Những 'thành trì' ủng hộ Ukraine đang xuất hiện nhiều vết rạn
Kể từ khi xung đột Gaza bùng phát hồi tháng 10 năm ngoái, gần như mọi sự chú ý của phương Tây đã dịch chuyển từ Đông Âu sang Trung Đông. Sự chú ý đó càng tăng lên sau khi lực lượng Mỹ và Anh tập kích nhóm Houthi ở Yemen, nhằm đáp trả các cuộc tấn công của lực lượng này vào tàu hàng ở Biển Đỏ.
Trong khi xung đột ở Trung Đông leo thang, cuộc chiến của Ukraine để đẩy lùi lực lượng Nga khỏi lãnh thổ đang sa lầy và trước mắt không có dấu hiệu tiến triển.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói Moskva vẫn duy trì các mục tiêu đã đặt ra với chiến dịch ở Ukraine, gồm "phi phát xít hóa, phi quân sự hóa và đảm bảo tình trạng trung lập của Ukraine", điều mà Kiev kiên quyết bác bỏ.
Ông Putin cũng nhiều lần khẳng định Nga sẵn sàng đàm phán với Ukraine, Mỹ và châu Âu về tương lai của Kiev, dựa trên lợi ích quốc gia của Moskva. Tuy nhiên, Nga gần đây tăng cường tập kích vào các thành phố của Ukraine trong mùa đông và dường như không quan tâm đến việc sớm kết thúc chiến sự.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) trong cuộc họp báo với Tổng thống Estonia Alar Karis tại Tallinn, Estonia ngày 11/1. Ảnh: AFP
Giới lãnh đạo Ukraine không chấp nhận các cuộc đàm phán có thể buộc họ phải nhượng bộ lãnh thổ cho Nga, ngay cả khi sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Kiev ngày càng đối mặt với nhiều trở ngại chính trị. Nga hiện kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ của Ukraine, theo WSJ.
Tình hình trở nên khó khăn với Ukraine sau khi chiến dịch phản công được kỳ vọng bắt đầu vào mùa hè năm ngoái lâm vào bế tắc. Nga đã chống đỡ thành công các cuộc phản công của Ukraine và gần đây chiếm thế chủ động trên chiến trường, dù lực lượng của họ cũng gặp nhiều khó khăn.
Bên ngoài Ukraine, thành trì ủng hộ dành cho Kiev đang xuất hiện nhiều vết rạn. Đề xuất viện trợ bổ sung 60 tỷ USD của Tổng thống Joe Biden cho Ukraine đang bị mắc kẹt ở quốc hội Mỹ. Các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cũng chưa thể thúc đẩy gói tài chính hơn 50 tỷ USD hỗ trợ Ukraine trong 4 năm tới, sau khi Hungary phủ quyết kế hoạch tháng trước.
Song Kiev và một số đồng minh nhiệt thành nhất đang cố gắng duy trì và củng cố nền tảng ủng hộ của phương Tây.
Ngày 14/1, Ukraine tiếp tục nhóm họp cùng các nước đang phát triển và đồng minh phương Tây ở Davos, Thụy Sĩ để thảo luận về một kết quả công bằng và lâu dài cho cuộc chiến. Kiev coi cuộc họp này là rất quan trọng để củng cố nền tảng ủng hộ quốc tế và tăng cường áp lực lên Điện Kremlin.
Bên cạnh một số đồng minh dao động, Ukraine vẫn nhận được nhiều hỗ trợ từ các lãnh đạo châu Âu. Thủ tướng Anh Rishi Sunak ngày 12/1 thăm Kiev và thông báo cam kết viện trợ mới trị giá 3 tỷ USD, nhiều hơn một chút so với mức Anh đưa ra trong hai năm trước đó. Tân Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne tới Ukraine một ngày sau đó trong chuyến công du đầu tiên của ông.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 8/1 chỉ trích phần lớn quốc gia trong EU không cung cấp đủ vũ khí cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga. Ông nhấn mạnh châu Âu cần phải tăng cường viện trợ cho Kiev, đồng thời tái khẳng định chính phủ Đức sẽ hỗ trợ Ukraine tới cùng.
Đức hiện là một trong những nhà viện trợ tài chính và vũ khí hàng đầu cho Ukraine. Cuối năm ngoái, Berlin nhất trí tăng gấp đôi viện trợ quân sự cho Kiev vào năm 2024 lên 8,8 tỷ USD. Ông Scholz tin rằng EU cuối cùng sẽ thông qua gói viện trợ hơn 50 tỷ USD cho Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh của khối vào ngày 1/2.
Tuy nhiên, đó chỉ là vài điểm sáng le lói trong bức tranh ngày càng ảm đạm của Ukraine. Thất bại trong cuộc phản công mùa hè năm ngoái đã làm phức tạp thêm nỗ lực vận ủng hộ trong nước của các lãnh đạo phương Tây.
Trong năm đầu xung đột, các lãnh đạo phương Tây có thể dễ dàng thuyết phục dư luận nước mình về nỗ lực "đánh bại" Nga, nhưng giờ đây, cuộc tranh luận xoay quanh những mối đe dọa nếu Nga chiến thắng, theo Janis Kluge, nhà nghiên cứu tại Viện Các vấn đề an ninh và quốc tế Đức.
"Nó khó khăn hơn nhiều vì lập luận của các lãnh đạo phương Tây hiện nay chủ yếu dựa vào nỗi sợ hoặc nguy cơ, thay vì gợi cảm hứng về thành tựu hay chiến thắng. Do đó, theo thời gian, thuyết phục công chúng ủng hộ Ukraine càng trở nên khó khăn hơn", Kluge nói.
Các nhà ngoại giao tham gia cuộc họp cuối tuần qua nhận định Ukraine có rất ít cơ hội để thay đổi lập trường của các nước trung lập lớn như Ấn Độ, Indonesia hay Arab Saudi. Nam Phi và Brazil tiếp tục theo đuổi mối quan hệ kinh tế và ngoại giao với Nga.
Động lực cho các cuộc thảo luận về hòa bình của Ukraine đã suy yếu khi thế giới tập trung cho xung đột Israel - Hamas và Mỹ đối mặt với chỉ trích quốc tế ngày càng tăng vì ủng hộ chiến dịch của Israel ở Gaza. Cuộc xung đột đã khiến gần 24.000 người thiệt mạng ở Gaza.
Ukraine hy vọng sử dụng các cuộc thảo luận như vậy để thu hút ủng hộ đối với yêu cầu ngừng giao tranh, buộc Nga phải rút tất cả lực lượng họ đang kiểm soát ở Ukraine, trước khi ngồi vào bàn đàm phán hòa bình.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kiev hồi tháng 9/2023. Ảnh: AFP
Nhiều quốc gia tham dự cuộc thảo luận để bày tỏ ủng hộ lối thoát hòa bình cho xung đột, theo giới quan sát. Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto tuần trước cho biết đã đến lúc phải đàm phán nghiêm túc về chấm dứt xung đột.
Tuy nhiên, Ukraine, phần lớn châu Âu và nhiều quan chức Mỹ không tin Nga sẽ nghiêm túc với các cuộc đàm phán ngừng bắn. Tuần trước, ông Zelensky nói lệnh ngừng bắn chỉ giúp Nga có thêm thời gian củng cố lực lượng và vũ khí.
Giới quan sát nhận định Tổng thống Vladimir Putin sẽ khó có thể chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine trước khi kết quả bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 ngã ngũ.
Nếu ông Donald Trump giành chiến thắng và tái đắc cử, đó nhiều khả năng sẽ là một cú huých cho Nga. Ông Trump nhiều lần tuyên bố muốn nhanh chóng chấm dứt xung đột Ukraine, và Tổng thống Zelensky đã bày tỏ lo ngại rằng Trump sẽ làm điều đó bằng cách ép Kiev chấp nhận các điều kiện đàm phán bất lợi với Moskva.
Mỹ là quốc gia viện trợ hàng đầu cho Ukraine và nếu Mỹ rút lui, khó có quốc gia nào khác có thể bù đắp khoảng trống, theo Viện Kiel ở Đức. Các nhà phân tích cảnh báo bất kỳ sự suy giảm nào trong viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine cũng sẽ làm tê liệt nỗ lực chiến đấu của Kiev.
Tuần trước, ông Zelensky tới thăm 3 nước vùng Baltic gồm Litva, Estonia và Latvia. Chuyến công du được cho nhằm củng cố nền tảng ủng hộ của các đồng minh, kêu gọi viện trợ thêm hệ thống phòng không cho Ukraine.
Khi phát biểu tại Estonia ngày 11/1, ông Zelensky thừa nhận "cuộc chiến kéo dài" không tốt cho Ukraine. "Chúng tôi phản đối cuộc chiến này từ đầu và vẫn giữ quan điểm này đến cùng", ông nói.
Tuy nhiên, ông khẳng định ngừng bắn sẽ chỉ có lợi cho Nga và sự do dự viện trợ của phương Tây sẽ khuyến khích Nga tiếp tục cuộc chiến.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/ukraine-chat-vat-niu-giu-dong-minh-phuong-tay-4700739.html