Phát hiện loài cá voi xanh hoàn toàn mới
Loài này đã ẩn náu trong nhiều thập kỷ dù kích thước của chúng không hề nhỏ. (Nguồn: Shutterstock)
Gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện một quần thể cá voi xanh lùn hoàn toàn mới tại Ấn Độ Dương. Loài này đã ẩn náu trong nhiều thập kỷ dù kích thước của chúng không hề nhỏ.
Quần thể mới của cá voi xanh lùn - với tên khoa học là Balaenoptera musculus brevicauda - là một nhánh của cá voi xanh.
Loài cá voi dài 24m này có tên gọi Chagos - đặt theo tên nhóm đảo tại Ấn Độ Dương nơi chúng sinh sống.
Các nhà nghiên cứu đã khám phá ra dấu vết của chúng, thông qua việc phân tích dữ liệu âm thanh thu thập từ máy dò bom hạt nhân dưới nước.
Họ phát hiện ra Chagos sau khi nghe thấy một “bài hát” mới hoàn toàn - hay còn gọi hệ thống âm thanh mà mỗi loài cá voi xanh sẽ phát ra dưới đại dương.
Nhìn chung, các bài hát của cá voi xanh khá dài, có tần số thấp - đôi khi dưới mức con người có thể nghe được (dưới 20 hertz) - cường độ cao và được lặp lại đều đặn.
Các nhóm cá voi khác nhau có tiếng kêu khác nhau về thời lượng, cấu trúc và số lượng các phần riêng biệt.
“Thật không may, chúng tôi vẫn chưa biết chính xác về kích thước của quần thể cá voi xanh lùn. Dữ liệu âm thanh chưa đủ để biết được thông tin này,” Emmanuelle Leroy, nghiên cứu sinh tại Đại học New South Wales, Sydney, Australia và là tác giả chính của bài nghiên cứu, cho biết.
Cần phải xác định thêm bằng mắt thường để chắc chắn về sự tồn tại của quần thể Chagos.
"Nhìn chung rất khó tìm được cá voi xanh," ông Leroy nói. "Loài này đang đứng trước bờ vực tuyệt chủng do nạn đánh bắt công nghiệp."
Theo Trung tâm Đa dạng Sinh học Mỹ, hiện tại khoảng 5.000 đến 10.000 con cá voi xanh sống ở Nam bán cầu, so với con số khoảng 350.000 trước đó. Một số ít còn lại thường đơn độc và nằm rải rác trên các khu vực địa lý rộng lớn, khiến các nhà khoa học khó nắm bắt.
"Cách tốt nhất để nghiên cứu chúng là thông qua giám sát âm thanh thụ động,” Leroy nói. "Điều này có nghĩa là chúng ta cần phải có nhiều đầu thu sóng dưới nước đặt tại các khu vực khác nhau."
Tuy nhiên, ở Ấn Độ Dương lại có rất ít đầu thu như vậy được thiết lập. Vì vậy, nhóm nghiên cứu đã tận dụng các máy dò bom hạt nhân thuộc Tổ chức Hiệp ước Cấm Thử nghiệm Hạt nhân Toàn diện (CTBTO) - một nhóm quốc tế sử dụng mạng lưới chuyển tiếp âm thanh dưới nước để phát hiện các vụ thử bom hạt nhân bất hợp pháp.
Điều này cho phép các nhà nghiên cứu truy cập vào kho tàng dữ liệu vô tận về tiếng ồn trên khắp Ấn Độ Dương.
“Dữ liệu của Tổ chức Hiệp ước Cấm Thử nghiệm Hạt nhân Toàn diện là tài sản quốc tế quan trọng,” Tracey Rogers, đồng tác giả bài nghiên cứu, nói. "Hệ thống này không chỉ giúp thế giới an toàn trước sự nguy hiểm của bom hạt nhân mà còn giúp ích cho nhiều nhà khoa học trên con đường khám phá đại dương vô tận"./.
Article sourced from VIETNAMPLUS.
Original source can be found here: http://www.vietnamplus.vn/phat-hien-ca-voi-xanh-lun-tai-an-do-duong-nho-may-do-bom-hat-nhan/720608.vnp