Tại sao tiêm kích F-35 Mỹ không thể nhận diện tên lửa S-300 Nga?
Báo chí quốc tế mới đây đã tập trung sự chú ý vào thông tin các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35 Lightning II của Mỹ đã cố gắng do thám vị trí triển khai hệ thống phòng không S-300 của Nga, khi bay dọc theo sườn phía Đông của NATO.
Tuy nhiên họ đã không thành công trong việc tìm kiếm tổ hợp phòng không của Quân đội Nga. Điều này khiến các phi công của Không quân Mỹ và những chỉ huy của họ tại Lầu Năm Góc cảm thấy rất bất ngờ.
Các nhà phân tích của ấn phẩm EurAsianTimes cho rằng người Mỹ thất bại vì đối diện với khả năng bí mật của S-300, tính năng này họ chưa từng phải trải qua trong tình huống thực tế.
Thông thường, để phát hiện các hệ thống phòng không dưới mặt đất, phương tiện trinh sát điện tử sẽ nghiên cứu tần số mà các tổ hợp có khả năng hoạt động trên đó và những tín hiệu mà chúng gửi đi.
Một thư viện được tổng hợp từ những dữ liệu này sẽ được nhập vào máy tính của phi cơ. Trong suốt chuyến bay, cảm biến và radar hàng không sẽ theo dõi tất cả tín hiệu tương tự, cho phép phát hiện vị trí và số lượng thiết bị điện tử của đối phương.
“Tuy nhiên các phi công lái tiêm kích F-35 đã không thể nhận diện S-300 dưới mặt đất. Điều này có nghĩa là tổ hợp phòng không nói trên có các phương thức hoạt động bổ sung mà phương Tây chưa có thông tin”, bài báo viết.
Các chuyên gia phân tích đến từ tờ báo Ấn Độ lưu ý rằng khả năng bí mật của các hệ thống phòng không Nga sẽ làm suy giảm đáng kể năng lực tác chiến của Không quân Mỹ nói chung.
Trong điều kiện chiến đấu thực tế, lực lượng vũ trang NATO đơn giản là sẽ không thể theo dõi và tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ nhằm vào hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Quân đội Nga.
Nhưng bên cạnh đó, nhiều chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng các tổ hợp S-300 nói trên của Nga khi nhận thấy sự có mặt của F-35 đã phải hoạt động ở "chế độ yên lặng", hay nói đúng hơn là "tắt máy nằm im".
Trong trường hợp nói trên, radar của S-300 sẽ không phát ra bất cứ tín hiệu điện từ nào để đối phương dò xét được nó. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, tổ hợp phòng không này cũng chẳng thể nhận biết và không thể gây hại cho máy bay địch.
Nếu xảy ra tình huống giao chiến, các hệ thống S-300 chắc chắn không thể ở trong trạng thái này, bởi điều đó đồng nghĩa với "mở cửa bầu trời" để chiến đấu cơ đối phương tấn công tự do.
Nếu trắc thủ S-300 mở máy để quan sát bầu trời thì chưa chắc hệ thống phòng không này đã thoát khỏi tầm định vị của những cảm biến tinh vi mà tiêm kích tàng hình thế hệ năm F-35 mang theo.
Nhưng dĩ nhiên tất cả chỉ là giả thuyết, để có được cái nhìn chính xác nhằm đánh giá cụ thể vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự thì chỉ có một cách duy nhất đó là để chúng trải qua tình huống thực chiến.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: https://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=3653766