Phim Mỹ khắc họa những nỗi ám ảnh của lính Mỹ tham chiến ở Trung Đông

06:00' 10-01-2020
Dưới góc nhìn của các nhà làm phim, mọi cuộc chiến, cho dù được lấy bất kỳ danh nghĩa nào, cũng để lại sự mất mát, khủng hoảng, trống rỗng cho những người lính tham chiến. 


    Những mâu thuẫn, xung đột và can thiệp quân sự của Mỹ ở Trung Đông kéo dài, trở thành một đề tài ám ảnh ngay cả trên phim Mỹ.

    Dưới góc nhìn của các nhà làm phim, mọi cuộc chiến, cho dù được lấy bất kỳ danh nghĩa nào, cũng để lại sự mất mát, khủng hoảng, trống rỗng cho những người lính tham chiến. Bằng nhiều cách tiếp cận khác nhau, phim Mỹ đã phản ánh số phận những người lính khi tham chiến, và bi kịch của họ khi trở về.

    Phim My phan anh so phan bi tham cua linh My tham chien o Trung Dong hinh anh 1 The_Hurt_Locker8.jpg

    Cuộc chiến tranh tại Trung Đông để lại trong lòng người lính nhiều vết thương khó lành.

    Máu có thể ngừng chảy, nước mắt sẽ khô, khổ đau sẽ hóa đá nhưng những vết thương lòng, sự dằn vặt, day dứt sẽ còn lại mãi. Những bộ phim gây tiếng vang của Hollywood như The Hurt Locker, In The Valley Of Elah, Green Zone... đều góp công lớn trong việc khắc họa những nỗi ám ảnh khác nhau của người trong cuộc chiến.

    Chiến tranh như một thứ chất gây nghiện

    The Hurt Locker, tác phẩm đoạt giải Oscar năm 2008 của nữ đạo diễn Kathryn Bigelow mở đầu với câu nói “Chiến tranh là một thứ gây nghiện”. Nhân vật chính của phim là James (tài tử "Hawkeye" Jeremy Renner thủ vai), một người lính phá bom lọc lõi và đầy kinh nghiệm. Anh tỉnh táo và khôn ngoan trước mọi cạm bẫy của kẻ địch, không tiếc mình xả thân tại những nơi nguy hiểm nhất.

    Phim My phan anh so phan bi tham cua linh My tham chien o Trung Dong hinh anh 2 hurt_jeremy.png

    Những người lính tham chiến mang theo ám ảnh đến suốt đời.

    Chi tiết đắt giá nhất của phim nằm ở 20 phút cuối, khi một kẻ đánh bom liều chết Iraq tới cầu xin sự giúp đỡ của lính Mỹ để được sống sót quay về với gia đình. Tình thế rất ngặt nghèo nhưng James vẫn quyết tâm gỡ bom giúp người đàn ông này. Song, khi thời gian chỉ còn 3 giây mà vẫn còn nhiều khóa chưa mở được, James buộc phải bỏ chạy để sống sót.

    Cái chết của người đàn ông Iraq khiến James sực tỉnh. Anh nhớ ra là mình cũng có một gia đình, có người vợ và đứa con thơ dại đang đợi chờ ở hậu phương.

    Vậy nhưng khi trở về nhà, James không thể tái hòa nhập với cuộc sống bình thường. Bộ phim kết thúc khi James thú nhận với con trai rằng anh phải quay trở lại Iraq.

    Mở đầu và kết thúc của phim tạo thành một vòng tròn luẩn quẩn, khiến cho nhiều người phải thắc mắc đâu là điểm kết thúc cho tất cả tình cảnh điên rồ này của chiến tranh? Chiến tranh không giống chất gây nghiện ở khả năng mê hoặc.

    Chúng giống nhau ở chỗ đều tạo ra những cơn co giật và giằng xé trong lòng người lính, là nhát kiếm chém đứt lìa anh ta với cuộc sống thực tại, là đoạn đời mà bất kỳ ai trải qua đều mãi mãi ám ảnh, mãi mãi mất khả năng sống bình thường, mãi mãi không thể quay lại như xưa.

    Sự hủy hoại của cả một thế hệ

    Dư chấn mà các cuộc chiến tranh Trung Đông để lại cho người lính ở cả hai bên là hiển nhiên. Song, đối với những thế hệ đi trước, việc chứng kiến con em mình bị gửi đến một nơi xa xôi rồi trở lại không toàn vẹn cả về tâm hồn lẫn thể xác còn đau đớn gấp nhiều lần.

    Sau khi đoạt giải Oscar Phim hay nhất năm 2005 với đề tài nạn phân biệt chủng tộc trong Crash, đạo diễn Paul Haggis chuyển sang mảng phản chiến với In The Valley Of Elah năm 2008. Bộ phim dựa trên sự kiện có thật được ghi lại trong phóng sự “Cái chết ô danh” của nhà báo Mark Boal nhưng sửa tên nhân vật và địa điểm.

    Phim My phan anh so phan bi tham cua linh My tham chien o Trung Dong hinh anh 3 14elah_600.jpg

    Người lính già không khỏi đau xót khi nhìn thấy thế hệ con em mình đã bị chiến tranh "tàn sát" ra sao.

    Nhân vật chính của phim là ông trung sĩ già nghỉ hưu Hank Deerfield (tài tử gạo cội Tommy Lee Jones thủ vai). Nhận tin con trai sống sót trở về từ Iraq không lâu, người lính già đã phải chịu cảnh “kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh” khi thi thể của con ông được cảnh sát địa phương tìm thấy trong tình trạng bị cắt thành nhiều mảnh.

    Trong không khí thê thảm, Hank Deerfield đã nhoài ra khỏi nỗi buồn mất con để lên đường tìm kiếm sự thật đằng sau cái chết của chàng trai trẻ. Ông tìm thấy trong đống đồ đạc con để lại một chiếc điện thoại ghi lại cuộc sống của đơn vị lính Mỹ tại Iraq.

    Trong đó, hàng loạt mảnh ghép kinh hoàng của cuộc chiến đã được hé lộ. Hank Deerfield không khỏi bàng hoàng trước hình ảnh lính Mỹ tra tấn tù nhân như một thú vui tiêu khiển, nhấn ga xe tải cán chết một em bé vì sợ bị phục kích nếu dừng lại... Từ đó, chiến tranh với bộ mặt gớm guốc của nó, bộ móng vuốt và những sự thật kinh hoàng đã phơi bày trước mặt người cựu binh.

    Người đàn ông cả đời theo nghiệp lính rùng mình khi nhớ lại trước đó, con ông khi ở Iraq đã gọi điện cầu cứu ông, mong được giải thoát khỏi hiện tại điên rồ đang diễn ra xung quanh.

    Nhưng nguyên nhân đằng sau cái chết của cậu binh sĩ trẻ mới thật kinh khủng. Con của Hank không chết vì bọn buôn ma túy. Anh bị chính nhóm đồng đội cũ sát hại trong một cuộc cãi vã tầm phào. Sau những ngày tháng bị biến thành những cỗ máy giết người ở Iraq, nhóm lính đã đánh mất nhân tính, trở nên hoang mang, táo tợn và manh động, biến thành những con thú khát máu.

    Chân tướng sự việc quá đỗi nghiệt ngã khiến Hank, một người hết mực trung thành với những đường lối quân sự của Mỹ, bị vỡ mộng. Cơn bừng tỉnh của Hank khiến cho người xem không khỏi ám ảnh và đau xót trước hiện thực tàn nhẫn mà hai chữ “chiến tranh” mang lại cho con người.

    Kẻ địch ở sau lưng

    Năm 2010, đạo diễn Paul Greengrass gây chấn động dư luận khi cho ra mắt bộ phim Green Zone (ra rạp Việt Nam với tựa Bão táp sa mạc). Dựa trên cuốn sách ghi lại sự kiện có thật của nhà báo Rajiv Chandrasekaran, tác phẩm kể lại câu chuyện phía trong “vùng xanh” - khu vực 10 km vuông ở trung tâm thủ đô Baghdad, nơi an toàn dành cho các đại sứ, nhân viên ngoại giao nước ngoài sống và làm việc sau khi Mỹ đổ bộ vào Iraq.

    Phim My phan anh so phan bi tham cua linh My tham chien o Trung Dong hinh anh 4 green_zone_005.jpeg

    Phim lột tả nỗi ám ảnh, sự day dứt và cả mặc cảm sai trái dày vò binh lính Mỹ.

    Dù vậy, bên trong khu vực được gán mác “an toàn” này lại diễn ra một cuộc chiến khác. Cuộc chiến này không ồn ào, bạo liệt như ở bên ngoài nhưng lại âm ỉ và để lại dư chấn nặng nề hơn. Đó là cuộc chiến vô thanh giữa những người Mỹ chấp nhận tin vào sự dối trá và những người Mỹ muốn vạch trần sự thật.

    Nhân vật chính của phim là chuẩn úy Roy Miller do ngôi sao hạng A Matt Damon thủ vai. Anh là người đã dũng cảm theo đuổi chân tướng đằng sau cáo buộc Iraq sở hữu vũ khí hạt nhân của Mỹ vào năm 2003. Sau một tin tình báo sai lệch, Roy Miller phát hiện ra rằng không hề tồn tại “vũ khí nguy hiểm cấp độ 1” ở Iraq mà đó chỉ là cái cớ để Mỹ đổ quân vào đất nước này.

    Phân đoạn cảm xúc nhất của phim là khi người cựu binh Iraq Freddy - một người ở phía đối địch - hét lên rằng “số phận của Iraq không phải do các ông quyết định”, không lâu trước khi Mỹ dựng lên một chính phủ bù nhìn tại quốc gia dầu mỏ. Anh thay mặt những người dân Iraq vô tội để nói với binh sĩ Mỹ rằng họ chỉ muốn đất nước mình được bình an, hạnh phúc.

    Phải đến khi sự thật phũ phàng được tiết lộ, Roy Miller nhận ra trong “vùng xanh”, súng đạn không còn tác dụng, bởi “quân thù” đôi khi không đứng trước mặt mà ở ngay sau lưng, với những âm mưu, thủ đoạn mà không thứ vũ khí nào trên đời này có thể hủy diệt được.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
St Mark's Primary School Vùng: Dingley. Phone: 9551 1150
Xem thêm

Article sourced from NEWS.

Original source can be found here: http://news.zing.vn/phim-my-phan-anh-so-phan-bi-tham-cua-linh-my-tham-chien-o-trung-dong-post1034158.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ