Những lỗ hổng trong kế hoạch điều quân từ Đức sang Ba Lan của Tổng thống Donald Trump
“Sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Ba Lan giúp quân đội chúng tôi nâng cao tiềm lực phòng bị và khả năng răn đe, trong bối cảnh Ba Lan đang tiến gần hơn đến một cuộc xung đột tiềm tàng”, ông Czaputowicz phát biểu trong buổi gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 22/8.
“Điều mấu chốt là quân đội Mỹ nên được triển khai ở Ba Lan chứ không phải Đức. Khả năng răn đe sẽ được tối ưu hóa nếu lực lượng quân sự được triển khai đúng chỗ”, Ngoại trưởng Ba Lan nói.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Błaszczak tại buổi ký thỏa thuận tăng cường quân đội Mỹ tại Ba Lan. Ảnh: Polish News. |
Việc điều thêm quân sang Ba Lan là một phần trong kế hoạch của chính quyền Tổng thống Trump được công bố hồi tháng 7, với mục tiêu rút 12.000 lính Mỹ khỏi Đức.
Theo đó, 1.000 lính Mỹ đang hiện diện tại Đức sẽ gia nhập lực lượng 4.500 người của quân đội nước này đang đóng tại Ba Lan, số còn lại dự tính sẽ chuyển đến Bỉ hoặc Italy, cũng có khả năng quay trở lại Mỹ và chờ điều động đến các điểm nóng trên thế giới nếu cần thiết.
Những chỉ trích đối với kế hoạch rút quân
Trong nhiều thập kỷ, quân đội Mỹ đóng tại Đức được các nước hai bên bờ Đại Tây Dương xem như nền tảng của trật tự hậu Thế chiến thứ hai. Vào thời điểm căng thẳng trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ duy trì tới 400.000 quân ở châu Âu, phần lớn đóng tại Đức.
Tình cảnh hiện tại tương tự với quá khứ khi Nga vẫn được Mỹ và các nước đồng minh xem như mối nguy cơ tiềm tàng gây ra xung đột.
Quân đội Nga vẫn được Mỹ và đồng minh xem là mối đe dọa quân sự ở châu Âu. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, một số quan chức Mỹ và đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho rằng động thái điều động quân đội của chính quyền Tổng thống Trump có thể sẽ đem lại lợi thế cho Nga.
Vào tháng 7, Thượng nghị sĩ Mỹ thuộc đảng Cộng hòa Mitt Rommey gọi kế hoạch này là “một sai lầm nghiêm trọng” và là “món quà dành cho Nga”.
Norbert Röttgen, người đứng đầu cơ quan đối ngoại của Quốc hội Đức, đã đăng trên Twitter: “Động thái chuyển quân của Mỹ sẽ làm suy yếu NATO thay vì tăng cường sức mạnh cho liên minh. Ảnh hưởng quân sự của Mỹ trong mối quan hệ với Nga và Trung Đông không tăng lên mà sẽ giảm đi”.
Nhận định đó hoàn toàn có cơ sở. Lần gần nhất Mỹ rút lượng lớn binh lính khỏi Đức là vào năm 2012. Chỉ hai năm sau, tức 2014, Nga sáp nhập bán đảo Crimea, làm gia tăng căng thẳng với NATO.
Quân đội Nga trên đường tiến vào bán đảo Crimea, Ukraine. Ảnh: CNN. |
Các chuyên gia quân sự Mỹ và châu Âu cho rằng kế hoạch cắt giảm quân số tại Đức sắp tới sẽ mang lại rất ít lợi ích trên những khu vực tiềm tàng xảy ra xung đột quân sự trong tương lai, do đó không xứng với khoản chi phi khổng lồ dự kiến lên đến hàng tỷ USD để thực hiện.
Cụ thể, kế hoạch của chính quyền Tổng thống Trump dự định sẽ điều 11.900 binh sĩ rời khỏi Đức, bố trí 5.400 người trong số đó ở lại một số địa điểm thuộc châu Âu, và rút những người còn lại về Mỹ, sẵn sàng quay lại lục địa già trong tương lai.
Nơi thích hợp để triển khai quân đội Mỹ
Chuyên gia nghiên cứu bộ binh Nick Reynolds thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh có trụ sở tại London nhận xét: “Bố trí bộ binh tại Bỉ và Italy sẽ khiến quân đội Mỹ cách xa khu vực mà họ có thể sẽ cần phải có mặt trong những tình huống được lường trước sẽ xảy ra”.
“Ngay cả khi đóng quân tại miền Bắc Italy, nếu xung đột xảy ra ở phía đông nam châu Âu thì hệ thống giao thông cũng sẽ khiến việc di chuyển của quân đội Mỹ tốn nhiều thời gian hơn.
Dãy Alps hiểm trở được xem là trở ngại cho việc hành quân của lực lượng quân sự Mỹ nếu đóng tại Italy. Ảnh: Lester Lost. |
Đầu năm 2020, thời điểm kế hoạch chuyển quân chưa được công bố, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Trường Nghiên cứu Quốc tế John Hopkins là Iulia-Sabina Joja đã có bài viết phân tích ba kịch bản liên quan đến khả năng giao tranh có thể xảy ra quanh khu vực Biển Đen, bao gồm những cuộc xung đột với Ukraine gần bán đảo Crimea.
Nếu đóng quân tại Italy và giao tranh nổ ra, bộ binh Mỹ sẽ phải vượt dãy Alps trùng điệp, một trong những dãy núi lớn nhất và dài nhất ở châu Âu, trong khi việc di chuyển sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều nếu điều binh từ Đức đến khu vực xung đột nói trên.
Trường hợp quân đội Mỹ đóng tại Ba Lan cũng gặp một số bất cập. Dù Ba Lan nằm gần Nga, việc bố trí quân đội tại nước này không phải là một phương án tối ưu trong viễn cảnh xung đột quân sự nổ ra tại những điểm nóng khác ở Biển Đen và các nước vùng Baltic.
“Nếu bộ binh Mỹ đóng tại Ba Lan, họ có thể sẽ đến vị trí xảy ra chiến sự nhanh hơn, nhưng cũng sẽ trở nên yếu thế hơn nếu Nga tiến hành một cuộc đột kích thành công”, Reynolds nhận định.
Lính Mỹ đóng tại Ba Lan không được đánh giá là phương án tối ưu nếu giao tranh nổ ra ở Đông Âu. Ảnh: AP. |
Giám đốc phân tích quốc phòng và quân sự Bastian Giegerich tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại London tỏ ý hoài nghi về độ hiệu quả của kế hoạch chuyển quân trở lại châu Âu từ Mỹ.
“Bên cạnh việc tốn kém chi phí, quân đội được triển khai luân phiên sẽ gặp khó khăn trong việc thích nghi với nhiều yếu tố, bao gồm việc liên kết với các lực lượng vũ trang của quốc gia sở tại”, ông Giegerich nói.
Trung tướng đã nghỉ hưu của quân đội Mỹ là ông Mark Hertling với nhiều năm kinh nghiệm tại châu Âu nhận định rằng Đức là vị trí trọng yếu bởi đây là trung tâm của cả các nước tây Âu lẫn đông Âu.
Trung tướng đã về hưu Mark Hertling của quân đội Mỹ có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại châu Âu. Ảnh: Stars and Stripes. |
Hertling cho rằng kế hoạch rút quân của chính quyền Tổng thống Trump khiến quân đội Mỹ mất đi lợi thế về hệ thống sân bay tối tân của Đức, vốn có thể hỗ trợ các đồng minh di chuyển nhanh chóng.
Cũng theo ông Hertling, việc dồn quân vào Italy và Bỉ là vô nghĩa bởi Italy nằm ở phía nam dãy Alps và sẽ gặp những trở ngại từ phía chính phủ nước này còn Bỉ nằm xa các nước đông Âu.
Ngoài ra, ông Hertling chỉ ra rằng quân đội Mỹ đã chi hàng tỷ USD trong nhiều năm qua để biến Đức thành vị trí trung tâm châu Âu. Giờ đây, việc rút quân khỏi Đức sẽ đồng nghĩa với việc Mỹ chấp nhận việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng mới ở Đức mà không thu lại lợi ích gì.
Mối tương quan giữa quy mô quân đội và vị trí đóng quân
Chuyên gia Reynolds cho rằng bên cạnh việc tập trung vào vị trí tập kết của quân đội Mỹ, cần chú ý đến yếu tố quy mô tổ chức của lực lượng này.
“Vấn đề quan trọng là Mỹ không triển khai số lượng binh sĩ tương xứng tại châu Âu với ý định phản ứng tức thời khi xung đột xảy ra”, ông Reynolds nhận định.
Lính Mỹ đang lên máy bay rời Đức. Ảnh: CNN. |
“Các lực lượng của NATO cũng đang làm việc với quá ít đơn vị lính Mỹ so với quy mô của lực lượng quân sự từ Nga mà họ có thể phải đối mặt trong tương lai, ít nhất là cho đến khi những đơn vị tiếp viện có quy mô lớn hơn di chuyển từ Mỹ có thể đến tương trợ”, ông Reynolds nói.
Việc chính quyền Trump rút quân khỏi Đức không giải quyết được sự thiếu hụt về số đường băng có thể tiếp nhận máy bay chiến đấu của liên minh.
“Đây là vấn đề mà NATO phải đối mặt trong lĩnh vực không quân: họ không thể triển khai toàn bộ lực lượng chiến đấu cơ của mình. Bất lợi này gây ra tổn thất khá lớn khi các loại máy bay tấn công của NATO được trang bị hỏa lực chính xác tầm xa, dễ dàng phá hủy các chiến đấu cơ của phe địch hoặc phá hủy các đường băng làm máy bay địch không thể hạ cánh”, ông Reyonalds nhân xét.
Dù là trong trường hợp nào, kế hoạch rút quân khỏi Đức cũng sẽ khiến Mỹ phải chi ra hàng tỷ USD để thực hiện.
Trong bối cảnh cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đang diễn ra căng thẳng, việc một lãnh đạo mới với tầm nhìn xem xét lại kế hoạch nói trên là hoàn toàn khả dĩ.
Việc rút lui của quân đội Mỹ khỏi Đức vẫn còn lâu mới hoàn thành được.
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: https://news.zing.vn/nhung-lo-hong-trong-ke-hoach-rut-quan-khoi-duc-cua-tt-trump-post1123565.html