máy" ở Washington. Năm 1982, tổng thống Cộng hòa đã bổ nhiệm giám đốc điều hành công ty sản xuất hóa chất J. Peter Grace làm người đứng đầu hội đồng nghiên cứu cách giúp chính phủ hoạt động hiệu quả hơn.
Ủy ban Grace đã đưa ra nhiều đề xuất mà họ cho là giúp tiết kiệm gần 300 tỷ USD trong 3 năm, dù Văn phòng Ngân sách Quốc hội và Văn phòng Tổng kiểm toán ước tính sáng kiến này chỉ giúp tiết kiệm được 1/3 số tiền đó. Tuy nhiên, một số khuyến nghị của ủy ban đã được thực hiện.
Một thập kỷ sau, cựu tổng thống Clinton cũng đề xuất cuộc đánh giá để cải tổ chính phủ, sau đó thành lập Quan hệ Đối tác Quốc gia về Cải tổ Chính phủ. Từ năm 1993 tới 2000, sáng kiến đã cắt giảm 426.200 nhân viên liên bang và giúp tiết kiệm 136 tỷ USD cho người nộp thuế.
Elaine C. Kamarck, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Brookings và từng là người đứng đầu các sáng kiến về hiệu suất chính phủ dưới thời ông Clinton, đồng ý rằng đã đến lúc cần xem xét lại hoạt động của chính phủ liên bang. Bà cho biết bí quyết thành công là làm cho cơ quan hoạt động hiệu quả hơn mà không gây tổn hại tới các chương trình giúp đỡ người dân.
"Bạn không thể loại bỏ hết mọi thứ trong chính quyền liên bang mà không khiến ai đó bất bình. Họ càng sớm nhận ra điều đó, họ sẽ càng hành động khôn ngoan hơn trong tương lai", bà nói.
Chuyên gia này thêm rằng điều quan trọng là phải có người trong cuộc giúp đỡ nỗ lực tinh giản. "Chính những công chức chuyên nghiệp là người hiểu rõ nhất về cái gì hiệu quả hay không hiệu quả", bà nói.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/elon-musk-se-tinh-gian-chinh-phu-my-the-nao-4815796.html