Quân đội Mali ngăn cản hoạt động của Liên hợp quốc
Ngày 19/5, người phát ngôn của Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA) cho biết quân đội Mali đã ngăn không cho lực lượng của phái bộ tuần tra khu vực Djenné ở miền Trung nước này, một điểm nóng của bạo lực và hoạt động thánh chiến.
Hành động này là trở ngại mới nhất đối với các hoạt động của MINUSMA tại Mali, xảy ra vài tuần trước cuộc thảo luận tại Liên hợp quốc về việc gia hạn sứ mệnh của phái bộ này vào tháng 6 tới.
Những hạn chế áp đặt đối với MINUSMA từ chính quyền quân sự Mali dự kiến là một trong những nội dung của cuộc thảo luận.
Một quan chức quân sự Mali trong khu vực nói rằng sự trì hoãn nói trên do các hoạt động quân sự phát sinh và do chính bản thân MINUSMA.
Một quan chức an ninh giấu tên khác cho hay MINUSMA đã không gặp bất kỳ sự cản trở nào đối với các cuộc tuần tra ở Djenné trước khi quân đội Mali chuyển hướng sang nhờ Nga hỗ trợ trong cuộc chiến chống thánh chiến và quay lưng lại với Pháp cũng như các đồng minh châu Âu.
MINUSMA thường xuyên tiến hành các cuộc tuần tra ở Djenné hoặc ở các địa phương khác, giúp quản lý các khu chợ để người dân yên tâm với sự hiện diện của họ.
Người phát ngôn của MINUSMA Olivier Salgado nói rằng: “Thật không may, cuộc tuần tra được lên kế hoạch vào ngày 16/5 của cảnh sát Liên hợp quốc (Liên hợp quốc) đã bị từ chối với lý do các hoạt động quân sự đang được tiến hành trong khu vực.”
Khi được hỏi về khả năng có sự hiện diện của người Nga tại Djenné, ông Salgado đã nhắc lại bài phát biểu chính thức của các nhà chức trách Mali rằng họ có quan hệ hợp tác cấp nhà nước với Nga và nhận được sự hỗ trợ từ các huấn luyện viên quân sự Nga.
Pháp và các đồng minh tuyên bố rằng chính quyền Mali đã đảm bảo cho các hoạt động của Công ty quân sự tư nhân Wagner gây nhiều tranh cãi của Nga.
Việc sử dụng Wagner là một trong những lý do mà Pháp và các đồng minh đưa ra để tuyên bố rút quân khỏi Mali vào tháng 2 vừa qua, cùng với những cản trở từ phía quốc gia châu Phi này.
Ông Salgado nhấn mạnh rằng : "Chúng tôi tôn trọng chủ quyền của Mali, quốc gia có quyền tự do lựa chọn đối tác song phương. Tuy nhiên, sự hợp tác này phải cho phép chúng tôi tiếp tục các hoạt động hợp tác với quân đội Mali"./.
Article sourced from VIETNAMPLUS.
Original source can be found here: https://www.vietnamplus.vn/mali-tiep-tuc-can-tro-cac-hoat-dong-cua-lien-hop-quoc/791458.vnp