Những hệ quả nguy hiểm nếu NATO lập vùng cấm bay tại Ukraine

10:00' 08-03-2022
Nếu lập vùng cấm bay ở Ukraine, Mỹ và các đồng minh NATO có nguy cơ đụng độ trực tiếp với Nga, làm nổ ra cuộc chiến tranh toàn diện ở châu Âu.


    Ngày càng xuất hiện nhiều lời kêu gọi ở cả Mỹ và Ukraine đề nghị chính quyền Tổng thống Joe Biden cùng các đồng minh NATO thiết lập vùng cấm bay trên không phận Ukraine, nhằm ngăn chặn những cuộc không kích từ Nga.

    Tổng thống Volodymyr Zelensky cùng một số quan chức Ukraine cho biết lập vùng cấm bay là một trong những yêu cầu quan trọng mà họ đưa ra với các đồng minh phương Tây kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở nước này. Những người ủng hộ ý tưởng trên tin rằng một vùng cấm bay sẽ cắt đứt hoạt động đường không của Nga, ngăn đà tiến công của quân đội Nga về phía Kiev.

    Phi công tiêm kích Su-30SM trong cuộc tuần tra chung giữa không quân Nga và Belarus hôm 7/2. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.

    Phi công tiêm kích Su-30SM trong cuộc tuần tra chung giữa không quân Nga và Belarus hôm 7/2. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.

    Nhưng các quan chức chính quyền Biden đã thể hiện quan điểm rõ ràng và nhất quán rằng họ sẽ không cân nhắc phương án lập vùng cấm bay ở Ukraine vì lo ngại những hệ quả nguy hiểm.

    "Lý do Tổng thống không sẵn sàng thực hiện bước đi đó là bởi khi lập vùng cấm bay, chúng ta cần có những hành động thực thi", Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hôm 3/3 nói. "Về cơ bản, quân đội Mỹ phải bắn hạ máy bay Nga tiến vào vùng cấm bay và tạo ra nguy cơ về một cuộc chiến tranh trực diện với Nga. Đây chính là điều chúng tôi muốn tránh".

    Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng đồng ý rằng việc thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine "có thể kích động một cuộc chiến tranh toàn diện ở châu Âu".

    Dù vậy, những lời kêu gọi lập vùng cấm bay trên vùng trời Ukraine lại tăng lên sau cuộc tấn công của Nga hôm 3/3 nhằm vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia lớn nhất nước này.

    "Đây là thời điểm lý tưởng để nhắc lại lời kêu gọi của tôi về phương án lập vùng cấm bay, theo đề nghị của chính phủ Ukraine", nghị sĩ Cộng hòa Adam Kinzinger viết trên Twitter sau sự việc tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

    Thượng nghị sĩ Cộng hòa Roger Wicker, thành viên Ủy ban Quân vụ Thượng viện, tuần qua nói rằng phương án lập vùng cấm bay ở Ukraine cần được "xem xét nghiêm túc".

    Vùng cấm bay được lập để cấm máy bay đối phương hoạt động trong một khu vực nhất định, ngăn chúng thực hiện các cuộc không kích vào khu dân cư. Chiến thuật này đã được sử dụng nhiều lần trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, đáng chú ý nhất là ở Iraq trong những năm 1990 nhằm ngăn các cuộc không kích vào cộng đồng người Kurd ở miền bắc và người Hồi giáo dòng Shiite ở miền nam nước này.

    Doug Birkey, giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Mitchell, cho rằng lập vùng cấm bay đã trở thành "câu của miệng" của nhiều người khi muốn Mỹ và đồng minh phương Tây tăng cường ủng hộ Ukraine. Tuy nhiên, ông cho rằng những người thường nhắc tới "vùng cấm bay" nhất có thể chưa hiểu hết tính phức tạp của nó.

    "Họ nghĩ rằng đó là một lựa chọn ít rủi ro, nhưng thực tế nó vô cùng phức tạp", Birkey nhấn mạnh.

    Howard Stoffer, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học New Haven, Mỹ, kiêm cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, chỉ ra rằng khi thiết lập vùng cấm bay, Mỹ và NATO phải thực thi nó bằng vũ lực. "Nếu ai đó vào vùng cấm bay, bạn không thể xua đuổi, mà phải bắn hạ họ", Stoffer nói.

    Cả Ukraine và Nga đều không phải thành viên NATO. Tổng thống Nga Vladimir Putin coi NATO là mối đe dọa trực tiếp và gần đây liên tục chỉ trích xu hướng mở rộng về phía đông của khối.

    Do đó, NATO rất miễn cưỡng tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột Ukraine, khi nguy cơ đụng độ trực tiếp với một cường quốc hạt nhân là rõ ràng. Mặc dù NATO ủng hộ Ukraine và lên án chiến dịch quân sự của Nga, liên minh đơn giản là không sẵn sàng làm bất cứ hành động nào có thể được coi là gây xung đột trực diện với Nga, bình luận viên Luke McGee từ CNN đánh giá.

    Lính cứu hỏa dập lửa tại một tòa nhà đang bốc cháy sau trận oanh kích ở thủ đô Kiev, Ukraine, ngày 3/3. Ảnh: Reuters.

    Lính cứu hỏa dập lửa tại một tòa nhà đang bốc cháy sau trận oanh kích ở thủ đô Kiev, Ukraine, ngày 3/3. Ảnh: Reuters.

    Cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta nhận định lập vùng cấm bay ở Ukraine chưa thực sự cần thiết, đồng thời lưu ý nhiệm vụ chính của Washington trong cuộc xung đột chỉ là cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine.

    Kevin Ryan, cựu tùy viên quốc phòng Mỹ tại Nga, đánh giá lập vùng cấm bay có thể tác động tiêu cực đến Ukraine vì nước này hiện vẫn được hưởng lợi từ việc sử dụng máy bay và thiết bị bay không người lái.

    Tuy nhiên, Ryan gợi ý Mỹ và NATO có thể thiết lập một vùng cấm bay ở phía tây Ukraine, nơi quân đội Nga chưa tiếp cận.

    "Bạn có thể làm vậy để tránh rủi ro đối đầu trực tiếp với phi công Nga vì họ không thực sự bay ở đó", ông nói. "Nó sẽ cung cấp một biện pháp bảo vệ cho Ukraine, trong khi không cản trở việc sử dụng máy bay và thiết bị bay không người lái của họ trong chiến sự đang diễn ra ở miền đông đất nước".



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Giáo dục?
Marian College Vùng: Sunshine West. Phone: 9363 1711
Xem thêm

Truờng trung học tại trung tâm Sunshine có nhiều học sinh gốc Việt theo học và thành công nhất


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/ly-do-nato-tu-choi-lap-vung-cam-bay-o-ukraine-4435040.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ