Phản xạ cầm nắm của bé sơ sinh
Với bất cứ người mẹ nào, cảm giác được nắm bàn tay bé xíu của con mới sinh giúp xua tan tất cả đau đớn, mệt mỏi. Thế nhưng có không ít mẹ thắc mắc vì sao trẻ sơ sinh có thể nắm tay chặt đến thế. Đối với trẻ sơ sinh thì tháng đầu tiên sau khi chào đời là quãng thời gian bé khá yếu ớt và mỏng manh. Chính vì thế các cử động của bé thường chỉ là theo phản xạ, trong đó phản xạ cầm nắm có nguồn gốc nguyên thủy khá thú vị và ảnh hưởng đến sự phát triển sau này của trẻ.
Nhiều cha mẹ đã biết trong tháng đầu sau sinh, các bé có thể có những phản xạ như tìm vú mẹ, phản xạ nắm bắt, phản xạ mút… nhưng ít ai để ý đến phản xạ cầm nắm của bé (Ảnh minh họa)
Phản xạ cầm nắm (Grasp Reflex) còn có tên phản xạ nắm bàn tay (Palmar grasp reflex), tức là khi cha mẹ chạm ngón tay mình vào lòng bàn tay bé, bé sẽ nắm chặt bàn tay lại. Phản xạ co quắp ngón chân (Plantar grasp reflex) tương tự, khi cha mẹ chạm ngón tay mình vào lòng bàn chân bé, bé sẽ co quắp các ngón chân lại. Phản xạ cầm nắm, co quắp cũng chính là dấu hiệu cho thấy hệ thống thần kinh của bé đang phát triển và hoạt động tốt.
Cơ chế của phản xạ này đó là khi cha mẹ đặt đồ vật hoặc chạm ngón tay mình vào lòng bàn tay bé, các ngón tay của bé (không bao gồm ngón cái) thu lại phía lòng bàn tay với nỗ lực để chộp, túm lấy đối tượng vừa gây kích thích các dây thần kinh trong lòng bàn tay của bé.
Tuy nhiên mẹ cần lưu ý cho dù bé có nắm chặt đến đâu thì mẹ cũng không nên kéo bé nhổm dậy bằng cách để bé níu tay mẹ vì bé còn đang rất mỏng manh và có thể thả tay ra bất cứ lúc nào.
Phản xạ nắm bàn tay là phản xạ nguyên phát, xuất hiện từ khi thai nhỉ được 12 tuần tuổi cho đến khi bé mới sinh và kéo dài đến lúc 2 tháng tuổi. Tuy nhiên, giai đoạn này phản xạ cầm nắm của bé đơn thuần chỉ là phản xạ trong vô thức. Từ tháng thứ 3 trở đi, mẹ sẽ thấy bé chủ động hơn trong thao tác cầm nắm. Từ tháng thứ 4, bé cầm nắm có chủ ý hơn và bé có thể hướng hành động của mình cụ thể về phía các đối tượng.
Phản xạ cầm nắm là phản xạ nguyên thủy có nguồn gốc từ loài linh trưởng xưa kia. Nhờ có phản xạ này mà linh trưởng con mới có thể bám chặt vào lông của linh trưởng mẹ để được che chở hoàn hảo hơn mỗi khi mẹ chúng di chuyển. Phản xạ này ở bé cũng chính là biểu hiện tìm kiếm sự an toàn nên cha mẹ có thể giúp con ổn định tâm lý hơn bằng cách cho bé cầm tay.
Các ngón chân cũng có phản xạ co quắp khi gặp kích thích (Ảnh minh họa)
Phản xạ này cũng xảy ra ở các ngón chân. Nếu để ý, cha mẹ sẽ thấy em bé của mình cũng có phản xạ co quắp ngón chân. Điều này được lý giải khi nhìn hành động quắp chân của khỉ con trong khi khỉ mẹ đang cố tìm kiếm thức ăn, lúc này khỉ con sẽ dùng cả tay và chân quặp chặt lấy khỉ mẹ.
Phản xạ cầm nắm cũng liên quan mật thiết đến các động tác mút của bé, chẳng hạn như khi bé bú. Tay và miệng được liên kết với nhau, khi miệng bé mở ra để bú mẹ thì lòng bàn tay được kích thích và bám chặt lấy bầu ngực mẹ.
Phản xạ nắm bắt cũng trở thành nền tảng cho sự phát triển các kỹ năng vận động tinh liên quan đến khả năng điều khiển bàn tay và các ngón tay của trẻ sau này, và cuối cùng là khả năng cầm bút chì và viết bằng tay. Đó là lí do vì sao mẹ thấy bé sơ sinh có thể nắm chặt tay và hoàn toàn yên tâm vì đó là dấu hiệu chứng tỏ sức khỏe của bé đang khá tốt các mẹ nhé.
Xem thêm
Article sourced from AFAMILY.
Original source can be found here: http://afamily.vn/me-nao-thac-mac-vi-sao-tre-so-sinh-co-the-nam-tay-chat-den-the-thi-day-la-cau-tra-loi-20191217210134549.chn