Những chuyện đến với mình đều là cái duyên
Nhiều lúc chúng ta hay có những phản ứng bất bình với những chuyện đột ngột xảy đến, đây cũng là một phản xạ có điều kiện như là khả năng chống đỡ và tự bảo vệ. Cách tiếp nhận, xử lý các vấn đề của mỗi người cũng khác nhau. Những người cảm tính, bồng bột, xốc nổi thì hành động thường thái quá khi đối diện với sự việc. Còn những người chín chắn hơn, trải nghiệm hơn, trưởng thành hơn họ sẽ bình tĩnh để đối đáp.
Tôi cũng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc như vậy. Mỗi lần được sắp xếp một công việc mới tôi cũng có phản xạ phản ứng lại - có thể nói ra, có thể không nói ra, có khi thỏa mãn, có lúc là sự đấu tranh trong tâm trí của bản thân mình. Và cũng đến lúc tôi nhận ra rằng, tất cả đều là trải nghiệm.
Lúc tôi làm ở công ty cũ, tôi đã có một công việc khá ổn, nhàn hạ và có uy tín. Tôi chỉ cần ngồi một chỗ, và hướng dẫn cho các bộ phận hoàn thiện các thủ tục chứng từ thanh toán, ai cần sẽ tìm đến tôi. Lúc đầu mới tiếp nhận công việc này cũng không dễ dàng cho lắm. Dần dần làm quen, tôi cảm thấy khá dễ dàng, mọi người làm việc với tôi rất thuận lợi, công việc luôn hoàn thành đúng hoặc trước thời hạn. Nhưng tôi lại chuyển công tác về gần nhà để thuận tiện cho việc đi lại, chăm sóc con cái, và thu nhập ở đây cũng khá hơn.
Mọi thứ tưởng như màu hồng. Nhưng không hẳn thế, tôi được sắp xếp làm một công việc nghe có vẻ không tương xứng với trình độ của mình. Tôi được ngồi quầy thu tiền và thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Vị trí này trong phòng của tôi, luôn hiểu là dành cho trình độ trung cấp. Nhưng với tôi cũng là mới mẻ. Ngồi ở đây tôi tiếp xúc với rất nhiều đối tượng bệnh nhân và nhiều tình huống phát sinh tôi cũng chưa gặp bao giờ.
Công việc là thường xuyên và luôn eo hẹp về thời gian. Đòi hỏi độ chính xác, thái độ tốt với khách hàng và cách xử lý các tình huống, sự cố phát sinh, có khả năng chịu áp lực và kĩ năng kiểm soát cảm xúc phải tốt. Vì khách hàng họ đến với chúng tôi không phải để làm hài lòng chúng tôi mà chúng tôi luôn phải tìm cách làm hài lòng khách hàng.
Ban đầu, tôi chỉ nghĩ mình đi làm cuối tháng lĩnh lương, làm tốt hơn cũng không có thưởng thêm gì, vậy nên tôi khá lạnh lùng với công việc. Người bệnh không chê không khen, nhưng cũng đến lúc tôi thấy mình cần thay đổi. Khi đôi đưa con gái vào khám bệnh tại một bệnh viện chuyên khoa khác, hôm đó con bị đau mắt đỏ, rất khó chịu và đau đớn, lúc đầu cháu chỉ bị nhẹ nhưng do bất cẩn không đi khám lại để lúc bị nặng lên nhiều, con kêu đau tôi mới biết. Tôi lúc này rất lo lắng, vì con thì đau đớn và tôi cũng sợ sẽ ảnh hưởng đến thị lực của con sau này.
Một điều khiến tôi thấy được an ủi là khi bước vào khoa khám bệnh, nhân viên y tế đã ra hỏi han và hướng dẫn nhiệt tình, chu đáo, họ cũng lắng nghe tôi nói sơ qua về tình hình của con. Hai mẹ con ngồi chờ làm thủ tục khám bệnh, một lúc sau được gọi vào phòng khám. Bác sỹ thấy vẻ mặt của tôi rất lo lắng, đã trấn an, chị yên tâm, bệnh viện chưa bao giờ thất bại trong điều trị đau mắt đỏ cho bệnh nhân.
Chỉ cần 2 mẹ con tuân thủ theo lời dặn của bác sỹ, thực hiện tra thuốc đầy đủ, giữ vệ sinh và có chế độ ăn uống khoa học đảm bảo bệnh của con sẽ thuyên giảm rất nhanh. Bệnh viện có số điện thoại chăm sóc khách hàng, khi thấy có bất thường hoặc có gì muốn trao đổi chị hãy liên lạc sẽ có nhân viên tư vấn chăm sóc. Ôi, chưa biết thế nào mà lòng tôi thấy nhẹ nhõm đi phần nhiều rồi. Hai mẹ con ra về đã thấy lòng vui hơn, con gái cũng nói với tôi: Đấy mẹ yên tâm, bác sĩ bảo sẽ khỏi, con sẽ không sao.
Sau lần đấy, tôi mới hiểu: Người bệnh đến với mình họ rất cần sự thấu cảm của bệnh viện, có thể chỉ một câu nói, một ánh mắt thôi đã cải thiện bệnh tình phần nào rồi. Tôi cởi mở hơn, sẵn sàng trao đổi và giải thích cho bệnh nhân những khúc mắc của họ. Có đôi khi là những câu hỏi như: tại sao tôi với ông kia bệnh như nhau mà tiền lại khác nhau,… vì là người trong ngành nên nghe những câu hỏi như này thấy rất buồn cười, nhưng mình lại phải hiểu người ta không phải người trong ngành, nhiệm vụ của mình là cần giải thích cho người bệnh hiểu và hài lòng với câu trả lời của mình. Như vậy, cùng là một công việc, có thể chỉ đòi hỏi trình độ trung cấp thôi nhưng liệu cách ứng xử của người học đại học có hơn cách người có trình độ trung cấp không, điều này không ai dám khẳng định là hơn.
Sau một thời gian làm việc tại vị trí này, tôi thấy kỹ năng giao tiếp, kỹ năng kiểm soát cảm xúc của tôi được cải thiện. Gặp khó khăn, khúc mắc mình tìm cách vượt qua, công việc không êm đềm như lúc trước, nhưng qua rồi tôi thấy mình mạnh mẽ hơn, điềm tĩnh hơn, trưởng thành hơn. Tôi biết ơn tất cả.
Tôi nhận thấy, tất cả những việc đã qua là những trải nghiệm trong cuộc sống. Tôi chỉ có thể có một công việc tốt hơn khi mình hoàn thành trải nghiệm đang qua tốt nhất, mình phải được trang bị đầy đủ, khi đó mình mới xứng đáng ở một vị trí tốt hơn, cao hơn. Tôi thấy trân trọng hơn những gì mình đang có, muốn biến nó thành những thứ tốt nhất, chắc chắn như vậy rồi.
Tiệm rượu với đầy đủ các lựa chọn về rượu, bia nhiều nhất tại vùng Springvale
Article sourced from BLOGRADIO.
Original source can be found here: https://blogradio.vn/nhung-chuyen-den-voi-minh-deu-la-cai-duyen-nw247943.html