Pháp ca ngợi thỏa thuận bồi thường của tân chính phủ Úc

13:00' 13-06-2022
Pháp nói coi trọng tình hữu nghị với Australia và thỏa thuận bồi thường giữa Australia với tập đoàn tàu ngầm Pháp sẽ cho phép hai nước hướng tới tương lai.


    "Thỏa thuận này rất quan trọng vì nó cho phép chúng tôi lật sang trang mới trong quan hệ song phương với Australia và hướng tới tương lai", Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu hôm 11/6 nói với các nhà báo bên lề Đối thoại Shangri-La ở Singapore.

    Bộ trưởng Lecornu nhấn mạnh Paris rất coi trọng "tình hữu nghị" với Australia.

    "Chỉ vì một chính phủ tiền nhiệm không giữ lời, không đồng nghĩa chúng tôi phải quên đi mối quan hệ chiến lược của mình. Australia đã có chính phủ mới và chúng tôi rất vui khi có thể làm việc với họ", ông Lecornu nhấn mạnh.

    Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore ngày 11/6. Ảnh: Reuters.

    Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore ngày 11/6. Ảnh: Reuters.

    Bình luận được đưa ra sau khi Thủ tướng Australia Anthony Albanese công bố khoản bồi thường 584 triệu USD cho tập đoàn đóng tàu ngầm Naval Group của Pháp vì hủy hợp đồng mua tàu ngầm hơn 40 tỷ USD hồi năm ngoái.

    Bộ Quốc phòng Australia năm 2016 ký hợp đồng với tập đoàn Naval Group để chế tạo 12 tàu ngầm tấn công diesel-điện thuộc biến thể Block 1A của lớp tàu ngầm Barracuda. Đây vốn là lớp tàu ngầm năng lượng hạt nhân của Pháp, nhưng được sửa đổi thành tàu ngầm thông thường để bán cho Australia.

    Hợp đồng trị giá 40 tỷ USD vào thời điểm ký, là một trong những thỏa thuận quân sự lớn nhất thế giới lúc đó. Tuy nhiên, chương trình này nhiều lần bị trì hoãn và đội vốn, khiến giới chức Australia ngày càng hoài nghi về hiệu quả của nó.

    Chính quyền thủ tướng Scott Morrison hồi tháng 9 năm ngoái tuyên bố hủy hợp đồng với Naval Group, quyết định đóng ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân nhờ công nghệ được Mỹ và Anh chuyển giao, nằm trong thỏa thuận liên minh ba bên mang tên AUKUS.

    Chính phủ Australia đưa ra quyết định này vì cho rằng lực lượng hải quân của họ cần các tàu ngầm hạt nhân có thể hoạt động dưới nước trong thời gian dài, trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc ngày càng tăng.

    Động thái đã gây căng thẳng ngoại giao hiếm thấy giữa Pháp với ba nước tham gia AUKUS. Pháp đã triệu hồi đại sứ ở Mỹ và Australia về nước để tham vấn, trong khi Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian gọi thỏa thuận của AUKUS là "cú đâm sau lưng". Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi tháng 11/2021 cũng chỉ trích ông Morrison và cho rằng Canberra đã nói dối khi hủy thỏa thuận mua tàu ngầm của Paris.

    Quan hệ song phương tiếp tục nguội lạnh cho đến tháng 5, thời điểm ông Albanese được bầu làm Thủ tướng Australia thay thế ông Morrison.

    Đối thoại Shangri-La, diễn ra từ 10/6 đến 12/6 sau hai năm bị hủy vì đại dịch Covid-19, là diễn đàn an ninh hàng đầu khu vực, có sự tham dự của các bộ trưởng quốc phòng, sĩ quan quân đội cấp cao và nhà phân tích. Diễn đàn an ninh được nối lại trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là cuộc cạnh tranh siêu cường giữa Mỹ và Trung Quốc trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, công nghệ, địa chính trị chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

     
     

     

     



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Central Skylights Vùng: Dandenong. Phone: 9999 1526
Xem thêm

Cung cấp và lắp đặt giếng trời Velux skylights, rẻ và đẹp tại Melbourne


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/phap-ca-ngoi-thoa-thuan-boi-thuong-gan-600-trieu-usd-cua-australia-4474940.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ