Nhìn lại một năm đầy chông gai của Tổng thống Biden
Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng một bước chân vào Nhà Trắng với những kế hoạch đầy tham vọng. Ông bắt đầu với một gói cứu trợ sâu rộng nhằm hỗ trợ người Mỹ vượt qua đại dịch Covid-19, sau đó xoay qua một gói phục hồi kinh tế lớn.
Nhà Trắng đã thực hiện kế hoạch đó một cách nghiêm túc và kỷ luật, nhưng kết quả lại không được như kỳ vọng. Theo một cuộc thăm dò gần đây của NPR/Marist, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Biden khá thấp, chỉ 42%. Đây được coi là bằng chứng rõ ràng về nỗi thất vọng của người Mỹ với Biden, khi ông chưa thể đưa cuộc sống bình thường trở lại như đã cam kết và giảm bớt những mối lo ngại về kinh tế.
Tổng thống Joe Biden lắng nghe câu hỏi sau khi ông phát biểu về nỗ lực chống Covid-19 của Mỹ tại Nhà Trắng ngày 21/12. Ảnh: Reuters.
Nhờ ưu thế đa số của phe Dân chủ tại lưỡng viện quốc hội, Biden hồi tháng ba đã ban hành thành công phần đầu tiên trong chương trình nghị sự của mình, Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ trị giá 1.900 tỷ USD. Kế hoạch giúp chuyển lượng lớn ngân sách liên bang hỗ trợ các gia đình lao động đang phải vật lộn vì Covid-19.
Với tỷ lệ tín nhiệm vẫn trên 50% vào mùa hè, Biden tiếp tục tìm cách tận dụng đà tiến, chia chương trình phục hồi của mình thành hai dự luật, gồm một gói cơ sở hạ tầng mà ông tin rằng có thể giành được ủng hộ của lưỡng đảng và dự luật thứ hai với các lợi ích nâng cao cho những gia đình lao động mà ông dự định thông qua chỉ với ủng hộ từ đảng Dân chủ.
Biden tháng trước ký thông qua dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỷ USD, rót tiền vào các dự án xây dựng cầu đường, đường sắt và đường ống dẫn dầu. Ông ca ngợi thành công này trong một buổi lễ tại bãi cỏ phía nam Nhà Trắng như bằng chứng cho thấy "đảng Dân chủ và Cộng hòa hoàn toàn có thể hợp tác với nhau để mang lại kết quả tốt đẹp".
Tuy nhiên, cú bắt tay về dự luật cơ sở hạ tầng của hai đảng chỉ là trường hợp cá biệt. Dự luật thứ hai mang tên Xây lại Tốt hơn (Build Back Better), một gói hỗ trợ trị giá 1.750 tỷ USD, thấp hơn đáng kể so với đề xuất ban đầu của Biden, vẫn bị đình trệ suốt nhiều tuần qua tại Thượng viện, khi thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Joe Manchin tuyên bố không ủng hộ, khiến Biden không đạt đủ 50 phiếu cần thiết để thông qua.
Những thách thức Tổng thống Biden phải đối mặt còn vượt xa khỏi nghị trường quốc hội.
Ông hồi tháng 7 tuyên bố nước Mỹ đã thoát khỏi Covid-19, nhưng đại dịch đang quay trở lại với một biến chủng mới. Dù khoảng 200 triệu người Mỹ đã tiêm chủng đầy đủ, vẫn còn khoảng 40% người dân đất nước chọn không tiêm, chủ yếu ở các khu vực của đảng Cộng hòa, bất chấp số người chết không ngừng tăng lên.
Dù tỷ lệ thất nghiệp đã giảm kỷ lục, hiện đứng ở mức 4,2%, và tiền lương tăng, tình trạng lạm phát, bão giá tăng vọt đang gây nhiều lo lắng cho người tiêu dùng Mỹ. Biden đã thực hiện một số biện pháp để giảm lạm phát, nhưng phải mất nhiều tháng nữa kết quả mới có thể được chứng thực.
Trên lĩnh vực đối ngoại, Biden có chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Tổng thống đến Geneva, Thụy Sĩ, hồi tháng 6 và gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin với niềm hy vọng rằng một cuộc trao đổi thẳng thắn sẽ giúp ổn định mối quan hệ song phương.
Đến nay, kết quả từ cuộc gặp vẫn rất mơ hồ. Nga được cho là đang tập trung khoảng 100.000 quân gần biên giới Ukraine, làm dấy lên lo ngại về một cuộc tấn công. Tuy nhiên, Moskva bác bỏ khả năng này.
Hồi tháng 8, Biden ra lệnh rút toàn bộ lính Mỹ khỏi Afghanistan, khiến ông nhận về không ít chỉ trích, giáng một đòn mạnh vào tín nhiệm của ông chủ Nhà Trắng. Quyết định rút quân còn khiến Afghanistan nhanh chóng rơi vào tay Taliban và các chuyên gia coi đây là thất bại của Biden trong cam kết đưa Mỹ trở lại vai trò lãnh đạo thế giới.
Một lính thủy đánh bộ Mỹ canh gác tại sân bay quốc tế Hamid Karzai ở thủ đô Kabul, Afghanistan, ngày 18/8. Ảnh: Reuters.
Theo một cuộc khảo sát do Politico Morning Consult thực hiện vào thời điểm đó với gần 2.000 người tham gia, chỉ 49% người Mỹ được hỏi tán thành quyết định rút quân, giảm 20% so với hồi tháng 4, khi ông công bố kế hoạch.
Theo tiến sĩ Ted Gover, chuyên gia về chính sách đối ngoại tại Đại học Claremont Graduate ở California, không chỉ làm giảm tín nhiệm của Biden ở trong nước, chiến dịch rút quân một cách vội vàng khỏi Afghanistan còn gây tổn hại đến danh tiếng Mỹ, cũng như đẩy những người Afghanistan từng cộng tác với Mỹ vào tình cảnh nguy hiểm. Điều này khiến niềm tin vào cam kết của Washington với các vấn đề quốc tế bị lung lay.
Biden hiện phải vật lộn với hàng loạt vấn đề khác không dễ khắc phục. Chính quyền của ông vẫn chưa thể làm chậm dòng người di cư vào Mỹ ở khu vực biên giới phía nam và tình trạng phân cực sâu sắc đang gây lung lay cấu trúc xã hội đất nước.
Covid-19 là một trong những vấn đề đặc biệt gây phân cực. Tình trạng chia rẽ đảng phái từ cuộc bầu cử đã lan sang lĩnh vực y tế, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của các biện pháp kiểm soát dịch ở Mỹ, khi nhiều người không chịu tuân thủ khuyến nghị an toàn như đeo khẩu trang hay tiêm vaccine.
Nhiều thành viên đảng Dân chủ đang cảm thấy rằng dù kiểm soát cả Nhà Trắng lẫn quốc hội, đảng của họ vẫn gặp khó khăn khi tập hợp phản ứng nhằm chống lại loạt quy định hạn chế bầu cử đang được thông qua ở các bang do đảng Cộng hòa kiểm soát, dựa trên cáo buộc dai dẳng của cựu tổng thống Donald Trump rằng cuộc bầu cử năm 2020 "bị đánh cắp".
Sắp tới, Biden có thể sẽ dành thời gian trước thềm cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ năm 2022 để cố gắng hướng cử tri vào những thành tựu mà ông đã đạt được, thay vì những gì ông chưa hoàn thành.
Giới chuyên gia dự đoán ông sẽ tiếp tục nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng và ổn định nền kinh tế. Các trợ lý tin rằng người Mỹ sẽ đánh giá cao thành tích của ông nếu lạm phát được kiềm chế và dự luật Xây lại Tốt hơn cùng với các ưu đãi thuế và trợ cấp cho dịch vụ chăm sóc trẻ em, người già và trẻ mầm non, được thông qua.
Người dân tiêm vaccine Covid-19 tại thủ đô Washington của Mỹ hôm 29/11. Ảnh: AFP.
"Nếu Biden và phe Dân chủ không thể thực hiện lời hứa của mình về giải quyết khủng hoảng khí hậu và khiến chi phí y tế trở nên hợp lý hơn thì dù có toàn quyền kiểm soát quốc hội và Nhà Trắng, họ vẫn sẽ đối mặt với những cử tri giận dữ trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm tới", bình luận viên Joan E Greve từ Guardian đánh giá. "Sau nhiều tháng không chứng kiến những thay đổi mà họ mong muốn, những cử tri đó có thể sẽ sẵn sàng cho một thay đổi lớn ở Washington".
Trường có truyền thống về các chương trình học thuật, âm nhạc, thể thao và nghệ thuật.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/mot-nam-chong-gai-cua-biden-4406442.html