Són tiểu: Nỗi khổ khó nói của phụ nữ sau sinh
Một người phụ nữ họ Vương sống tại Nam Kinh (Giang Tô, Trung Quốc) được chẩn đoán rối loạn chức năng sàn chậu nặng sau nhiều năm bị són tiểu.
Bà cho biết, mình bắt đầu bị són tiểu mỗi khi ho từ cách đây 7 năm. Tuy nhiên, thấy nhiều người nói rằng sau khi sinh đẻ họ cũng bị như vậy nên bà cho rằng đây không phải là bệnh tật, không cần đi chữa.
Cho đến gần đây, ngay cả khi cười, hắt xì, giật mình hay đi nhanh, chạy nhảy bà cũng bị rò rỉ nước tiểu. Thậm chí, thỉnh thoảng tình trạng này còn xảy ra khi bà trở mình trên giường ngủ ban đêm. Mỗi lần buồn tiểu là không thể nhịn nổi 1 phút, không tiểu ngay lập tức sẽ bị tiểu ra quần. Khó chịu và bất tiện vô cùng, bà quyết định đến bệnh viện thăm khám.
Ảnh minh họa
Không ngờ, bác sĩ cho biết bà Vương bị rối loạn chức năng sàn chậu nặng. Các khối cơ và dây chằng vùng sàn chậu bị lão hóa và không có khả năng giữ các cơ quan vùng chậu ở đúng vị trí của nó nữa. Từ đó dẫn đến sa bàng quang, sa tử cung và bắt đầu có dấu hiệu sa trực tràng, buộc phải nhập viện phẫu thuật.
Sàn chậu bao gồm nhiều hệ thống thần kinh và mạch máu nhưng được coi là tổng thể của 3 hệ thống chính. Đầu tiên là hệ thống sinh dục bao gồm tử cung và âm đạo, thứ hai là hệ thống niệu dưới có bàng quang và niệu đạo. Cuối cùng là hệ thống tiêu hóa dưới gồm trực tràng và hậu môn.
Có 2 nguyên nhân chính làm rối loạn chức năng sàn chậu là yếu tố tuổi tác và ảnh hưởng từ quá trình mang thai. Các thống kê chỉ ra rằng có tới 1/3 phụ nữ sau sinh mắc chứng són tiểu, trong đó 50% là phụ nữ trên 40 tuổi.
Phó trưởng khoa Tiết niệu Li Yanfeng của Bệnh viện Dongzhimen, Đại học y học cổ truyền Trung Quốc Bắc Kinh cho biết, giống như bà Vương, rất nhiều chị em chủ quan với dấu hiệu bệnh. Họ thường cho rằng són tiểu sau sinh là đương nhiên, không gây nguy hiểm.
Ông giải thích, đúng là rối loạn chức năng sàn chậu không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý và cuộc sống hàng ngày. Hơn nữa, để lâu ngày còn gây ra nhiều hệ lụy khác cho các cơ quan vùng chậu, nhất là bị sa các cơ quan vùng chậu. Trong số đó cứ 5 người thì sẽ có 1 người bị sa trên 2 cơ quan, phổ biến nhất là sa tử cung và sa bàng quang.
Để có thể phát hiện sớm, ông hướng dẫn chị em 2 cách tự kiểm tra như sau:
- Kiểm tra áp lực: đứng lên khi cảm thấy muốn đi tiểu và cố ho từ 8 -10 lần để xem có rò rỉ nước tiểu hay không. Nếu có thì đó là triệu chứng tiểu không kiểm soát.
- Kiểm tra nước tiểu: uống 500ml nước sau đó đặt băng vệ sinh hoặc tã lót vào quần lót và thực hiện các hoạt động như leo cầu thang, ngồi và đứng lên, ho, chạy tại chỗ. Nếu có sự bài tiết nước tiểu và trọng lượng của băng vệ sinh, tã lót tăng thêm trên 2g thì hãy sớm đi khám chức năng sàn chậu.
Ngoài ra, bác sĩ Li Yanfeng cũng cho biết rằng, tập luyện thể dục thể thao có thể giúp bảo vệ và phục hồi chức năng sàn chậu, đặc biệt là bài tập Kegel.
Hãy nằm ngửa trên một mặt phẳng cứng, nâng gối và co chân. Sau đó dùng sức nâng vùng hông lên cao trong trạng thái hóp bụng, ống chân thẳng, siết cơ vùng chậu giống như đang cố nhịn tiểu. Giữ tư thế này trong 3 - 5 giây rồi hạ người, nghỉ 2- 6 giây và tiếp tục lặp lại như trên. Làm liên tục trong 15 - 30 phút, lặp lại 3 lần mỗi ngày hoặc 150 - 200 lần mỗi ngày.
Lưu ý là phương pháp tự cải thiện này chú trọng đến sự kiên trì. Hãy tuân thủ tập luyện từ hơn 3 tháng đến nửa năm để thấy được kết quả rõ rệt.
Article sourced from KENH14.
Original source can be found here: http://kenh14.vn/nguoi-phu-nu-son-tieu-khi-ho-suot-7-nam-cuoi-cung-phai-phau-thuat-san-chau-bac-si-day-2-cach-tu-kiem-tra-va-1-bai-tap-cai-thien-tai-nha-2022031321481102.chn