Nguyên nhân Úc chưa công khai ủng hộ miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine COVID-19

15:00' 18-06-2021
Một nhóm gồm 150 luật sư và học giả Australia đã ký một bức thư ngỏ kêu gọi Thủ tướng Scott Morrison ủng hộ miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine COVID-19 để thúc đẩy phân phối vaccine.


    Cảnh vắng vẻ trên đường phố tại Melbourne trong thời gian phong tỏa phòng dịch COVID-19, ngày 28/5/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

    Chính phủ Australia hiện đang chịu áp lực ngày càng tăng về việc công khai ủng hộ việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine COVID-19. Một số ý kiến cho rằng ảnh hưởng từ các công ty dược phẩm tại Australia đang ngăn cản chính phủ nước này ủng hộ ý tưởng đó.

    Hiện một nhóm gồm 150 luật sư và học giả Australia đã ký một bức thư ngỏ kêu gọi Thủ tướng Scott Morrison ủng hộ ý tưởng trên, trong khi 50.000 người đã ký một bản kiến nghị tương tự được trình lên Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT). 

    Phóng viên TTXVN tại Sydney khai thác bài phân tích của tác giả Biwa Kwan về nguyên nhân Australia vẫn chưa công khai việc ủng hộ việc miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine COVID-19 như Mỹ và New Zealand đăng trên trang của SBS News.

    Thư ngỏ và kiến nghị yêu cầu Chính phủ liên bang Australia hỗ trợ đề xuất của Ấn Độ và Nam Phi nhằm thúc đẩy phân phối vaccine công bằng, thông qua việc thay đổi các quy tắc thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

    Các học giả và luật sư cho biết việc từ bỏ tạm thời bằng sáng chế đối với vaccine COVID-19 theo các quy tắc thương mại của WTO sẽ giúp "thúc đẩy quyền tiếp cận thuốc chữa bệnh cho tất cả mọi người". Điều này cũng giúp tạo sân chơi cho các nước đang phát triển khi có thể đàm phán riêng với các công ty dược phẩm nhằm đảm bảo nguồn cung vaccine.

    Nội dung thư có đoạn: "Điều quan trọng là tốc độ tiêm chủng trên thế giới càng chậm thì càng có nhiều khả năng các biến thể mới sẽ xuất hiện và khiến các vaccine hiện tại không còn hiệu quả. Hiện có nhiều biến thể SAR-CoV-2 đang lây lan trên toàn cầu.

    Do đó, chúng tôi kêu gọi Chính phủ Australia ủng hộ công khai việc miễn trừ theo Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS), không chỉ đối với vaccine mà còn đối với tất cả các công cụ y tế cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn và điều trị COVID-19".

    Tiến sỹ Julia Dehm thuộc Đại học La Trobe, một trong những người tham gia phác thảo bức thư ngỏ, bày tỏ hy vọng bức thư ngỏ có thể góp phần tạo động lực để Australia tham gia cùng Mỹ và New Zealand ủng hộ công khai sáng kiến này. Điều đó sẽ có tác động tích cực trên quy mô toàn thế giới trong cuộc chiến với COVID-19.

    Đề xuất miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ với các loại vaccine COVID-19 đã được Ấn Độ và Nam Phi đưa ra vào tháng 10/2020, đình chỉ các quy định của WTO về quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine COVID-19 trong vài năm để giúp đẩy nhanh quá trình sản xuất và phân phối vaccine. 

    Tổ chức Ân xá Quốc tế tại Australia (AIA) và các nhóm xã hội dân sự khác đã giúp thu thập chữ ký vào bản kiến nghị và chuyển trực tiếp đến văn phòng của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) ở Sydney ngày 7/6.

    Ông Tim O'Connor từ AIA cho biết, bản kiến nghị thúc giục phái đoàn Australia tại cuộc họp của WTO trong tuần này sẽ đóng vai trò lãnh đạo và công khai ủng hộ đề xuất về việc miễn trừ bằng sáng chế đối với các loại vaccine COVID-19. 

    Ông cho rằng: "Theo luật nhân quyền quốc tế, các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác với nhau để ứng phó với đại dịch này. Các quốc gia giàu có hơn như Australia cần có trách nhiệm đặc biệt hỗ trợ các quốc gia có ít tài nguyên hơn. Australia cần ưu tiên cho việc tiêm chủng cho tất cả mọi người, bởi vì sẽ không ai được an toàn cho đến khi tất cả các quốc gia làm được điều đó".

    Phát biểu trước Thượng viện Australia ngày 4/6, Ngoại trưởng Marise Payne xác nhận Chính phủ Australia vẫn chưa thông qua quan điểm ủng hộ công khai đề xuất của Ấn Độ và Nam Phi, dù hiện đã có hơn 100 quốc gia trong số 164 quốc gia thành viên WTO ủng hộ sáng kiến này. 

    Bà cho biết, việc tiếp cận vaccine đang được tạo điều kiện thuận lợi nhờ các thỏa thuận song phương của Chính phủ Australia với các quốc gia như Papua New Guinea và những đóng góp cho sáng kiến phân phối vaccine COVAX của Liên hợp quốc.

    Theo bà Payne, Chính phủ Australia cho rằng khoản đóng góp 623 triệu AUD (483 triệu USD) cho khu vực châu Đại Dương, ngoài khoản đóng góp 130 triệu AUD cho COVAX, những đóng góp của Australia cho Liên minh Đổi mới sáng tạo Sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI), Liên minh toàn cầu về vaccine (GAVI) là những đóng góp đáng kể của Chính phủ Australia nhằm giải quyết vấn đề tiếp cận vaccine và an ninh y tế, đặc biệt là trong khu vực châu Đại Dương.

    Trả lời phỏng vấn trang SBS News, người phát ngôn của DFAT cho biết, Australia tiếp tục thảo luận với các thành viên WTO về ý tưởng miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine COVID-19. Australia ủng hộ mạnh mẽ việc tiếp cận công bằng với vaccine COVID-19 an toàn và hiệu quả như một phương tiện quan trọng để đẩy lùi đại dịch trong khu vực của Australia và trên toàn cầu.

    Người dân được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Brisbane, Australia, ngày 10/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

    Australia cũng đang hợp tác chặt chẽ với các thành viên WTO như Mỹ và Ấn Độ để hỗ trợ hơn nữa việc tiếp cận công bằng đối với vaccine COVID-19 an toàn và hiệu quả, đồng thời tìm ra giải pháp tích cực và dựa trên sự đồng thuận. Các nỗ lực này bao gồm việc đề xuất từ bỏ các quy tắc sở hữu trí tuệ và chuyển đổi sang thương lượng dựa trên văn bản.

    Đại diện Bộ Thương mại Mỹ Katherine Tai nhấn mạnh rằng Chính quyền Mỹ tin tưởng mạnh mẽ vào các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nhưng để chấm dứt đại dịch này, Mỹ ủng hộ ý tưởng miễn trừ các biện pháp bảo vệ đó đối với vaccine COVID-19. Washington đã công khai ủng hộ việc miễn trừ tạm thời đối với quyền sở hữu trí tuệ của vaccine COVID-19 trong tháng 5/2021.

    Về phía Australia, Bộ trưởng Thương mại Dan Tehan đã có bài phát biểu tháng 3/2021 cho hay hiện có nhiều quan ngại về tác động của việc từ bỏ các biện pháp bảo vệ đối với hàng triệu đô la đã được đầu tư vào nghiên cứu tạo ra các loại vaccine này.

    Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại New Zealand, Damien O'Connor, lưu ý các rào cản ngăn chặn việc tiếp cận vaccine kịp thời cần phải được dỡ bỏ. Ông cho rằng nếu vấn đề sở hữu trí tuệ đang là cản trở, các thành viên WTO có thể đạt được sự đồng thuận trong vấn đề này. Với tư cách là các nền kinh tế của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), các nước thành viên sẽ xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc.

    Tiến sỹ Julia Dehm nhận định, luật của WTO được tạo ra vào thời điểm các nước chưa hình dung được kịch bản về một đại dịch toàn cầu như COVID-19 và giờ đây WTO cần cải cách các quy tắc và thay đổi lâu dài hơn. 

    Bà cho rằng, các hiệp định thương mại toàn cầu có đề cập đến trường hợp ngoại lệ miễn trừ các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ vì lý do sức khỏe cộng đồng, nhưng là với dịch bệnh địa phương hơn là một đại dịch toàn cầu.

    Tiến sỹ Patricia Ranald thuộc Mạng lưới Đầu tư và Thương mại Công bằng Australia (Australia Fair Trade and Investment Network - AFTIN) chỉ ra rằng, ảnh hưởng của các công ty dược phẩm có thể là một trong những lý do khiến Chính phủ Australia không ủng hộ đề xuất của Ấn Độ về việc miễn trừ bằng sáng chế vaccine COVID-19. 

    Theo bà Ranald, các phát biểu của Chính phủ Australia chủ yếu đề cập đến việc Australia sẽ đóng góp cho COVAX và hoan nghênh các nỗ lực viện trợ khác. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã cho thấy sự cần thiết phải có những cải cách lâu dài hơn để đối phó với những khả năng xảy ra đại dịch khác trong tương lai.

    Trong khi đó, những ý kiến phản đối sáng kiến từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ cho rằng không hoàn toàn giải quyết tình trạng chậm trễ trong cung ứng vaccine. Liên minh châu Âu (EU) ngày 4/6 đã phản đối ý tưởng này và cho rằng các quy tắc hiện hành là đủ. Trong khi đó, EU ủng hộ các biện pháp như khuyến khích các nhà sản xuất vaccine tham gia vào quan hệ đối tác cấp phép và sản xuất ở các nước đang phát triển.

    WHO hồi tháng Ba đã kêu gọi các quốc gia hướng tới một hiệp ước quốc tế mới về khả năng sẵn sàng và ứng phó với đại dịch. Các đề xuất bao gồm việc tăng cường hợp tác quốc tế để cải thiện hệ thống cảnh báo; chia sẻ dữ liệu; thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, sản xuất và phân phối vaccine, thuốc và thiết bị bảo vệ cá nhân./.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Cultural Perspectives Vùng: Redfern. Phone: 0431 646 710
Xem thêm

Article sourced from BNEWS.

Original source can be found here: https://bnews.vn/ly-do-australia-chua-ung-ho-viec-tu-bo-quyen-so-huu-tri-tue-vaccine-covid-19/199605.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ