Nữ y tá Úc chia sẻ 4 giai đoạn virus corona tấn công cơ thể

15:00' 20-09-2021
Khi y tá Anne Elliott, người Australia, chuyển đến Anh vào năm 2019, cô dự định sẽ trải nghiệm và tận hưởng cuộc sống trước khi trở lại quê hương để ổn định sự nghiệp.


    Elliott nhận công việc chăm sóc bệnh nhân nặng và nguy kịch tại Bệnh viện Chelsea - Westminster ở London. Vài tháng sau, Covid-19 bắt đầu lan rộng. Khi làn sóng lây nhiễm đầu tiên tràn vào nước Anh, Elliot là nhân viên thuộc lực lượng tuyến đầu.

    "Chúng tôi hoàn toàn choáng ngợp trước quy mô của dịch", cô nói.

    Theo Elliot, số bệnh nhân nhập viện nhiều đến nỗi không đủ giường bệnh, nhân viên y tế không đủ đồ bảo hộ. Tại Bệnh viện Chelsea - Westminster, các bác sĩ buộc phải lựa chọn bệnh nhân nào sẽ được đặt máy thở và được chăm sóc hồi sức tích cực. Do tình trạng quá tải, nguồn lực cạn kiệt, nhiều trường hợp không được chữa trị kịp thời. Cô chia sẻ: "Có hai bệnh nhân bằng tuổi nhưng một người có tiền sử bệnh tật và bạn sẽ phải nghĩ xem ai có cơ hội sống cao hơn?".

    9 tháng sau, Elliott phải tự đặt hơn 50 thi thể người bệnh vào túi đựng xác. "Số người chết đó chỉ là ở ca trực của một y tá như tôi. Điều này thực sự rất khó khăn", cô run rẩy nhớ lại.

    Anne Elliott (trái) cùng đồng nghiệp tại Bệnh viện Chelsea và Westminster ở London. Ảnh: ABC News

    Anne Elliott (trái) cùng đồng nghiệp tại Bệnh viện Chelsea - Westminster ở London. Ảnh: ABC News

    Một trong những bệnh nhân đặc biệt là một người đàn ông bằng tuổi Elliott. Người này không có tiền sử bệnh, nhưng anh mắc Covid-19 rất nặng và ngừng tim sau thời gian ngắn. Chứng kiến tất cả những thảm kịch này khiến nữ y tá cũng như nhiều nhân viên y tế khác mắc chứng rối loạn căng thẳng.

    Giờ đây, khi đã trở về Australia, Elliot muốn chia sẻ kinh nghiệm của mình. Cô và bác sĩ Stephen Parnis, một chuyên gia y tế ở Melbourne từng điều trị cho bệnh nhân Covid-19, cùng mô tả cơ chế gây bệnh của nCoV và giải thích nguyên nhân Covid-19 có thể gây tử vong nhanh chóng.

    Cô nói: "Tôi nghĩ điều quan trọng là phải kể câu chuyện của mình bởi vì nó hoàn toàn không thể tưởng tượng được (đối với người dân Australia). nCoV có thể ảnh hưởng đến mọi người theo nhiều cách khác nhau, chúng không phân biệt già hay trẻ, nam hay nữ...".

    Giai đoạn một: Virus nhân lên

    Sau khi virus đi vào cơ thể qua đường hô hấp, chúng dễ dàng xâm nhập vào tế bào nhờ các thụ thể trong mũi và miệng. Khi vào được bên trong, chúng bắt đầu nhân lên với tốc độ nhanh hơn.

    Trong vòng vài ngày, virus bắt đầu ảnh hưởng đến hoạt động của cơ thể, làm xuất hiện các triệu chứng như đau họng, đau đầu hoặc mất khứu giác, vị giác. Lúc này, hệ miễn dịch sẽ hoạt động mạnh để tiêu diệt các tế bào chứa virus trước khi chúng lan rộng hơn.

    Phản ứng miễn dịch sẽ bắt đầu sớm hơn, mạnh hơn và hiệu quả hơn ở người đã được tiêm ngừa, ngăn Covid-19 phát triển trước khi các triệu chứng đáng chú ý xuất hiện. Ở người chưa tiêm phòng, hệ miễn dịch sẽ không nhận diện virus ngay và có thể mất thời gian để học cách chống lại virus.

    Parnis ước tính rằng khoảng 80% bệnh nhân có phản ứng miễn dịch đủ hiệu quả để ngăn chặn và tiêu diệt virus. Vậy 20% người còn lại thì sao?

    Giai đoạn hai: Tấn công phổi

    Nếu hệ miễn dịch không phản ứng kịp thời, virus sẽ bắt đầu lan xuống khí quản và đến phổi, lây nhiễm ngày càng nhiều tế bào. Nó tiếp tục đi qua các nhánh của phổi đến các túi khí, được gọi là phế nang, nằm ở cuối các nhánh. Lúc này, bệnh bắt đầu trở nên nghiêm trọng.

    Trong cơ thể người khỏe mạnh, các phế nang cho phép oxy qua phổi đi vào máu. Từ đó các tế bào hồng cầu trong mao mạch cung cấp oxy qua hệ thống mạch máu trên khắp cơ thể.

    "Chúng tôi cho rằng virus thường lây lan trong cơ thể qua đường tuần hoàn và cơ chế gây tổn thương chủ yếu là thông qua các mạch máu, gây viêm mạch", Parnis nói, đề cập đến tình trạng viêm làm tổn thương mạch máu.

    Khi một người mắc Covid-19, hệ miễn dịch sẽ gửi các tế bào bạch cầu để tấn công virus. Chúng giải phóng các phân tử gây viêm có thể tiêu diệt virus. Mặt khác, việc này để lại chất lỏng và mủ làm tắc nghẽn phổi, làm gián đoạn quá trình vận chuyển oxy.

    Bác sĩ Parnis nói: "Nếu bạn bị viêm phổi hoặc viêm mạch máu lan rộng, những mạch máu này sẽ làm tắc nghẽn các túi khí và đường thở. Chúng bị tắc do chất nhầy như một phần của quá trình viêm, có thể gây ra đông máu".

    Parnis nhận thấy bệnh nhân đến khoa cấp cứu có triệu chứng khó thở và thở nhanh khi cơ thể cố gắng cung cấp thêm oxy. Giai đoạn bệnh này đánh dấu một bước ngoặt khác: bệnh nhân Covid-19 có thể phản ứng theo một trong hai cách.

    Một số tiếp tục chiến đấu với virus. Theo đó, hệ miễn dịch được kích hoạt và bệnh nhân có thể được hỗ trợ thở khí dung hoặc dùng thuốc steroid như dexamethasone giúp giảm tình trạng viêm, theo ông Parnis.

    Nhưng những bệnh nhân khác không may mắn như vậy. Nhiễm trùng có thể dẫn đến hội chứng suy hô hấp cấp tính, làm giảm nồng độ oxy máu. Người bệnh khó thở do oxy trong máu giảm mạnh, khiến tinh thần lú lẫn, mê sảng.

    Độ bão hòa oxy của người khỏe mạnh ở khoảng trên 95%, còn ở bệnh nhân Covid-19 có thể chỉ 60%. Ông Parnis nhận định: "Tim của người bệnh có thể sẽ đập nhanh. Ở mức oxy đó, họ đối mặt với rắc rối lớn, có thể bị ngừng tim nếu không thể tăng nồng độ oxy".

    Đó là một kịch bản quen thuộc đối với Elliott. Cô nhớ lại: "Tôi từng chứng kiến những người đến phòng ICU trong tình trạng thiếu oxy. Họ khá kích động, cố gắng xé toạc mọi thứ, thở gấp nhưng vẫn không thể nhận đủ không khí".

    Nếu chụp X-quang phổi của bệnh nhân Covid-19 vào giai đoạn này, bạn sẽ thấy những mảng màu trắng đặc ở nơi không khí vốn thường được hiển thị bằng màu đen trên phim.

    Những mảng trắng đó chất lỏng, mủ, chất nhầy và các tế bào chết, làm suy giảm chức năng phổi và cản trở quá trình hô hấp, vận chuyển oxy. Thông thường, các lông mao có nhiệm vụ loại bỏ các chất nhầy, nhưng ở bệnh nhân Covid-19, lông mao bị virus tấn công và vô hiệu hóa.

    Tại thời điểm này, các bác sĩ cấp cứu hoặc y tá ICU như Parnis và Elliott sẽ đề nghị bệnh nhân thở máy hoặc đặt nội khí quản. Đến đây, tương lai của người bệnh trở nên khó đoán.

    Elliott từng gọi cho người nhà để nói chuyện với bệnh nhân, trước khi họ được đặt nội khí quản. Đó có thể là lần cuối cùng họ được trò chuyện như vậy, tùy thuộc vào tình trạng bệnh.

    Ông Parnis cho biết bệnh nhân được đặt nội khí quản sẽ nằm sấp nhằm cải thiện lưu thông không khí. Theo Elliott, họ cũng được dùng thuốc an thần nặng và hôn mê để ngăn phản xạ tự nhiên của cơ thể. "Việc điều trị quá khó chịu. Nếu không dùng thuốc, bệnh nhân sẽ không chịu được", cô nói.

    Trong khi đó, virus vẫn tiếp tục cuộc càn quét qua các tế bào của cơ thể. Điều tồi tệ nhất vẫn chưa kết thúc.

    Giai đoạn ba: Các cơ quan quan trọng bị ảnh hưởng

    Bên cạnh phổi, phần còn lại của cơ thể bị thiếu oxy, cũng bắt đầu xấu đi. Gan, tim, thận và ruột đặc biệt dễ tổn thương. Vai trò quan trọng của chúng trong nhiều hoạt động duy trì sự sống sẽ bị gián đoạn.

    Nhiều bệnh nhân bị tiêu chảy từng cơn do virus xâm nhập vào các tế bào đường ruột gây viêm. Niêm mạc ruột bị tổn thương có thể tạo điều kiện cho các mầm bệnh đường ruột thoát vào khoang bụng và sinh sôi. Cơ thể đang tự đầu độc chính mình.

    Khoa chăm sóc đặc biệt tại Trung tâm Y tế St. Lukes Boise ở Boise, bang Idaho hôm 31/8. Ảnh: AP.

    Khoa chăm sóc đặc biệt tại Trung tâm Y tế St. Luke's Boise ở Boise, bang Idaho hôm 31/8. Ảnh: AP.

    Giai đoạn bốn: Cuộc đấu tranh cuối cùng

    Hệ miễn dịch gia tăng phản ứng trong một nỗ lực tuyệt vọng để tiêu diệt virus. Song, nỗ lực này lại tạo ra cơn bão cytokine - hiện tượng hệ miễn dịch tấn công bất cứ thứ gì trong cơn tuyệt vọng, kể cả các mô khỏe mạnh cũng như virus.

    Điều này có thể khiến huyết áp giảm mạnh và các mạch máu bị "rò rỉ". Cục máu đông có thể hình thành cùng với tình trạng sốt cao. Tính axit trong máu tăng lên, chất lỏng tích tụ nhiều hơn trong phổi và làm cho tình trạng thiếu oxy càng trở nên trầm trọng.

    Trong giai đoạn này, bệnh nhân thường được chẩn đoán mắc chứng viêm não gây nhầm lẫn, co giật và đột quỵ. Tình trạng viêm tương tự cũng xảy ra ở tim, làm tăng tỷ lệ hình thành máu đông và đau tim.

    Ở giai đoạn này, các cơ quan bắt đầu suy nhược nghiêm trọng, có thể dẫn đến tử vong. Bước ngoặt này có thể xảy ra chỉ sau một đêm.

    Elliott nói: "Họ trông có vẻ vẫn ổn nhưng ngay hôm sau có thể bị ngừng tim, hoặc suy thận nghiêm trọng. Phổi của họ có thể không thu nạp được oxy và không có cách nào để cơ thể sửa chữa những gì đang xảy ra".

    Theo ông Parnis, bệnh nhân Covid-19 điều trị tại ICU ở Australia có tỷ lệ sống sót tương đối tốt, khoảng 80% (so với 50% ở các nước khác). Tuy nhiên, ông cảnh báo: "Càng có nhiều áp lực lên hệ thống y tế, càng nhiều khả năng những con số này sẽ giảm đi".



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Article sourced from vnexpress.net.


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ