Những bữa cơm tại gia trong thời giãn cách
Thời gian chống Covid-19 đã thay đổi thói quen ăn uống của hầu hết chúng ta. Trước đây, nhiều người mua đồ ăn sẵn cho các bữa sáng, đặt đồ ăn cho bữa trưa tại văn phòng, đi ăn cùng đồng nghiệp hay bạn bè vào buổi tối, cuối tuần cả nhà rủ nhau đi ăn ngoài tiệm.... Bây giờ, với nhiều gia đình, tất cả những bữa ăn trong ngày đều được nấu tại nhà. Đây cũng là thời gian để mỗi người gần gũi gia đình và chăm chút cho tổ ấm của mình.
Để bảo đảm chống dịch, những bữa cơm gia đình cũng có sự thay đổi nhất định. Chị Phương Như, quận 7, TP HCM bắt đầu chia cho mỗi người trong gia đình một đĩa cơm riêng với đầy đủ thức ăn, không dùng những tô canh, chén nước mắm chung để nếu lỡ có thành viên nào F0 cũng hạn chế lây nhiễm cho các thành viên còn lại. "Hình thức ăn khác trước, nhưng dinh dưỡng thì vẫn đảm bảo như trước, thậm chí tăng cường nhiều vi chất dinh dưỡng hơn để đảm bảo sức khỏe chống dịch", chị Như cho biết.
Trong những ngày giãn cách xã hội, nấu ăn cho cả gia đình là niềm vui của nhiều người. Ảnh minh họa: Shutterstock
Hoàng Trang, nữ kế toán làm việc tại quận 3 trước đây hiếm khi vào bếp nấu nướng, nếu có, chỉ là phụ mẹ làm chút việc vặt như thái rau, dọn chén đũa. Từ khi thành phố giãn cách theo chỉ thị 16, Trang gần như ngày nào cũng ở trong bếp để nấu ăn cho cả nhà. Cô còn tìm thêm các công thức nấu ăn trên internet để làm các món mới đổi khẩu vị cho cả nhà.
Trang cho rằng nấu ăn cũng là một cách thư giãn. Cô cảm thấy thoải mái và vui vẻ khi được làm "bếp trưởng" trong căn bếp nhà mình. "Trang nghĩ nấu nướng là việc khá đơn giản, nếu bản thân có đam mê và đặc biệt là có sự hỗ trợ của các thiết bị nhà bếp hiện đại", Trang chia sẻ.
Cô gái trẻ khoe, trước đây rất vụng, nhưng sau ba tháng làm việc tại nhà và chăm chỉ nấu nướng, cô đã có thể làm được hàng chục món ăn, nhất là các món nướng như sườn BBQ, bánh mì, bánh trứng hay các món đút lò với phô-mai.
Theo Trang, để có được món thịt nướng hay những chiếc bánh thơm lừng và dễ thực hiện là do gia đình cô đã kịp rinh về chiếc lò nướng kiêm lò vi sóng âm tủ bằng thép không gỉ, chống dính tiện lợi. "Dù là làm nóng thức ăn hay nướng đồ ăn, chỉ cần chọn đúng chế độ, điều chỉnh nhiệt độ và thời gian phù hợp là sẽ có ngay món ngon", Trang nói. Đây là "chiếc lò thần thánh" đã giúp Trang làm được các món nướng "cả nhà mê".
Lò nướng âm tủ HO-8T72A Series 800, mang những tính năng hiện đại nhất vào căn bếp Việt. Ảnh: Häfele
Chuyện bếp núc không chỉ gây hứng thú cho phái đẹp, nhiều nam giới cũng hào hứng với công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ này. Minh Hoàng, nhân viên một ngân hàng tại quận 5 là một anh chàng mê nấu ăn. Công việc đi sớm về muộn nhưng hễ có thời gian rảnh hoặc cuối tuần là Hoàng lại "lăn vào bếp".
"Hoàng mê nấu ăn từ bé nên giãn cách là thời gian thật sự thích hợp để mình trổ tài với cả nhà. Nhưng nếu không có sự giúp sức của các thiết bị bếp thông minh như bếp từ, máy hút mùi, lò nướng âm, nồi chiên không dầu và các máy nhỏ nhỏ khác như máy xay, máy đánh trứng cầm tay... chắc Hoàng cũng vật vã lắm", Hoàng nói. Các thiết bị này giúp anh nấu nhanh và ngon hơn rất nhiều, cùng với đó là sự vui thích, thoải mái khi đứng bếp.
Những bữa cơm được cả nhà đón nhận nhiệt tình khiến chàng nhân viên ngân hàng rất vui. Anh dự định hết giãn cách vẫn tiếp tục nấu nướng tại nhà để các bữa ăn được như ý hơn, đảm bảo dinh dưỡng, hợp vệ sinh và còn tiết kiệm chi phí.
Những ngày giãn cách, không gì quý bằng việc gia đình bình an ở bên nhau. Cùng nhau vào bếp nấu ăn và quay quần bên bữa cơm nhà giúp các thành viên gia đình gắn bó hơn và lạc quan hơn để cùng nhau vượt qua thời dịch khó khăn.
Một căn bếp hiện đại với các thiết bị thông minh sẽ giúp rút ngắn thời gian nấu nướng cũng như khiến món ăn ngon hơn. Ảnh minh họa: Häfele.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/nhung-bua-com-tai-gia-trong-thoi-gian-cach-4354381.html