Người Panama biểu tình phản đối lời đe dọa về kênh đào của ông Trump
Đám đông ngày 24/12 tập trung trước đại sứ quán Mỹ ở Panama để phản đối Tổng thống đắc cử Donald Trump, hô các khẩu hiệu yêu cầu ông Trump tôn trọng chủ quyền của Panama đối với kênh đào nối Thái Bình Dương - Đại Tây Dương.
Người biểu tình yêu cầu ông Trump "đừng động đến kênh đào", mang theo băng rôn mô tả ông Trump là "kẻ thù của người dân Panama".
"Panama là quốc gia có chủ quyền và kênh đào thuộc về người dân Panama. Ông Donald Trump đang ảo tưởng. Ông ấy sẽ không thể giành được dù một tấc đất của Panama", Saul Mendez, một lãnh đạo công đoàn tham gia cuộc biểu tình, nói.
Một tàu hàng di chuyển qua kênh đào Panama ở thành phố Colon, Panama ngày 2/9. Ảnh: AP
Khoảng ba ngày trước, Tổng thống đắc cử Mỹ viết trên mạng xã hội Truth Social rằng tàu hải quân và thương mại Mỹ đang bị đối xử bất công khi đi qua kênh đào Panama.
Ông nói tàu thuyền của Mỹ đang chịu những khoản phí vô lý, dù Washington đã đối xử "hào phóng" với Panama khi trao trả quyền kiểm soát kênh đào và lãnh thổ dọc theo công trình này vào năm 1999 theo Hiệp ước Torrijos-Carter.
"Kênh đào được trao lại không phải vì lợi ích của bên khác, mà đơn thuần là biểu tượng hợp tác giữa Mỹ và Panama. Nếu các nguyên tắc về đạo đức lẫn pháp lý của hành động hào phóng này không được tuân thủ, chúng tôi sẽ yêu cầu trả lại kênh đào Panama cho nước Mỹ một cách toàn diện, không cần thắc mắc", ông Trump viết.
Những bình luận của ông Trump đe dọa thổi bùng trở lại hiềm khích lịch sử giữa Mỹ và Panama về kênh đào, trước khi Hiệp ước Torrijos-Carter năm 1977 được thực thi vào cuối thế kỷ trước, theo bình luận viên về Nam Mỹ của MSNBC Julio Ricardo Varela.
"Từng có thời điểm Mỹ thấy rõ việc kiểm soát kênh đào Panama dẫn đến quá nhiều bạo lực lẫn thiệt hại. Hiệp ước Torrijos-Carter được ký kết sau nhiều thập kỷ căng thẳng, bất ổn và phản kháng ngày một quyết liệt từ nhân dân Panama, không chấp nhận Mỹ kiểm soát nguồn lực sống còn của đất nước", Varela nhận định.
Bình luận viên của MSNBC nhấn mạnh rằng Hiệp ước Torrijos-Carter không chỉ chính thức công nhận chủ quyền của Panama đối với kênh đào, mà còn thỏa mãn yêu cầu quốc tế về định hình quan hệ Mỹ với khu vực Mỹ Latinh.
"Ý tưởng của ông Trump không chỉ mang nguy cơ kích động Panama, mà còn đe dọa làm bùng phát căng thẳng giữa Mỹ và nhiều quốc gia Mỹ Latinh, sau khi các nước này đã nỗ lực rất nhiều để vượt qua hoài nghi về can thiệp từ Mỹ đối với chủ quyền quốc gia", Varela nói.
Vị trí kênh đào Panama. Đồ họa: BBC
Lời đe dọa từ ông Trump còn có thể khơi lại những ký ức đau thương trong tâm trí người dân Panama về cuộc tấn công năm 1989, khi Mỹ can thiệp quân sự để lật đổ chính quyền Manuel Noriega.
Chiến dịch Sứ mệnh Công lý của Mỹ, diễn ra từ ngày 20/12/1989 đến ngày 31/1/1990, đã khiến khoảng 200-300 quân nhân Panama và hơn 300 dân thường thiệt mạng. Tuy nhiên, Tổ chức Hội đồng Nhân quyền Trung Mỹ từng ước tính khoảng 2.000-3.000 dân thường Panama thiệt mạng trong cuộc chiến này.
Tổng thống Panama Jose Raul Mulino đã công khai phản bác lời đe dọa từ ông Trump. Ông nói chủ quyền của Panama đối với kênh đào và nền độc lập quốc gia là "những vấn đề không thể đàm phán", nhấn mạnh toàn bộ kênh đào và vùng lãnh thổ bao quanh đều thuộc về nước mình.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/nguoi-panama-bieu-tinh-phan-doi-loi-de-doa-ve-kenh-dao-cua-ong-trump-4832061.html