Rủi ro lạm phát toàn cầu
Sự đồng thuận hiện tại của các nhà kinh tế thể hiện ở quan điểm lý giải việc giá cả hàng hóa trên thị trường tăng giá rõ ràng có liên quan tới đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, theo họ, rủi ro lạm phát toàn cầu bùng phát vẫn còn là một điều rất “xa vời."
Nguy cơ lạm phát đã trở lại?
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2021 của Mỹ đã tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2020 và là mức tăng theo năm lớn nhất kể từ năm 2008.
Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) cũng tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2020 và 0,6% so với quý trước đó, ghi nhận mức tăng lớn nhất kể từ khi chỉ số này bắt đầu được theo dõi vào năm 2010.
Giá các mặt hàng chiến lược được nhà đầu tư phổ biến quan tâm như dầu thô, đồng và thép cây, than nhiệt điện, quặng sắt... cũng liên tục gia tăng.
Trong cùng thời gian đó, PPI tháng Tư của Trung Quốc đã tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, biên độ tăng trong 5 tháng liên tiếp đều ở mức 1%. Điều này cho thấy xu hướng giá tiếp tục tăng tương đối mạnh.
Trong số những nền kinh tế chủ chốt toàn cầu, các tổ chức và định chế lớn trên thế giới lần lượt dự báo kinh tế Mỹ và Trung Quốc sẽ tăng trưởng mạnh trên 7%, với Trung Quốc có khả năng lên tới hơn 8%.
Đây là thông tin tích cực, phản ánh việc kinh tế toàn cầu sẽ đón nhận thời đại mới sau dịch bệnh. Tuy nhiên, vấn đề đáng nói là lạm phát đã đến vào lúc tình hình dịch bệnh vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt. Điều này khiến giới quan sát liên tưởng đến thời kỳ sau cuộc khủng hoảng tài chính Phố Wall.
Khi đó, cộng động quốc tế đã vui mừng chào đón sự phục hồi của kinh tế toàn cầu mà không nhận ra rằng rủi ro lạm phát - hậu quả của ba vòng nới lỏng định lượng (QE) của Mỹ - đã gây ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu hơn 10 năm sau đó.
Trên thực tế, cho đến khi xảy ra dịch bệnh, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn chưa thực sự bình thường hóa chính sách tiền tệ. Đặc biệt trong giai đoạn sau của Chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, dưới tác động của nhiều nhân tố bao gồm chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, dịch bệnh và bầu cử, ông Trump đã luôn thúc ép Chủ tịch Fed Jerome Powell thực hiện chính sách nới lỏng, thậm chí lãi suất âm. Do đó, chính sách tiền tệ của Mỹ luôn duy trì trạng thái không giới hạn.
Dưới thời tân Tổng thống Joe Biden, xuất phát từ nhu cầu chống dịch, Washington không những tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng mà còn thực hiện các gói cứu trợ tài chính quy mô lớn.
Trong 100 ngày sau khi lên cầm quyền, ông Joe Biden đã đưa ra ba chương trình cứu trợ với tổng giá trị lên đến hơn 5.000 tỷ USD, bao gồm cả những kế hoạch tham vọng nhằm ứng phó với Trung Quốc, đặc biệt là kế hoạch xây dựng hạ tầng quy mô lớn...
Điều này có nghĩa là động thái vung tiền không tiếc tay của Chính quyền ông Joe Biden không những thể hiện rõ sự lo lắng của Mỹ, mà còn mang lại cảm giác bất ổn cho thị trường.
Đương nhiên, các chương trình cứu trợ quy mô lớn của ông Joe Biden cũng đã kích thích sự hưng phấn của thị trường, cộng thêm tính hiệu quả cao từ việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của Mỹ, xu hướng phục hồi kinh tế mạnh mẽ được thể hiện rõ ràng.
“Bơm tiền" để đổi lấy tăng trưởng có thể sẽ khiến các nước sẽ phải trả giá đắt, và lạm phát ập đến chính là hậu quả trực tiếp.
Thời đại lạm phát của Mỹ đến sớm hơn dự kiến và rủi ro lan tỏa của hiện tượng này chắc chắn sẽ lan rộng khắp toàn cầu, gây nên những nguy cơ mới cho nền kinh tế thế giới. Có thể nói làn sóng lạm phát dữ dội này thậm chí còn nguy hiểm hơn cả dịch bệnh gây nên cho thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, ba thập kỷ sau khi các nhà chức trách ở những nền kinh tế tiên tiến thành công trong việc ngăn chặn “bóng ma” lạm phát, đến nay họ vẫn tự tin rằng mọi việc đang trong tầm kiểm soát.
“Câu thần chú về hiện tại” được thể hiện rõ nét nhất qua khẳng định của Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh (BoE) Andrew Bailey rằng ông đang theo dõi lạm phát một cách “cực kỳ cẩn thận” và không có gì đáng lo ngại. Đây vẫn là một quan điểm chủ đạo trong giai đoạn hiện nay, nhưng đang mất dần sự ủng hộ từ các nhà chức trách và giới tài chính thế giới.
Roger Bootle, tác giả cuốn sách “Cái chết của lạm phát,” người đã phát hiện ra xu hướng giảm của hiện tượng tăng giá hàng hóa vào giữa những năm 1990, đã công khai thể hiện sự lo lắng. Ông cho rằng thị trường tài chính thế giới sẽ phải làm quen với sự trở lại của các vấn đề rắc rối.
Các nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương hiện thời đã không phải đối phó với vấn đề lạm phát gần như trong suốt sự nghiệp của mình. Giai đoạn những năm 1970-1980, tỷ lệ lạm phát trung bình của thế giới vào khoảng 10% mỗi năm.
Tuy nhiên, đến thập kỷ 90, tỷ lệ này đã giảm xuống mức gần 5% tại các quốc gia giàu có thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và chỉ còn 3% trong những năm 2000 và 2% trong những năm 2010.
Câu hỏi ngày nay là liệu các nhà lãnh đạo tài chính có đang quá tự tin hay không và liệu thế giới có đang bước vào một kỷ nguyên lạm phát khác?
Thế nào là mức tăng giá “nhẹ nhàng”?
Mặc dù nhiều hộ gia đình tin rằng định nghĩa ổn định giá cả là sẽ không có lạm phát, nhưng các nhà kinh tế học và các nhà hoạch định chính sách đều ủng hộ việc giữ một mức tăng giá hàng năm “nhẹ nhàng” trong khoảng 2%.
Điều này làm giảm nguy cơ khủng hoảng kinh tế có thể gây ra một vòng xoáy giảm phát với chi tiêu, giá cả và tiền lương đều giảm, làm tăng gánh nặng thực tế của các khoản nợ và gây tác động mạnh hơn đến chi tiêu tiêu dùng.
Holger Schmieding, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Berenberg, giải thích rằng: “Mức lạm phát thấp cũng giúp bôi trơn bánh xe của nền kinh tế, cho phép các lĩnh vực đang suy giảm được tụt lại phía sau một cách duyên dáng."
Ở hầu hết các nền kinh tế tiên tiến, như Mỹ, Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) và Nhật Bản, các ngân hàng trung ương không đạt được mục tiêu lạm phát khoảng 2%, mặc dù đã giảm lãi suất cơ bản về gần mức 0 và tạo thêm hàng nghìn tỷ USD, euro và yen để bơm vào nền kinh tế của họ bằng cách thu mua nợ chính phủ.
Do đó, các ngân hàng trung ương, vốn được giao nhiệm vụ ổn định giá cả, sẽ hoàn toàn ủng hộ khi lạm phát tăng nhẹ. Sẽ rất khó để giữ cho lạm phát cao vừa đủ, thậm chí một số nhà kinh tế bắt đầu đặt câu hỏi về học thuyết của Ben Bernanke, cựu Chủ tịch Fed, người đã lập luận vào năm 2002 rằng “với hệ thống lưu hành tiền mặt, một chính phủ kiên quyết sẽ luôn có thể tạo ra chi tiêu cao hơn và do đó giữ cho lạm phát luôn ở mức dương.”
Quan điểm này trở nên nổi bật vào năm 2021. Một chương trình chi tiêu “mạnh tay” của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, cùng với hành động “thắt chặt hầu bao” trong cuộc khủng hoảng COVID-19, đã đem lại cho các hộ gia đình nhiều động lực và nguồn tiền tiêu dùng hơn.
Bên cạnh đó, tình trạng ách tắc trong nguồn cung hàng hóa và sự đảo ngược áp lực giảm tiền lương đã tác động đến giá cả toàn cầu, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ lạm phát quá mức.
Mặc dù không có chuyên gia nào đề cập tới một kịch bản siêu lạm phát có thể xảy ra, như ở Weimar Đức vào năm 1923 và ở Mỹ Latinh vào những năm 1980, hay thậm chí tỷ lệ lạm phát toàn cầu ở ngưỡng 10% vào những năm 1970, nhưng xu hướng tăng giá liên tục và kéo dài của hầu hết các loại hàng hóa hiện nay là điều chưa từng xảy ra trong suốt một thế hệ gần đây.
Mối lo ngại mới về việc lạm phát quay trở lại không chỉ là kết quả của các lực lượng kinh tế tức thời, mà còn phản ánh những thay đổi cơ bản, lâu dài hơn trong cấu trúc của nền kinh tế toàn cầu.
Các gói kích thích chi tiêu kinh tế đã được áp dụng vào thời điểm nền kinh tế thế giới cảm nhận tác động rõ nét nhất của hiện tượng dân số già và sự “chín muồi” của quá trình chuyển đổi 40 năm tại Trung Quốc.
Hơn nữa, lịch sử cũng cho thấy các nhà chính trị gia, nhà kinh tế hay nhà hoạch định chính sách đều không thể đảm bảo thế giới sẽ duy trì lạm phát thấp và ổn định.
Kinh nghiệm của Fed từ những năm 1960 cho thấy những bước ngoặt trong lạm phát thường xảy ra với rất ít cảnh báo. Theo Nick Crafts, giáo sư lịch sử kinh tế tại Đại học Sussex, không giống như Mỹ, nơi không trải qua sự sợ hãi đối với lạm phát sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, nỗi lo ngại về lạm phát luôn chực bùng phát tại Anh, sau khi đồng bảng Anh mất giá và giá nhập khẩu hàng hóa tăng cao hơn đáng kể trong những năm toàn dụng lao động (trạng thái tất cả mọi người thuộc lực lượng lao động đều có việc làm) của thập niên 1950 và 1960.
Ông Crafts nói nỗi lo này chỉ lắng dịu trong thập niên 1970, sau cú sốc dầu mỏ đầu tiên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và sự chuyển đổi trong chính sách của chính phủ từ “thắt lưng buộc bụng” sang “một biện pháp kích thích quá mức ồ ạt, đẩy nền kinh tế vượt qua bất kỳ ước tính hợp lý nào về mức thất nghiệp bền vững.
Theo Karen Ward, Trưởng nhóm chiến lược gia thị trường châu Âu tại JPMorgan Asset Management, học thuyết Bernanke vẫn có giá trị và không nên bị lãng quên. Bà nói: “Chúng ta vẫn luôn tin rằng những cải tiến về mặt cấu trúc từ phía cung như công nghệ và toàn cầu hóa là tuyệt vời đến mức chúng ta không bao giờ có thể áp đảo cung bằng cầu, nhưng chắc chắn vẫn xảy ra trường hợp bạn có thể áp đảo cung bằng cầu và cuối cùng tạo ra lạm phát."
Nguy cơ mất cân bằng trong sự phục hồi sau đại dịch
Cùng với sự phục hồi của giá năng lượng về mức trước đại dịch COVID-19, thế giới đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung vi mạch bán dẫn, sản phẩm gỗ, nhiều mặt hàng kim loại và thậm chí cả phomát. Đây là những nguyên nhân chính khiến lạm phát tăng cao hơn.
Nhưng các thị trường tài chính lo ngại rằng lý do quan trọng hơn xuất phát từ các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ liên quan đến đại dịch, dẫn đến sự phục hồi kinh tế ở các nền kinh tế tiên tiến nhanh hơn nhiều so với mức được cho là có thể xảy ra vào cuối năm 2020.
Với việc thúc đẩy chính sách kinh tế ngày càng mạnh mẽ hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử cận đại, chi tiêu có thể vượt quá khả năng cung cấp hàng hóa và dịch vụ của các nền kinh tế.
Đặc biệt nếu cuộc khủng hoảng COVID-19 và sự hỗ trợ của chính phủ khiến người dân không sẵn sàng làm việc, thì điều này sẽ gây ra tình trạng thiếu lao động và tạo áp lực đáng kể buộc các công ty phải tăng lương.
Khi đó, sẽ có khả năng mất cân bằng do nhu cầu phát triển tăng nhưng nguồn cung lại hạn chế, đặc biệt là ở Mỹ. Larry Summers, Bộ trưởng Tài chính dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, cho rằng chính sách kinh tế hiện nay đã trở nên quá lỏng lẻo và liên tục chỉ trích "sự tự mãn nguy hiểm" đối với vấn đề kiểm soát lạm phát của các nhà hoạch định chính sách đương nhiệm.
Mặc dù Nhà Trắng đã khẳng định rằng “một nền kinh tế mạnh mẽ phụ thuộc vào nền tảng vững chắc của đầu tư công và các khoản đầu tư vào người lao động, gia đình và cộng đồng trong tương lai sẽ được đền đáp,” nhưng Bộ trưởng Tài chính đương nhiệm Janet Yellen đã thừa nhận việc cần xem xét tăng lãi suất cơ bản "để đảm bảo rằng nền kinh tế của chúng ta không phát triển quá nóng."
Sự thay đổi chính sách đã đến vào thời điểm mà các nhà kinh tế thông thường chấp nhận rằng một số lực lượng lớn trên toàn cầu đang nắm giữ quyền điều khiển giá cả nhưng với sức ảnh hưởng đang ngày càng yếu hơn so với trước đây.
Trong những năm 1990 và 2000, toàn cầu hóa đã dẫn đến một sự chuyển dịch lớn trong hoạt động sản xuất từ các nền kinh tế có mức lương cao sang Trung Quốc và Đông Âu, đẩy nhanh sự suy giảm quyền lực của người lao động ở các nền kinh tế tiên tiến. Các công ty buộc người sử dụng lao động phải trả lương nhiều hơn, nhưng vẫn giữ được giá hàng hóa ở mức thấp.
Nhưng theo Charles Goodhart, cựu kinh tế trưởng của BoE và là tác giả của cuốn sách “Sự đảo ngược nhân khẩu học vĩ đại,” những lực lượng này đang ở bước ngoặt. Sự bùng nổ kéo dài về quy mô lực lượng lao động đã kết thúc và dân số thế giới đang trên đà giảm lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ.
Trong cuốn sách của mình, ông Goodhart cho rằng ít lao động mới hơn tham gia vào lực lượng lao động toàn cầu trong thời điểm lực lượng này đang bị thu hẹp ở các nền kinh tế tiên tiến, do dân số ngày càng già hơn. Điều đó sẽ làm tăng áp lực đối với các công ty, khiến họ buộc phải tăng lương, gây gia tăng áp lực lạm phát tiềm ẩn.
Ông Goodhart viết: “Sự thay đổi về áp lực nhân khẩu học đã tồn tại trong một thập kỷ và đang ngày càng gia tăng”. Cựu quan chức của BoE cảnh báo về một ngày lạm phát sắp diễn ra và thế giới có thể sẽ phải chứng kiến áp lực lạm phát gia tăng trong vòng 5 năm tới. Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi khá chắc chắn rằng nó sẽ xảy ra vào năm 2030."
Tuy nhiên, những nhận xét của ông Goodhart được đưa ra trước khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Giờ đây, ông cho rằng những áp lực cơ bản, cùng với các chính sách kích thích lớn hơn và các hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19 trong nguồn cung, đang khiến quá trình này bị đẩy nhanh.
Theo ông Goodhart, do những hạn chế về nguồn cung, lạm phát sẽ tăng nhiều hơn trong năm 2021 so với dự tính ban đầu của các ngân hàng trung ương và sẽ kéo dài hơn vào các năm 2022-2023, bởi việc tích tụ số dư tiền gửi kết hợp với động thái mở rộng tài khóa lớn hơn.
Lấy ví dụ về một số loại hàng hóa cụ thể dự kiến sẽ tăng giá, ông Goodhart lưu ý nhu cầu gia tăng cho các kỳ nghỉ lễ ở Anh sẽ đẩy giá nhà nghỉ, khách sạn và thậm chí cả món kem vào mùa Hè lên cao.
Áp lực nhân khẩu học không phải là thứ có thể đảo ngược nhanh chóng, giống như các lực lượng của toàn cầu hóa, điều mà chuyên gia Goodhart cho là đã thoái trào và trở nên không còn được ưa chuộng về mặt chính trị ở nhiều nền kinh tế tiên tiến.
Một lần nữa, điều này được thể hiện chính xác nhất ở Mỹ, nơi mà các nhà kinh tế học như Adam Posen, Chủ tịch Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, đã kêu gọi người dân “chấp nhận sự thay đổi kinh tế hơn là hoài niệm.”
Hoạt động sản xuất hàng hóa trong nước, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất chế biến, cần thay đổi để cải thiện cuộc sống và thúc đẩy tăng trưởng phi lạm phát.
Vì sao các nhà hoạch định chính sách vẫn bình tĩnh?
Mặc dù kỳ vọng của các thị trường tài chính về lạm phát đã tăng mạnh trong năm 2021, nhưng các nhà hoạch định chính sách chủ chốt vẫn tỏ ra khá bình tĩnh. Ngày càng có nhiều ý kiến trong nội bộ Fed rằng vào một thời điểm nào đó, các thành viên của Ủy ban thị trường mở Liên bang (FOMC) thuộc Fed - chịu trách nhiệm thiết lập chính sách tiền tệ, sẽ cần phải suy xét về việc thu hẹp tốc độ "bơm tiền" và mua trái phiếu chính phủ.
Nhưng quan điểm chủ đạo vẫn là lạm phát đang phục hồi về mức bình thường hơn và ngân hàng trung ương Mỹ đã cam kết giữ chính sách cực kỳ phù hợp cho đến khi nền kinh tế đạt được sự phục hồi toàn diện hơn.
Laurence Boone, nhà kinh tế trưởng của OECD tại Paris, nhận định đó là cách tiếp cận đúng đắn. Bà nói: “Còn quá sớm để gióng lên hồi chuông cảnh báo về lạm phát. Điều đó không có nghĩa là các nhà chức trách không theo dõi những gì đang xảy ra và chúng ta đang thấy những mâu thuẫn về việc mở cửa trở lại cung và cầu sau cuộc khủng hoảng..., nhưng chính sách đúng đắn hiện nay là nên giảm bớt căng thẳng về phía cung nhiều hơn là các ngân hàng trung ương hành động để dập tắt áp lực lạm phát.”
Tại hầu hết các nền kinh tế, thị trường lao động vẫn còn sự trì trệ đáng kể. Bà Boone nói thêm: “Áp lực nhân khẩu học lớn có thể được giảm bớt đáng kể nếu lùi thời điểm nghỉ hưu, trong khi các khu vực khác của châu Á và châu Phi sẽ rất vui mừng được hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, như Trung Quốc đã làm.”
Quan điểm của bà Boone vẫn đại diện cho ý kiến đồng thuận giữa các nhà kinh tế. Hầu hết các ngân hàng trung ương lớn vẫn tin tưởng rằng bất kỳ sự gia tăng lạm phát nào trong năm nay sẽ chỉ là tạm thời và dễ dàng được chế ngự mà không cần phải thắt chặt chính sách đáng kể.
Tuy nhiên, lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, có khả năng một bước ngoặt quan trọng đã đến, sự tăng giá hàng hóa trên diện rộng không chỉ là một khoảnh khắc nhất thời và có nhiều thứ đang trở nên khó kiểm soát hơn./.
Tiệm rượu với đầy đủ các lựa chọn về rượu, bia nhiều nhất tại vùng Springvale
Article sourced from VIETNAMPLUS.
Original source can be found here: http://www.vietnamplus.vn/the-gioi-se-doi-mat-voi-mot-cuoc-khung-hoang-lam-phat-moi/718952.vnp