Phép màu y học giúp 3 người bị liệt có thể đi lại, đạp xe, bơi lội chỉ trong một ngày
Cuối năm 2018, David Mzee bị liệt do chấn thương một phần tủy sống trong một tai nạn thể thao, đã có thể tự đứng dậy khỏi xe lăn và bắt đầu đi lại với sự hỗ trợ của khung tập đi.
Đây là bằng chứng đầu tiên cho thấy hệ thống được phát triển bởi Courtine & Bloch (Giáo sư Jocelyne Bloch và Giáo sư Grégoire Courtine), sử dụng kích thích điện để kích hoạt lại các tế bào thần kinh tủy sống, có thể hoạt động hiệu quả ở những bệnh nhân bị liệt do chấn thương tủy sống, và sự kiện này đã gây xôn xao khắp thế giới vào thời điểm đó.
Mới đây, nhóm nghiên cứu này đã thực hiện thử nghiệm nâng cao hơn cho ra kết quả 3 bệnh nhân liệt đã có thể tự đứng dậy, đi bộ và bơi lội. Kết quả được đăng tải trên Tạp chí Y khoa Nature Medicine, phụ bản của tờ Nature.
Giáo sư Grégoire Courtine cho biết: "Các thuật toán kích thích của chúng tôi vẫn dựa trên bản chất bắt chước, và với thiết bị cấy ghép mới được thiết kế để đặt trực tiếp vào tủy sống, chúng có thể điều chỉnh tế bào thần kinh trong các nhóm cơ cụ thể. Bằng cách điều khiển các mô cấy này, chúng tôi có thể kích hoạt tủy sống, cũng giống như bộ não sẽ cho phép bệnh nhân đứng, đi bộ, bơi lội hoặc đi xe đạp một cách tự nhiên".
Nghiên cứu bắt đầu bằng cách phẫu thuật cấy các dây dẫn mới vào tủy sống của người bị liệt, sau đó hai điều khiển từ xa nhỏ được gắn vào khung tập đi của người bị liệt và kết nối không dây với máy tính bảng, tín hiệu này sau đó được chuyển tiếp đến máy tạo nhịp tim ở bụng người bị liệt. Máy tạo nhịp tim sẽ gửi tín hiệu đến các dây dẫn tủy sống được cấy ghép để kích thích các tế bào thần kinh cụ thể cho phép người bị liệt đi lại.
"Bước đột phá của chúng tôi ở đây là cấy ghép các dây dài hơn, rộng hơn với các điện cực được sắp xếp giống hệt như các rễ thần kinh cột sống, cho phép điều khiển chính xác các tế bào thần kinh điều chỉnh các cơ cụ thể", Giáo sư Jocelyne Bloch nói.
Sau khi tủy sống cấy ghép được kích hoạt, cả ba bệnh nhân bị liệt đã có thể đứng, đi, đạp xe, bơi và điều khiển các chuyển động của thân mình trong vòng một ngày! Đó là bởi vì hệ thống có các chương trình kích thích cụ thể được lập trình cho từng loại hoạt động, bệnh nhân có thể chọn hoạt động mong muốn trên máy tính bảng, và tín hiệu tương ứng được chuyển tiếp đến máy tạo nhịp tim trong bụng.
Rõ ràng, tiến bộ mà nghiên cứu này đạt được trong một ngày là đáng kinh ngạc, và hiệu quả thậm chí còn đáng kinh ngạc hơn trong những tháng tiếp theo. Hơn nữa, bởi vì công nghệ thu nhỏ, bệnh nhân có thể được thử nghiệm không chỉ trong phòng thí nghiệm mà còn ở ngoài trời. Ba bệnh nhân thử nghiệm đã có thể lấy lại khối lượng cơ, di chuyển độc lập và tham gia các hoạt động xã hội theo quy trình kiểm tra của nghiên cứu.
Hiện nhóm nghiên cứu đang làm việc với ONWARD Medical để chuyển các kết quả nghiên cứu thành các phương pháp điều trị thực sự có thể cải thiện cuộc sống của hàng nghìn người bị bại liệt trên khắp thế giới.
Article sourced from KENH14.
Original source can be found here: http://kenh14.vn/phep-mau-y-hoc-3-nguoi-bi-liet-co-the-di-lai-dap-xe-boi-loi-chi-mot-ngay-sau-khi-dieu-tri-bang-phuong-phap-moi-20220221094900576.chn