Taliban tái cầm quyền sau 25 năm
Taliban treo cổ cựu tổng thống Afghanistan Mohammad Najibullah và giành quyền lực sau khi tiến vào thủ đô Kabul năm 1996. 25 năm sau, Taliban đánh bại lực lượng chính phủ Afghanistan do Mỹ hậu thuẫn và tiếp quản Kabul lần thứ hai hôm 15/8.
Việc Taliban thay đổi thế nào sau lần cầm quyền đầu tiên năm 1996, trước khi bị Mỹ lật đổ bằng chiến dịch quân sự năm 2001, sẽ quyết định liệu nhóm này có thể xây dựng chính phủ mà dân Afghanistan có thể chung sống và các quốc gia NATO sẵn lòng hợp tác hay không.
Taliban năm 2021 được đánh giá là giàu có hơn với địa vị kinh tế vững vàng hơn so với 25 năm trước. Vào giữa những năm 1990, Taliban còn tương đối thiếu kinh nghiệm và chủ yếu nhận tiền từ Arab Saudi, đồng thời chưa kiểm soát được toàn bộ lãnh thổ Afghanistan. Tới năm 2021, Taliban duy trì hiện diện tài chính sâu rộng ở quốc gia Trung Á và sử dụng thành quả kinh tế để phục vụ chiến dịch quân sự.
Những thành viên Taliban theo chủ nghĩa chính thống duy trì hoạt động vũ trang trên khắp Afghanistan, sau khi nhóm này bị tước quyền lực nhà nước. Taliban xây dựng một mạng lưới tài chính phức tạp và hệ thống thuế để phục vụ các hoạt động, bao gồm việc chiếm giữ những cửa khẩu thu về hàng triệu USD.
Các tay súng Taliban ngồi trong dinh tổng thống Afghanistan tại thủ đô Kabul ngày 15/8. Ảnh: AP.
Nguồn tài nguyên dồi dào của Afghanistan và nhiều mỏ khoáng sản đang nằm trong tay Taliban mang lại nguồn lợi lớn cho nhóm. Taliban còn tham gia vào hoạt động mua bán ma túy, bao gồm các xưởng điều chế thuốc phiện thành heroin bị Mỹ không kích trong nhiều năm qua. Tài trợ nước ngoài vẫn là nguồn thu đáng kể của Taliban.
Ian King, biên tập viên chương trình kinh doanh của Sky News, nhận định Afghanistan vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Taliban có thể duy trì một số chính sách như ngăn phụ nữ đi làm có thể khiến tình hình kinh tế của Afghanistan ngày càng trở nên tồi tệ.
Taliban tìm cách được chấp thuận. Dù kinh tế của Afghanistan đang sa sút so với thế giới, Taliban vẫn phải chú ý đến duy trì những thành quả nước này đạt được từ năm 2001 với hỗ trợ của quốc tế và việc ra đời hiến pháp tự do năm 2004.
Hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế giúp Afghanistan phát triển hạ tầng, xây dựng lại hệ thống giáo dục, cho phép hàng triệu bé gái đi học và phụ nữ trẻ học đại học. Các cuộc xung đột hồi đầu những năm 1990 thường xuyên tàn phá các doanh nghiệp ở Afghanistan và dòng vốn nước ngoài không rót vào quốc gia Trung Á này nữa.
"Vào những năm 1990, đó là một quốc gia lạc hậu không có hạ tầng với một chính phủ tuân theo kinh Koran không có tư cách pháp nhân rõ ràng", chuyên gia Raffaello Pantucci thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) cho biết. "Các nước muốn tham gia giúp đỡ gặp khó khăn vì điều này".
Taliban có thể tìm cách duy trì viện trợ từ phương Tây và các tổ chức phi chính phủ để tránh gây sợ hãi ở Afghanistan. Đầu tư quốc tế vào hạ tầng và nguồn lực của Afghanistan được đánh giá là quan trọng với tính hợp pháp của Taliban.
Pantucci nhận định điều này sẽ khiến Taliban có cách tiếp cận mới mềm dẻo hơn về chính sách nhân quyền. "Taliban sẽ khôn ngoan và nhận ra rằng nếu muốn được quốc tế công nhận, họ phải đưa ra được thứ gì đó", Pantucci nói.
Tuy nhiên, phóng viên chuyên trách Trung Đông của Sky News Alistair Bunkall cho rằng phương Tây "nên hoài nghi" về những cam kết của Taliban. Điều duy nhất mà nhóm này có thể hy vọng nhất là việc "Washington và London chấp nhận chiến thắng của họ một cách miễn cưỡng".
Việc Taliban được công nhận trên trường quốc tế có thể đến từ nơi khác. Nga và Trung Quốc đã bày tỏ ý định làm việc với chế độ mới tại Afghanistan.
Taliban từng sát hại nhiều người dân tộc thiểu số trong những năm 1990, đặc biệt là người Hazara theo phái Hồi giáo Shiitte và người Uzbek. Tuy nhiên, các báo cáo cho biết Taliban năm 2020 tuyển dụng một thủ lĩnh từ cộng đồng Hazara trong nỗ lực thay đổi hình ảnh của lực lượng.
"Chính phủ trước của Afghanistan trong 20 năm cố gắng lãnh đạo tất cả dân chúng và cho họ cơ hội bình đẳng. Sau 20 năm, một thế hệ người Afghanistan mang đến cơ hội này. Đó là khác biệt giữa Taliban hiện tại và hồi những năm 1990", Pantucci nói.
Quyền của phụ nữ là một vấn đề đặc biệt quan trọng với Taliban hiện nay. Khi Taliban nắm quyền năm 1996, toàn bộ phụ nữ bị cấm làm việc hoặc học tập và buộc phải mang burqa, loại trang phục che kín mặt và cơ thể của đạo Hồi.
Phụ nữ Afghanistan khi đó bị cấm ra khỏi nhà nếu không có nam giới tháp tùng, bị hạn chế nghiêm trọng khả năng tiếp cận chăm sóc y tế. Họ thường xuyên bị xỉa xói, đánh đập, ném đá và thậm chí bị sát hại vì vi phạm nguyên tắc do Taliban áp đặt.
Tuy nhiên, Taliban gần đây ra các tuyên bố về quyền phụ nữ nhằm cho thế giới thấy lãnh đạo của lực lượng này sẵn lòng thực hiện một số thay đổi, ít nhất về mặt hình thức. Phát ngôn viên Taliban Suhai Shaheen ngày 15/8 cho biết "các cô gái đang tiếp tục việc học của mình, họ đang đi học".
"Chính sách của chúng tôi là phụ nữ có thể tiếp tục tiếp cận giáo dục và đi làm, tất nhiên họ phải tuân thủ quy định đeo khăn trùm đầu (hijab)", Shaheen nói. Tuy nhiên, một số báo cáo gần đây cho biết phụ nữ phải rời nơi làm việc hoặc trường đại học tại một số tỉnh của Afghanistan.
Một tay súng Taliban đứng trên đường tại thành phố Ghazni của Afghanistan ngày 14/8. Ảnh: Reuters.
"Taliban những năm 1990 duy trì tư duy hết sức bảo thủ. 20 năm qua đã thay đổi cách người Afghanistan nhìn nhận về quyền phụ nữ", Pantucci nói. "Dù các lãnh đạo Taliban ra tuyên bố có vẻ tiến bộ về quyền phụ nữ, song điều này chưa chắc diễn ra trên thực tế".
Pantucci nhận định việc triển khai chính sách mới về quyền của phụ nữ do Taliban đề ra "chưa rõ ràng". "Taliban không phải một khối thống nhất mà bao gồm nhiều nhóm nhỏ và phe phái khác nhau. Nếu một phe với quan điểm chống lại quyền phụ nữ kiểm soát một tỉnh nào đó, lãnh đạo Taliban ở Kabul có xử lý điều này hay làm ngơ trước việc đó?", chuyên gia này đặt nghi vấn.
Taliban được nhận định mang động lực của nhóm tín ngưỡng chính thống và tôn giáo cực đoan, gắn với "tàn bạo và áp bức". Khi Taliban giành được quyền lực tuyệt đối tại Afghanistan, đã có bàn luận về "chương mới của hòa bình" và những cải cách để giải quyết bất cứ "bất bình" nào đến từ dân chúng Afghanistan.
Nhưng đặc tính từ xưa của Taliban sẽ trở thành nền tảng của Afghanistan trong tương lai gần. "Đó sẽ là một chính phủ Hồi giáo", phát ngôn viên Taliban Shasheen nói hôm 15/8. "Chúng tôi chiến đấu vì điều này trong 4 thập kỷ".
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/taliban-thay-doi-the-nao-sau-25-nam-4342663.html