Singapore: Tương lai bất trắc của vợ chồng không con cái
Khi đi du lịch nước ngoài, vợ chồng Tania Ong luôn chọn Singapore Airlines thay vì các hãng hàng không giá rẻ.
Cặp vợ chồng 34 tuổi theo đuổi lối sống DINKs (Double income, no kids - gấp đôi thu nhập, không con cái). Họ có cuộc sống khá thoải mái, ví dụ mỗi năm tiêu gần 9.000 USD cho tiền vé máy bay. Tania Ong thường xuyên tự thưởng cho mình các buổi massage. Họ cũng chi vài trăm USD mỗi tháng cho hai chú chó.
Tania biết những lựa chọn của mình xa xỉ nhưng họ tin rằng đang chăm sóc bản thân tốt bởi quyết định không có con. Cô cảm thấy nhẹ nhõm do không phải chi trả tiền cho các lớp học thêm như các cặp có con.
Họ hy vọng sẽ nghỉ hưu ở tuổi 50 nhưng càng ngày, Tania càng thấy mục tiêu của mình khó đạt được. Chồng cô, cũng làm trong ngành tài chính, dự định sẽ bán căn hộ ba phòng ngủ của họ hoặc đầu tư bất động sản cho tương lai.
"Nhưng chúng tôi không chắc chắn về những dự định này trong 20 năm tới", cô nói.
Vợ chồng Tania Ong. Ảnh: CNA
Một cuộc khảo sát của Ngân hàng OCBC Singapore đã chỉ ra trường hợp của vợ chồng Tania khá điển hình. Các cặp DINKs có điểm số tài chính thấp hơn các cặp có con khi lập kế hoạch nghỉ hưu. Trên thang điểm 100, các cặp DINKs chỉ đạt trung bình 33 điểm, trong khi các cặp có con đạt 44 điểm.
Cuộc khảo sát với 2.000 người từ 21 đến 65 tuổi đã xem xét 24 chỉ số tài chính. Các cặp DINKs yếu hơn các cặp có con ở 8 lĩnh vực nhưng tốt hơn ở tiêu chí quản lý vay mượn và ít chi tiêu quá mức.
Vợ chồng DINKs cũng có khả năng vượt qua khó khăn như thất nghiệp hay tình huống y tế khẩn cấp tốt hơn, theo nghiên cứu. Họ chưa lập kế hoạch nghỉ hưu vì cho rằng vẫn còn thời gian dài. Hầu hết đều nói rằng họ đang tận hưởng độ tuổi 30-40 tập trung vào giải trí và trải nghiệm trước khi bắt đầu quan tâm đến tiết kiệm cho nghỉ hưu.
Siti, 31 tuổi, là chuyên gia truyền thông và chồng, kỹ sư 33 tuổi, đang tận dụng cơ hội để chi tiêu nhiều hơn cho bản thân trước khi có con.
Họ mua các thiết bị gia dụng đắt tiền, thương hiệu uy tín, cao cấp, đôi khi đắt hơn vài trăm USD so với các lựa chọn cơ bản. Siti đến nhà hàng sang trọng hai lần mỗi tháng.
Tuần trăng mật năm 2020 của họ diễn ra ở Trung Đông, đưa bố mẹ đi cùng. "Chúng tôi chưa lập kế hoạch nghỉ hưu do muốn 'thở' và tận hưởng cuộc sống sau Covid-19", cô nói.
Yan và vợ đều 35 tuổi, tin rằng họ còn thời gian dài để chuẩn bị cho việc nghỉ hưu. Vợ chồng Yan không quá đắn đo trước khi chi tiền cho những gì họ muốn, miễn là trong khả năng. Quyết định không có con và thu nhập thụ động từ cho thuê bất động sản đã mang lại cho họ sự an toàn tài chính.
"Ưu tiên của chúng tôi là gia tăng giá trị tài sản ròng, chăm chỉ và đầu tư", anh nói.
Ông Christopher Gee, phó giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách Singapore, cho biết việc không lập kế hoạch tài chính cho nghỉ hưu là điều đáng lo ngại. "Và đặc biệt là đối với những người không có con", ông nói. "Họ không có sự hỗ trợ từ con cái để chăm sóc khi về già".
Ông Loh Yong Cheng, trưởng nhóm tư vấn tại Providend, cho rằng không ngạc nhiên khi các khách DINKs tìm lời khuyên về nghỉ hưu sau 40, trong khi các cặp khác thường làm điều này sớm hơn, ngay sau khi có con.
Vợ chồng DINKs độ tuổi 20-30 thường tập trung làm những gì họ muốn do không phải gánh vác trách nhiệm nuôi dạy con cái. Họ thường tiêu tiền cho những chuyến du lịch và chỉ khi bước vào độ tuổi 40, họ bắt đầu suy nghĩ xa hơn.
Ông Loh cho biết, trong độ tuổi 40-50, cơ hội nghề nghiệp của họ giảm, dễ gặp khó khăn hơn so với người trẻ. Nếu xảy ra vấn đề trong ngành, họ có thể bị cắt giảm đầu tiên.
"Đây là thời gian họ bắt đầu lo lắng", ông nói. Tuy nhiên, chuyên gia cũng nhấn mạnh hai lợi thế của các cặp DINKs khi lập kế hoạch nghỉ hưu, bao gồm linh hoạt điều chỉnh lối sống để tiết kiệm hơn và khả năng đầu tư mạnh mẽ trong thời gian ngắn.
Karen Tang, cố vấn tài chính 20 năm kinh nghiệm, nhận thấy rằng các cặp DINKs có xu hướng đầu tư "mạnh tay" hơn người có con. Tuy nhiên, họ không nên lạm dụng nó và trì hoãn quá lâu việc lập kế hoạch nghỉ hưu. Điều này khiến các cặp DINKs thường đánh giá quá cao số tiền họ có khi tìm đến cố vấn tài chính.
Bà Tang khuyên khi lập kế hoạch nghỉ hưu nên tiết kiệm đủ cho chi tiêu dự kiến và thêm khoản dự trữ để đối phó với lạm phát và tình huống khẩn cấp.
"Chớp cơ hội kịp thời giúp tránh hậu quả lớn", bà nói. "Không lập kế hoạch đúng lúc có thể làm lỡ mất cơ hội phát triển hoặc điều chỉnh tài chính".
Trường có truyền thống về các chương trình học thuật, âm nhạc, thể thao và nghệ thuật.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/tuong-lai-bat-trac-cua-vo-chong-khong-con-cai-4838285.html