Sống chậm lại để cảm nhận yêu thương của gia đình
Tôi cũng đã từng nghĩ như vậy. Tôi nghĩ rằng tuổi trẻ là bầu trời nhiệt huyết, là lúc cần trải nghiệm, cần đi đây đi đó nhiều hơn. Có một khoảng thời gian, tôi quên mất nhà tôi vẫn đang mong từng cuộc gọi thoại về chỉ để dặn dò rằng: “Dạo này Sài Gòn ổn không con, nhớ đừng bỏ bữa, đi học, đi làm cũng cần thời gian nghỉ ngơi nhé con”, chỉ thế thôi là ấm áp.
Cho đến năm nay, vì dịch covid-19 nên tôi nán lại quê nhà để chờ có thông báo mới. Vậy là bao kế hoạch tan vỡ như án mây bay ngang, lướt nhìn tôi rồi cười nhoẻn vậy. Thật khó để thích nghi đúng không? Nhưng có lẽ thời gian đó khiến tôi cảm nhận được nhịp sống một cách chậm rãi hơn để rồi tôi thắm thiết hơn tình yêu thương của gia đình, làng xóm lúc khó khăn dù đơn giản.
Những ngày này, các công trình tạm ngưng nên cha tôi cũng tạm nghỉ việc đi làm thuê. Cha tôi cũng sắp ở cái tuổi ngũ tuần rồi. Vừa lúi húi cuốc cỏ, nghe tôi hỏi, cha cười “Đợi sau khi nuôi mấy chị em mày ăn học xong, cha sẽ nghỉ làm mướn”. Nhiều lúc tâm sự với nhau, cha khuyên chị em tôi lớn lên tìm cho mình cái nghề nào nhẹ nhẹ, đừng làm mướn như nghề của cha, cực lắm.
Cha tôi ít nói so với mẹ, chỉ mỗi lần có chén mới tâm sự nhiều hơn. Cha bàn về tương lai chúng tôi, cha bàn về những mẹo vặt mà tôi cần áp dụng khi ở đất khách, cha kể về những lần vấp ngã rồi đứng lên như thế nào, cha nói các con đã lớn, phải tự biết sống tự lập…Tôi nghe nhiều người nói, khi có chén rượu, con người ta mới nói hết lòng mình ra. Phải, tôi yêu lắm, thương lắm sự hy sinh của cha mẹ để tạo cho chị em tôi cuộc sống tốt nhất.
Tháng ngày ở nhà, câu khẩu hiệu “Chống dịch như chống giặc” luôn được cha nói để nhắc nhở gia đình tôi cũng như hàng xóm để cùng nhau chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Quả thật, những lúc đất nước gặp khó khăn, tinh thần yêu nước được biểu hiện rõ nhất. Bởi vì nếu đã không làm được việc gì to lớn cho nước nhà thì ở yên trong nhà để tự cách ly sẽ là vấn đề đặt lên hàng đầu của gia đình tôi.
Kể từ hôm đó, gia đình tôi ít khi ra ngoài khi thực sự cần thiết. Cứ cách vài hôm, cha lại ra suối bắt vài con cá về kho ăn với cơm thay vì phải đi chợ như mọi khi. Cha nói “Làm như vậy vừa có món ăn, vừa hạn chế tiếp xúc đông người, đảm bảo sức khỏe cho cả mình và người khác!”. Bữa cơm gia đình chỉ là món cá kho tiêu bắt ngoài suối, là món rau luộc hái trong vườn, dư vị có chút khác lạ nhưng đổi lại là cả sự quan tâm của cả nhà. Tôi mừng lắm, tôi thấy mình vẫn may mắn hơn nhiều gia đình khác.
Mùa dịch, con đường làng vắng vẻ hơn, hàng quán cũng đóng cửa. Mọi thứ yên ắng đến lạ, không tiếng máy cưa, cũng không tiếng bọn trẻ í ới rủ nhau thả diều nữa. Đôi lúc tôi chỉ còn nghe tiếng gió lướt ngang, tiếng bé Su hàng xóm làm nũng đòi sữa… Phải, cuộc sống bộn bề ngày thường cũng dần ngưng lại thay vào đó là một sự thích nghi khác.
Mặc dù các kế hoạch của tôi đều quay lại con số 0 nhưng có lẽ đó là lúc mình sống chậm lại so với nhịp sống xô bồ ngày trước ở Sài Gòn. Nhiều lúc tôi cũng cảm thấy khó chịu khi không được đi đâu xa. Thế nên, tôi đi dạo một vòng trong phạm vi ở xóm cho khuây khoả. Phía sau nhà tôi là ngọn đồi, đó cũng là nơi thư giãn lý tưởng của tôi.
Tôi hòa mình vào cây lá, lâu lâu lại nghe tiếng chim lạc bầy kêu. Tôi nghe từng âm thanh của con gà đẻ trứng xong kêu cục ta cục tác, tiếng chó sủa của nhà bên. Nó hệt như một kì nghỉ dưỡng sinh thái mà tôi đã tưởng tượng, chỉ khác là nó ở một địa điểm không nổi tiếng, nó là một vùng quê. Và ở đó, có cả ba và mẹ tôi. Thầm nghĩ “Có phải mình đã bỏ lỡ một thời gian dài quan tâm cha mẹ để rồi luôn thầm ước những thứ bay bổng, cao sang kia không?”. Tuổi đôi mươi, đó là lúc ta chông chênh với những ngã rẽ cuộc sống, đó là lúc ta phải chọn hướng đi cho mình, cũng có những sai lầm không tránh khỏi.
Mơ màng trong cái tĩnh lặng của cây, núi đồi, tôi chợt tỉnh giấc bởi tiếng mẹ gọi tôi: “Này, vào nghe điện thoại, Kiều gọi con đó”. Đôi lúc, sự quan tâm chỉ là một câu nói, cử chỉ nhỏ nhưng vì ta quá quen thuộc nên không còn để ý nữa. Rồi ta đòi hỏi những thứ cao sang hơn chăng? Nhưng những thứ cao sang ấy có thật sự tồn tại không? Tôi không biết. Và liệu nếu không có dịp về quê và kẹt lại vì dịch thì tôi có ngẫm ra tình cảm thiêng liêng này không? Tôi cũng không biết. Dù sao đi nữa, tôi cũng may mắn để kịp nhận ra công ơn này khi cha, mẹ vẫn còn bên tôi. Có lẽ đây cũng chính là lúc mình cần đặt lại mục tiêu cho mình, kế hoạch đời mình và trong số kế hoạch đó, có ba và mẹ tôi.
“Việt Nam ơi, Việt Nam ơi, cùng đoàn kết đánh bay corona”, chiếc loa phường quê tôi đến giờ phát sóng. Tôi vừa ăn bữa trưa cùng gia đình vừa nghe tuyên truyền qua loa, thích biết nhường nào.
Article sourced from BLOGRADIO.
Original source can be found here: https://blogradio.vn/song-cham-lai-de-cam-nhan-yeu-thuong-cua-gia-dinh-nw232206.html