Những loại thực phẩm chị em nên tránh mỗi khi 'đèn đỏ'
Những ngày “đèn đỏ” được xem là thời điểm cơ thể phụ nữ yếu nhất mỗi tháng. Ngoài nghỉ ngơi hợp lý thì một chế độ ăn uống hợp lý không chỉ có thể bù đắp những tổn thất do mất máu kinh nguyệt mà còn điều hòa cảm xúc, giảm đau bụng kinh, tốt cho sức khỏe sinh sản.
Ngược lại, nếu bạn ăn uống sai cách, không chỉ khiến tình trạng khó chịu trong kỳ kinh nguyệt trở nên trầm trọng hơn mà thậm chí còn có thể tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh tật khác. Nhất là các bệnh liên quan tới tử cung, buồng trứng. Vì vậy, chị em hãy ghi nhớ “3 uống - 6 ăn” nên hạn chế hoặc tránh xa trong những ngày này.
3 loại đồ uống nên tránh mỗi khi “đèn đỏ”
Các chị em thường được khuyên bổ sung chất lỏng nhiều hơn trong kỳ kinh nguyệt, tuy nhiên, có 3 loại đồ uống tốt nhất nên tránh xa.
Nước lạnh:
Đúng là chị em nên uống nhiều nước hơn khi “đèn đỏ” nhưng không nên là nước đá, nước lạnh. Bởi chúng làm giảm tuần hoàn máu, dễ gặp phải tình trạng bế kinh, nghĩa là máu kinh không tống xuất khỏi cơ thể được. Ngoài ra, nước đá lạnh còn khiến tử cung co thắt mạnh hơn, do đó chị em sẽ đau bụng hơn rất nhiều. Nước lạnh còn dễ gây chứng lạnh tử cung ảnh hưởng tới khả năng sinh sản.
Bất kỳ loại đồ uống lạnh nào đều không tốt cho tử cung trong những ngày “đèn đỏ” (Ảnh minh họa)
Đồ uống có cồn, caffeine:
Các loại đồ uống có cồn sẽ tác động đến nội tiết tố trong cơ thể, làm thay đổi quá trình rụng trứng, ảnh hưởng đến thời gian hành kinh cũng như lượng máu mất đi trong kỳ kinh, khiến cơn co thắt tử cung nặng nề hơn. Đặc biệt, uống quá nhiều rượu bia có thể làm rối loạn kỳ kinh nguyệt, rối loạn quá trình rụng trứng gây hệ lụy mãn kinh sớm, tăng nguy cơ mắc bệnh tử cung.
Tương tự, đồ uống chứa caffeine (cà phê, trà xanh…) khiến các triệu chứng tiền kinh nguyệt như đau bụng dưới, tức ngực, đau vùng chậu… trở nên nặng nề hơn. Uống nhiều thức uống chứa caffeine trong kỳ kinh nguyệt sẽ khiến chị em mệt mỏi, tăng huyết áp và nhịp tim, dễ rơi vào trạng thái căng thẳng và lo âu khiến triệu chứng đau bụng kinh nghiêm trọng hơn.
Nước ngọt, nhất là nước ngọt có ga:
Uống nhiều nước ngọt, nhất là nước ngọt có ga trong khi “đèn đỏ” có thể gây tình trạng thiếu sắt. Bởi chúng chứa phosphat phản ứng với sắt trong cơ thể trong khi phụ nữ thường mất máu, thiếu sắt trong những ngày này. Không chỉ gây đau bụng kinh nhiều hơn mà về lâu dài còn hại cho sức khỏe tổng thể.
Loại đồ uống này cũng làm giảm khả năng tiêu hóa và tác dụng diệt khuẩn của axit dạ dày do trung hòa natri bicarbonate và dịch vị trong soda, ảnh hưởng đến cảm giác thèm ăn, gây đầy bụng. Như vậy khiến chị em ăn uống kém, dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi, kiệt sức, tử cung khó phục hồi sau bong tróc.
Khi “đèn đỏ”, có 6 thực phẩm không nên ăn
Sau đây là 6 thực phẩm chị em nên hạn chế hoặc tốt nhất là tránh càng xa càng tốt trong những ngày hành kinh:
Sữa và sản phẩm từ sữa:
Thực phẩm từ sữa, nhất là phô mai có thể gây đau bụng kinh và mệt mỏi, cáu giận trong những ngày “đèn đỏ”. Bởi chúng dễ phá hủy quá trình hấp thu magie trong khi magie có thể kích thích giải phóng dopamine, một chất hóa học trong não có liên quan đến tâm trạng và có thể đóng vai trò điều tiết tâm lý trong cơ thể phụ nữ, giúp cơ thể thư giãn, loại bỏ căng thẳng và giảm đau. Ngoài ra, nhóm thực phẩm này còn dễ gây đầy bụng.
Các món nhiều muối, cay nóng:
Nếu đang hành kinh, chị em nên tránh xa món cay nóng, nhiều dầu mỡ, nhiều muối (Ảnh minh họa)
Nếu phụ nữ ăn quá nhiều đồ mặn, cay nóng trước và trong kỳ kinh, lượng muối và nước dự trữ trong cơ thể sẽ tăng lên khiến họ dễ bị kích động, khó chịu… Chúng cũng gây đầy hơi, khiến triệu chứng đau bụng kinh nặng nề hơn. Ngoài ra, lượng progesterone trong cơ thể tăng cao khi hành kinh cũng sẽ dẫn đến phù nề, đau đầu và tình trạng này càng nghiêm trọng nếu bạn ăn nhiều muối, đồ cay nóng.
Thịt đỏ:
Thịt đỏ như thịt bò, thịt cừu, thịt dê… chứa nhiều prostaglandin. Trong thời gian hành kinh, cơ thể sản sinh ra chất prostaglandin giúp tử cung co bóp và từ đó dẫn đến kinh nguyệt. Tuy nhiên, mức độ cao của prostaglandin dẫn đến chuột rút. Do đó, nên tránh ăn thịt đỏ vì chúng có nhiều chất prostaglandin.
Thực phẩm quá chua:
Ở những người nhạy cảm, khi ăn chua hay cay quá có thể làm kích thích hệ thống thần kinh thực vật gây co thắt cơ trơn của dạ dày và tử cung. Điều này có thể dẫn đến ra huyết kinh nhiều hơn trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, cũng có người không có vấn đề gì nhưng tốt nhất là chị em nên tránh xa vào những ngày “đèn đỏ”.
Hải sản, đặc biệt là cua:
Hải sản là thực phẩm có tính hàn, bạn cần hạn chế vì chúng sẽ khiến tử cung lạnh hơn, máu ra nhiều và là nguyên nhân làm bạn bị đau bụng kinh nhiều hơn. Đặc biệt là nếu ăn hải sản tươi sống, chưa chín kỹ thì càng gây hại cho sức khỏe tổng thể và tử cung. Thậm chí còn dễ dị ứng, ngộ độc hơn do hệ miễn dịch lúc này đang suy giảm. Trong số các hải sản, cua được xem là loại tính hàn cao lại khó tiêu hóa, dễ gây đầy bụng nên cần tránh nhất.
Một số loại trái cây:
Ăn một số loại trái cây tính hàn vào kỳ kinh nguyệt dễ gây đau bụng kinh dữ dội (Ảnh minh họa)
Trái cây tốt cho sức khỏe, cũng nên ăn vào kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, không phải loại quả nào cũng phù hợp ở thời điểm này, nhất là các trái cây có tính hàn hoặc ảnh hưởng tới quá trình hấp thụ sắt, lưu thông máu. Các ví dụ điển hình về trái cây nên ăn ít hoặc tốt nhất là không động tới khi “đèn đỏ” bao gồm: dưa hấu, quả hồng, táo gai, xoài, thanh long.
Article sourced from KENH14.
Original source can be found here: http://kenh14.vn/3-uong-6-an-can-tranh-cang-xa-cang-tot-khi-den-do-keo-dau-don-ruoc-benh-vao-nguoi-20240102213121764.chn