Ông Macron muốn gì ở ý tưởng đưa quân sang Ukraina?

12:00' 01-03-2024
Gây chú ý với ý tưởng triển khai binh sĩ phương Tây tới Ukraine, ông Macron dường như muốn ghi điểm chính trị và thể hiện sức mạnh tập thể của NATO.


    Trong bối cảnh quân đội Ukraine liên tiếp hứng chịu thất bại trên chiến trường, các lãnh đạo NATO và Liên minh châu Âu (EU) đang đối mặt những cuộc tranh luận gay gắt về cách hỗ trợ tốt nhất cho Kiev. Ngay cả ý tưởng triển khai quân tới Ukraine, điều từng được xem là phương án cấm kỵ, giờ đây cũng được đề cập.

    Tại cuộc họp ở Paris ngày 26/2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết các lãnh đạo châu Âu "chưa đạt sự đồng thuận về việc đưa quân vào cuộc xung đột ở Ukraine", song thêm rằng "không nên loại trừ bất kỳ điều gì" và khẳng định phương Tây sẽ làm mọi thứ cần thiết để ngăn Nga chiến thắng.

    Từ chối nêu cụ thể quốc gia nào đang cân nhắc phương án điều quân đến Ukraine, ông Macron cho biết muốn giữ "tính mập mờ chiến lược" liên quan tới chủ đề nhạy cảm này. Tuy nhiên, điều đó dường như khiến nhiều đồng minh phương Tây khó chịu.

    Mỹ, Đức, Anh, Ba Lan, Cộng hòa Czech và nhiều nước châu Âu khác tuyên bố không có kế hoạch gửi quân tới Ukraine. Lãnh đạo các nước này cho biết họ không muốn lực lượng của mình tham gia trực tiếp vào cuộc chiến, cũng như không muốn đụng độ trực tiếp với Nga, quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.

    Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại Điện Elysee ở thủ đô Paris ngày 26/2. Ảnh: AFP

    Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại Điện Elysee ở thủ đô Paris ngày 26/2. Ảnh: AFP

    Một ngày sau phát biểu của ông Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố nước này phản đối bất kỳ ý tưởng triển khai quân nào tới Ukraine.

    "Tại Paris hôm qua, chúng tôi nhất trí rằng mọi người cần làm nhiều hơn để giúp Ukraine. Kiev cần vũ khí, đạn dược và khả năng phòng không. Chúng tôi đang cố gắng giải quyết những vấn đề đó. Song rõ ràng là sẽ không chuyện gửi quân đội của các nước châu Âu hoặc NATO tới nước này", ông Scholz viết trên mạng xã hội.

    Các nhà bình luận của Reuters cho rằng bình luận của ông Macron phù hợp với hình ảnh người thích phá vỡ những điều cấm kỵ và quy tắc thông thường. Bằng cách từ chối loại trừ khả năng đưa quân tới Ukraine, Tổng thống Pháp đã thách thức quan điểm phổ biến rằng động thái như vậy sẽ làm leo thang nghiêm trọng nguy cơ nổ ra xung đột toàn diện giữa NATO và Nga, kịch bản có thể châm ngòi Thế chiến III và đẩy nhân loại vào cảnh hủy diệt.

    Khi nỗ lực hỗ trợ Ukraine của Mỹ vấp nhiều trở ngại từ quốc hội nước này, giới quan sát cho rằng ông Macron đang cố gắng lấp đầy khoảng trống lãnh đạo mà Washington để lại và cảnh báo Nga về sức mạnh tập thể của liên minh phương Tây.

    Hội nghị các lãnh đạo châu Âu tại Paris tạo cơ hội để ông Macron thể hiện hình ảnh là một chính trị gia mạnh mẽ và có quan điểm cứng rắn với Nga. Bằng cách nêu ý tưởng về biện pháp quân sự trực tiếp ở Ukraine, Tổng thống Pháp dường như muốn thúc đẩy lời kêu gọi châu Âu tăng cường năng lực quốc phòng của mình, cũng như chấm dứt cái mà ông gọi là "sự phụ thuộc nguy hiểm" vào chiếc ô an ninh của Mỹ.

    Macron cho rằng châu Âu đã nhiều lần vượt qua những điều cấm kỵ về hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Khi chiến sự mới nổ ra, nhiều nước châu Âu cho rằng chỉ nên chuyển "túi ngủ và mũ sắt" cho Ukraine, nhưng sau đó đã thay đổi quan điểm.

    Đức đã chuyển cho Ukraine xe tăng, thiết giáp, trong khi Anh, Pháp cung cấp tên lửa tầm xa, những vũ khí họ từng cho rằng sẽ chọc giận Nga và khiến chiến sự vượt tầm kiểm soát. Tổng thống Macron dường như tin rằng việc nêu ý tưởng đưa quân tới Ukraine sẽ là cách "vượt lằn ranh đỏ" khác của châu Âu.

    Tuy nhiên, cách "ghi điểm chính trị" này của Tổng thống Pháp đang phản tác dụng, theo Jana Puglierin, nhà nghiên cứu chính sách tại tổ chức Hội đồng Đối ngoại châu Âu (ECFR) ở Đức.

    Ý tưởng của ông Macron "gây ra chia rẽ không cần thiết đối với NATO, khi những thành viên liên minh vốn hoài nghi về ý tưởng này. Đây không phải là cách thúc đẩy đoàn kết và sức mạnh của châu Âu", Puglierin nhận định.

    Các quan chức Pháp sau đó đã lên tiếng giải thích rằng ông Macron chỉ muốn thúc đẩy tranh luận và ý tưởng được nêu ra không liên quan tới binh sĩ thực hiện nhiệm vụ chiến đấu.

    "Chúng tôi phải cân nhắc tất cả các hành động mới để hỗ trợ Ukraine. Những điều này phải đáp ứng các nhu cầu rất cụ thể, như rà phá bom mìn, bảo vệ an ninh mạng, sản xuất vũ khí tại chỗ trên lãnh thổ Ukraine", Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne nói.

    Cho đến nay, NATO chỉ giới hạn hỗ trợ Ukraine trong việc giúp huấn luyện lực lượng quân sự và cung cấp một số loại vũ khí nhất định. Các quốc gia thành viên liên minh lo ngại đối đầu trực tiếp với lực lượng Nga ở Ukraine sẽ tiềm ẩn nguy cơ leo thang lớn. Tổng thống Vladimir Putin và các bộ trưởng Nga thường xuyên cảnh báo về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp xảy ra xung đột lớn hơn.

    Điện Kremlin cũng cảnh báo động thái điều quân tới Ukraine sẽ khiến xung đột trực tiếp giữa NATO và Nga trở thành điều "không thể tránh khỏi". Đây là kịch bản mà nhiều nước phương Tây luôn tìm cách tránh.

    Tướng Onno Eichelsheim, sĩ quan quân đội hàng đầu của Hà Lan, cho rằng khi đề cập tới vấn đề gửi quân tới Ukraine, ông Macron có thể chỉ muốn nói rõ với lãnh đạo Nga rằng liên minh phương Tây sẽ không bỏ qua bất kỳ lựa chọn nào. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định ý tưởng này là điều xa vời và "tôi không nghĩ các nước NATO sẵn sàng làm điều đó".

    Binh sĩ Ukraine khai hỏa vào vị trí chiến đấu của Nga tại Bakhmut, tỉnh miền đông Donetsk, ngày 22/2. Ảnh: AFP

    Binh sĩ Ukraine khai hỏa vào vị trí chiến đấu của Nga tại Bakhmut, tỉnh miền đông Donetsk, ngày 22/2. Ảnh: AFP

    Cựu chỉ huy Lực lượng Phòng vệ Estonia (EDF) Riho Terras cho rằng phát biểu mới của Tổng thống Macron không thực tế và dường như chỉ muốn thể hiện bản thân là lãnh đạo châu Âu dũng cảm, trái ngược với sự thận trọng của Thủ tướng Đức.

    "Chúng ta cần xem xét khả năng ông Macron nói như vậy vì biết rõ rằng ông Scholz sẽ không thể thuyết phục cử tri Đức và sẽ phản đối ý tưởng", Terras nói. Trong bối cảnh đó, ông Macron nổi lên "như một hiệp sĩ dũng cảm nhưng bị Đức cản trở làm những điều tốt đẹp cho Ukraine".

    Ông Terras thêm rằng thực tế Đức là nước đóng góp hỗ trợ đáng kể và trở thành nước ủng hộ Ukraine lớn thứ hai sau Mỹ, trong khi Pháp dường như chủ yếu hỗ trợ Ukraine bằng lời nói thay vì hành động. Mỹ cho đến nay đã cam kết viện trợ song phương cho Ukraine lên tới hơn 75 tỷ USD, trong khi Đức là hơn 24 tỷ USD và Pháp khoảng 2 tỷ USD, theo US News.

    "Bởi vậy, tôi không tin vào những lời hô hào đó", ông nói.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Năng lượng mặt trời?
Intelligent Solar & Energy Solutions Pty Ltd Vùng: Clayton South. Phone: 1300 616 126
Xem thêm

Cung cấp hệ thống năng lượng mặt trời thương mại với giá thấp nhất trên toàn nước Úc


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/tinh-toan-cua-ong-macron-khi-neu-y-tuong-dieu-quan-toi-ukraine-4716105.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ