Những tấn bi kịch đằng sau cách nuôi dạy con của cha mẹ
Bất cứ người cha, người mẹ nào cũng đều cố gắng làm những điều tốt đẹp nhất cho con cái của mình. Họ luôn kì vọng con sẽ trở thành một người ưu tú, thành đạt, giỏi giang, ngoan ngoãn… Nhưng đằng sau cách nuôi dạy con đó, có những tấn bi kịch xảy ra để rồi mọi bậc làm cha, làm mẹ đều phải giật mình hối hận.
Mới đây, tại Nam Kinh, Trung Quốc, câu chuyện buồn về cô bé Bảo Bảo, 12 tuổi đã khiến bao người phải xót xa. Cô bé học lớp 8 này đã bỏ nhà đi sau khi cãi nhau với bố mẹ. Vài ngày sau đó, thi thể cô bé được tìm thấy. Sau khi cảnh sát điều tra, kết luận cuối cùng được đưa ra là: Cô bé đã tự tử!
Ở độ tuổi 12 hồn nhiên, vui tươi, cô bé vô cùng xinh đẹp cuối cùng đã chọn tìm đến cái chết để kết thúc cuộc đời. Nguyên nhân nào khiến một cô bé ngoan ngoãn tự tử như vậy? Sau khi tìm hiểu lý do, bố mẹ của Bảo Bảo đã ân hận cả đời.
Thì ra ở lớp, Bảo Bảo bị các bạn bắt nạt đe dọa và bắt cô bé phải nộp tiền. Khoản tiền đó các bạn gọi là “phí bảo vệ”. Cô bé rất sợ hãi khi bị bắt nạt nhưng không dám nói với bố mẹ. Bảo Bảo đã lén ăn cắp tiền của bố mẹ để mang đi nộp cho các bạn. Sau 2 ngày ăn cắp tiền, cô bé bị bố phát hiện. Người bố đã vô cùng tức giận trước hành động của con mình. Ông giận dữ vì cho rằng Bảo Bảo hư hỏng, dám làm cái điều sai trái ấy. Ông đã đánh Bảo Bảo một trận. Kết quả là Bảo Bảo bỏ nhà đi rồi tìm đến cái chết.
Câu chuyện có thể đã có một kết cục khác nếu như Bảo Bảo chia sẻ với bố mẹ về khó khăn của mình. Nhưng vì sao cô bé im lặng rồi thà tự tìm đến cái chết còn hơn là tâm sự với cha mẹ mình. Đây là hệ lụy của một cách giáo dục sai lầm mà nhiều cha mẹ mắc phải
Cha mẹ không tin tưởng con
Rất nhiều cha mẹ đã mắc lỗi lớn này nhưng chính họ lại không nhận ra. Họ luôn cho rằng các con còn nhỏ và điều mình suy nghĩ, điều mình làm là đúng đắn nhất. Bất cứ hành động nào của con đi lệch với chuẩn của bố mẹ đều bị quy kết là sai trái, hư hỏng.
Trước một sự việc, nhiều bậc phụ huynh không bao giờ hỏi con về quá trình, lắng nghe con nói mà ngay lập tức quy kết hành động đó của con là sai lầm. Bố mẹ chỉ quan tâm tới kết quả đang hiện hữu mà không tìm hiểu vì sao, ngay cả khi đó không phải là lỗi của con.
Trước một sự việc, nhiều bậc phụ huynh không bao giờ hỏi con về quá trình, lắng nghe con nói mà ngay lập tức quy kết hành động đó của con là sai lầm. (Ảnh minh họa)
Khi liên tiếp không được lắng nghe và bị phán xét trên quan điểm của bố mẹ, trẻ bắt đầu co mình lại và không có nhu cầu tâm sự với bố mẹ. Cha mẹ không tin tưởng con cái, kết quả là con cũng không còn tin tưởng bố mẹ. Chúng không có nhu cầu chia sẻ và cảm thấy chẳng có ích gì khi nói với bố mẹ về những vấn đề mà chúng đang gặp phải. Nhiều đứa trẻ thậm chí còn quyết im bặt không thèm nói chuyện với bố mẹ sau quá nhiều lần bất mãn bởi bố mẹ đã xem thường lời trẻ nói.
Kết quả là, bố mẹ cảm thấy hài lòng, mãn nguyện với việc những đứa con của mình ngoan ngoãn, tuyệt đối không cãi lời cha mẹ. Nhưng bi kịch sẽ xảy đến khi những đứa con gặp khó khăn mà không thể tìm được một ai đó để cầu cứu. Giống như câu chuyện của bé Bảo Bảo. Cô bé đã mất niềm tin vào cha mẹ trong suốt một thời gian dài, cô cảm thấy thiếu an toàn và cô độc. Cô bé gặp vấn đề về tâm lí và rồi chọn cách từ kết liễu đời mình thay vì chia sẻ những khó khăn mình gặp phải.
Thói “đạo đức giả” của bố mẹ
Các bậc cha mẹ Á Đông đa phần đều có xu hướng giáo dục con phải khiêm tốn, tuân theo các hình thức xã giao, nghĩa là phải ngoan ngoãn, hiền lành, không được nổi loạn… Cha mẹ giáo dục con phải khiêm nhường, lịch sự, không gây rắc rối cho người khác… Họ đã vô tình không nhận ra rằng cách giáo dục này tạo nên sự phát triển khiên cưỡng ở trẻ. Đứa trẻ sẽ rơi vào trạng thái cam chịu để trở thành một đứa trẻ ngoan thay vì biết phản kháng để bảo vệ mình.
Các bậc cha mẹ Á Đông đa phần đều có xu hướng giáo dục con phải khiêm tốn, tuân theo các hình thức xã giao, nghĩa là phải ngoan ngoãn, hiền lành, không được nổi loạn… (Ảnh minh họa)
Ví dụ điển hình chính là bi kịch của bé Bảo Bảo. Khi bị bạn bè bắt nạt, cô bé đã nghĩ thà ăn cắp tiền còn hơn là chống cự lại với đám bạn. Cô bé cũng đã không dám đánh lộn, la hét để đấu tranh vì sợ bị đánh giá là đứa trẻ hư hỏng khi đánh nhau. Cô bé tự làm mọi việc một mình, với hy vọng giải quyết mọi chuyện trong yên lặng. Và rồi, mọi thứ vượt qua ngưỡng chịu đựng của một đứa trẻ 12 tuổi.
Hay như một lần khác, báo chí Trung Quốc cũng đưa tin, trên chuyến xe bus ở Nam Kinh, một người đàn ông bước lên xe và cảm thấy vô cùng khó chịu khi cậu bé 17 tuổi không nhường chỗ cho ông ta, mặc dù ông ta hoàn toàn to lớn, khỏe mạnh. Ông ta thậm chí đã dơ chân lên đạp về phía cậu bé vì không được nhường chỗ.
Nhưng đáng buồn thay, cậu bé không hề kháng cự hay tranh cãi từ đầu đến cuối. Cậu bé không dám nói và ngồi im lặng chịu trận. Nguyên nhân của điều đó là vì bị ảnh hưởng bởi sự giáo dục phải “khiêm tốn”, lễ phép trước người lớn, không được phản kháng. Bởi thế ngay cả khi người lớn hành xử không đúng mực, cậu bé cũng vẫn không dám chống lại.
Cậu bé bị người đàn ông đạp chân vào cơ thể nhưng không dám phản kháng vì sợ cho rằng là đứa trẻ thiếu lịch sự, hỗn hào.
Đã tới lúc, các bậc làm cha, làm mẹ cần nhìn lại cách nuôi dạy con của mình. Khi giáo dục trẻ, cha mẹ sẽ gặp phải nhiều vấn đề nhưng hãy chắc chắn tin tưởng con mình, để trẻ cảm thấy an toàn, cảm thấy có chỗ dựa. Khi trẻ cảm thấy được lắng nghe, được thấu hiểu suy nghĩ, tự khắc giao tiếp giữa cha mẹ và con cái sẽ tốt đẹp hơn. Đồng thời, cha mẹ cũng phải giáo dục con cái: Khi đối mặt với bạo lực, đừng quá yếu đuối! Chúng ta có quyền phản kháng thích hợp để bảo vệ sự an toàn và quyền lợi cho mình.
Article sourced from EVA.
Original source can be found here: https://eva.vn/lam-me/be-gai-12-tuoi-tu-tu-ly-do-khien-moi-cha-me-deu-phai-hoi-han-vi-cach-day-con-c10a400315.html