Phong thủy: Những lưu ý khi bố trí nhà vệ sinh
Trong phong thuỷ học, ngoài hệ thống cửa và nhà bếp, khu vệ sinh của một ngôi nhà chứa đựng những đặc thù riêng và không kém phần quan trọng so với các không gian chức năng khác.
Phòng vệ sinh có tầm quan trọng không kém hệ thống cửa và nhà bếp. (Ảnh minh hoạ) |
Không chỉ là nơi tập trung hệ thống cấp thoát nước, phòng vệ sinh còn đại diện cho sức khoẻ của gia chủ. Do đó, khi bài trí không gian này, gia chủ nhất định phải lưu ý những điểm sau:
Vị trí
Phong thuỷ học có câu “Thuỷ Hoả không được nằm trên đường chữ thập”, ý nói phòng vệ sinh và nhà bếp không được nằm trên 4 góc chính và 4 góc phụ của ngôi nhà, đặc biệt ở chính giữa nhà.
Nguyên nhân bởi trọng tâm của ngôi nhà là vị trí cực kỳ quan trọng, nếu bị ô nhiễm, uế khí dễ dàng lan toả đến các không gian khác. Gia đình sống trong không gian nhiều uế khí dễ phát sinh bệnh tật.
Phòng vệ sinh ở giữa nhà sẽ khó lấy được ánh sáng tự nhiên, trong khi đó không gian này vốn dĩ là nơi nhiều nước, không khí ẩm ướt nên dễ nảy sinh vi khuẩn, bất lợi cho sức khoẻ.
Kỵ đối diện cửa chính
Nên đặt phòng vệ sinh ở vị trí kín đáo, kỵ đối diện cửa chính. Nếu cửa phòng vệ sinh nằm đối diện cửa chính của ngôi nhà, gia chủ khó tích tụ tiền tài.
Cuối hành lang
Phòng vệ sinh ở cuối hành lang là một trong những điềm đại hung trong phong thuỷ. Nguyên nhân phòng vệ sinh là nơi nhiều khí ẩm và khí bẩn, nếu đặt cuối hành lang uế khí sẽ dễ men theo hành lang đến các không gian khác.
Để hạn chế khí uế lan toả, gia chủ nên bố trí phòng vệ sinh ở hai bên hành lang và tốt nhất trong phòng vệ sinh nên có cửa sổ.
Tốt nhất phòng vệ sinh nên có cửa sổ. (Ảnh minh hoạ) |
Đối diện cửa nhà bếp
Phòng vệ sinh đại diện cho Thuỷ, trong khi đó nhà bếp tương ứng với Hoả. Trong phong thuỷ học, nếu cửa phòng vệ sinh đối diện cửa nhà bếp sẽ bố cục Thuỷ Hoả bất dung, tức Thuỷ và Hoả không thể dung hoà.
Sau hoặc trên Thần vị
Nếu trong nhà có Thần vị, không nên bố trí phòng vệ sinh phía sau Thần vị. Càng không được đặt phòng vệ sinh phía trên phòng Thần vị để tránh mạo phạm thần linh.
Theo phong thuỷ học, Văn Xương (còn gọi là sao Văn Khúc), là 1 trong 28 chòm sao trên bầu trời. Chòm sao này có mối quan hệ tới con đường công danh của người đọc sách. Vị trí Văn Xương của ngôi nhà chính là phương vị của chòm sao Văn Khúc chiếu rọi.
Để Văn Xương không bị ô uế, phòng vệ sinh không được đặt ở vị trí Văn Xương của ngôi nhà. Ngoài ra, cửa phòng vệ sinh không được đối diện bàn đọc sách, két sắt của gia đình.
Màu sắc
Phòng vệ sinh đại diện cho Thuỷ nên tốt nhất lựa chọn màu trắng thuộc Kim hoặc màu đen, xanh dương thuộc Thuỷ. Những gam màu này ngoài việc làm nổi bật không gian thoáng đãng vừa giúp người sử dụng phòng vệ sinh được thư thái tinh thần.
Phòng vệ sinh trang trí gam màu đen bắt mắt. (Ảnh minh hoạ) |
Nếu sử dụng gam màu nóng, như màu đỏ đậm để trang trí phòng vệ sinh dễ gây ra Thuỷ Hoả tương xung, người sử dụng có tâm lý bực bội, ức chế.
Phương vị bồn cầu
Bồn cầu là thiết bị vệ sinh quan trọng nhất trong phòng vệ sinh, nếu bố trí không hợp lý dễ dẫn đến nhiều điều không thuận.
Bồn cầu không được nằm cùng hướng với cửa chính vì như vậy tài khí và uế khí cùng vào và cùng ra. Đây là kết cấu thoát tài như bố cục bồn cầu cùng hướng với cửa phòng vệ sinh.
Hướng tốt nhất của bồn cầu là vuông góc hoặc lệch với cửa phòng vệ sinh. Bên cạnh đó, hướng bồn cầu không được xung với vị trí giường, bếp.
Cây xanh trang trí
Phòng vệ sinh là nơi có không khí ẩm cao, sử dụng cây xanh trang trí sẽ giúp tăng thêm không khí tự nhiên. Cây xanh đặt trong phòng vệ sinh phải có đặc tính chịu ẩm cao, có thể hấp thu được khí bẩn.
Các loại cây phù hợp để bài trí trong phòng vệ sinh gồm có cây dương xỉ, đa rủ, hoàng kim cát… nếu phòng vệ sinh vừa rộng và sáng nên trồng các loại cây như phất dụ trúc, hoang chuông Ý…
Article sourced from VIETNAMNET.
Original source can be found here: https://vietnamnet.vn/vn/vn/bat-dong-san/kinh-nghiem-tu-van/nhung-sai-lam-khi-bai-tri-phong-ve-sinh-de-cuon-troi-tien-tai-697445.html