Người nghệ sĩ già
Cánh đồng làng sau cơn mưa đẹp đến tuyệt diệu và thơ mộng, hương lúa trải dài cao vút theo hơi thở của gió khiến người ta sinh ra cái cảm giác nghệ thuật. Ông Thuận cũng vậy, ông cầm ghế và giá vẽ ra gần bậu cửa, tỉ mỉ phác họa lại bức tranh quê.
Ông ngồi đấy vẽ đến hàng giờ, từ lúc trời quang mây tạnh cho đến khi bóng đã đứng chiều ông vẫn chưa thể hoàn thành xong bức tranh của mình. “Cái tuổi già” ông lẩm bẩm như nó là một điều tồi tệ, như nó là cái cớ nguyên do khiến ông chẳng vẽ thêm được một chút nào.
Tay ông Thuận cứ mỗi khi muốn đưa một đường nét dài và thẳng cũng là một vấn đề quá đỗi khó khăn, bởi vì chỉ mới ngang ngửa nửa đoạn, nét của ông đã đứt. Dẫu ông có cố mấy cũng chẳng thể dệt thêu lên một chút đoạn đường đã mất kia.
Vậy là hết cả chiều, ông chỉ việc ngồi vẽ đi vẽ lại một phần của sự sáng tạo, chỉ một phần nhỏ mà thôi nhưng vẫn chẳng được bao nhiêu. Lúc ánh dương sắp tắt, trên đường lại vọng lên tiếng cười nói của các cô cậu học sinh vui vẻ trêu đùa nhau.
“Ê, hôm nay mày vẽ con bọ hung gì mà giống bị nghiện vậy?”
Giọng thanh niên trai tráng chọc ghẹo bạn bè cứ vang mãi trong thanh âm sáo trúc.
“Nó như mày ấy, tao vẽ mày đó”.
Rồi lại đệm thêm một giọng nữ khác trong trẻo mang cả tuổi thanh rực sắc.
Họ vẫn chưa bước tới nhà ông nhưng ông đã lủi thùi đóng hết cửa lại, cũng tắt luôn cái đèn duy nhất trong nhà. Đến khi đã biết bọn họ đi xa, ông mới nhẹ nhàng mở cửa lại, bùi ngùi rướn người ra nhìn bóng lưng trải dài của các cô cậu sinh viên trường Mỹ Thuật.
“Ông làm vậy, tại vì sao?”
Độ ngày này dăm tháng trước, trước nhà ông có một cô bé cũng học vẽ ngồi đó phác thảo lại phong cảnh cánh đồng cùng lũy tre trước nhà ông. Ông mặc kệ chẳng đuổi nó đi, cứ ngang nhiên đem giá vẽ và màu ra hoàn thành bức tranh dang dở. Nhưng tiếng cộc cộc cứ văng vẳng bên tai khi đầu bút con bé cứ chạm vào “cuốn sách” xẹp lép của nó.
Thật sự, chỉ khi đi bút trên giấy, ông mới phát ra tiếng nhỏ thôi còn cô bé vẽ thì quá to làm hỏng hết tâm trạng. Tò mò trỗi dậy, ông xích ghế lại gần nhìn.
Hóa ra nó đang dùng một chiếc bút duy nhất nhưng vẽ ra cả đống màu mà nó thích. Ông cứ ngồi đó nhìn nó cho đến hàng giờ đến khi con bé tô xong, nó giơ lên so sánh rồi mỉm cười xách cặp chào ông đi về để ông lại đó chạnh lòng đến lạ.
Ông thấy nó vẽ bằng chiếc máy ấy vừa nhanh lại vừa đẹp chẳng bù cho ông là một người “họa sĩ lỗi thời” vẫn với màu mà chầm chậm đi từng nét.
Sau bóng lưng con bé ấy vẫn có ông mải ngước theo cho đến khi nó khuất sau ngã ba, ông mới chán nản nhìn lại bức tranh của mình, nó đã chẳng xong mà còn rất xấu. Và từ đó, trong lòng ông tự ti đến lạ.
Sáng hôm nay, ông vẫn như thường lệ, dậy chải chuốt mang áo quần thơm tho rồi hôn gió với bà vợ của mình mới bắt đầu đem đồ nghề ra bậu cửa vẽ. Đang giở giữa chừng, ánh mắt ông rơi xuống thềm nhà nơi một lá thư nằm yên trên tấm thảm đỏ.
Ông chẳng biết ai nhét dưới khe cửa nhưng mặc kệ, cứ cầm lên mà đọc.
“Gửi ông,
Cháu muốn ông vẽ một bức tranh với giá 500 ngàn thành ảnh ghép của hai bức ảnh khác. Cháu cũng chỉ mới là sinh viên vậy nên tiền nong không có nhiều, mong ông giúp ạ.”
Đọc xong, ông xổ ra từ phong thư khiến nó rơi thêm hai bức ảnh cùng một tờ tiền nữa. Một bức đã ố vàng từ lâu còn một bức rất mới, như vừa được lấy liền nhưng cả hai có một điểm chung đó là nụ cười ngọt ngào của hai người phụ nữ.
Ông nhìn qua cũng biết họ là mẹ con. Ông không muốn biết nguyên do tại sao cũng không cần thiết tại sao muốn ông vẽ như vậy. Nhưng giá tiền cao quá thật sự khiến ông đắn đo rất nhiều. Ông hạ bức thư xuống ngoái đầu nhìn về đống tranh lẫn lộn trong góc kia mà lòng buồn thiu.
“Rõ ràng là vẽ chẳng đâu vào đâu”.
Ông lại nhét phong thư vào trong túi, đờ đẫn nhìn trời mây hết cả ngày chẳng làm gì cả. Ông thật sự chẳng biết ai là chủ mà trả, cũng phải chí ít cũng nên đề tên chứ.
Hàng giờ, người họa sĩ già vẫn ngồi ở đấy mặc cho thời gian trôi.
Tối, trước lúc lên giường ngủ, ông vẫn bóc bức thư ra đọc lần cuối rồi mới chìm vào cơn mơ. Trong đấy ông gặp lại vợ của mình. Chẳng phải là nụ cười hiền ở di ảnh, cũng không phải là khuôn mặt phúc hậu trong bức ảnh ở ví mà là người đầu gối tay ấp. Bà gọi ông vào ăn cơm, vẫn xới cơm cho ông rồi làm cho ông một bữa thịnh soạn.
Có người vui vẻ, và một phát hết nửa chén, có người trầm ngâm lôi từ trong tạp dề ra phong thư quen thuộc ấy.
Cơm chưa nuốt hết, xuống đã dừng ăn nhìn bà. Không khí lắng đọng đến lạ thường. Rồi bà khẽ khàng đặt tay lên tay ông, xoa xoa cái làn da sần sùi “Vì cớ gì mà ông đắn đo như thế? Ông run tay thì ông vẽ lại mà.”
Mặc cho bà khuyên nhủ, ông vẫn lắc đầu nguầy nguậy.
“Không, tôi không vẽ được. Tôi sẽ đem lên tỉnh ủy nhờ họ tìm.”
“Thuận!.”
“Không, bà đừng kêu tôi như thế.”
“Thuận... ông nghe tôi nói đã.”
Bà đứng dậy, chầm chậm đi qua bên bàn ông lặng người nhìn chồng mình run người khóc, đôi bàn tay yêu cọ, đôi bàn tay nắm tay bà, đôi bàn tay che bà cả nửa sương gió.
“Tôi biết ông không thể vẽ bình thường từ khi tôi mất, nhưng 5 năm rồi, Thuận à. 5 năm rồi, ông đừng đày đọa mình như thế. Rõ ràng ông rất muốn vẽ lại.”
“Nhưng tôi sợ bản thân mình... không hoàn thành được.”
“Ông không vẽ đẹp thì vẽ lại, xóa đi rồi vẽ tiếp. Người ta tin ông người ta mới đặt, tôi tin ông nên tôi mới ở đây... nhưng lại nhìn ông không tin bản thân mình.”
Ông chưa kịp nói xong, bà đã biến mất.
Đến lúc mở mắt ra, căn phòng tối tăm chỉ lờ mờ toàn hương mặn chát và tờ giấy đã vò nát trong tay. Ông ngẩn người nhìn một hồi lâu, rồi như có động lực, ông lại trèo xuống giường, bật đèn lên vẽ.
Người họa sĩ cầm cây cọ lên, ông như hồi lại cái thời trai trẻ của mình, nhìn chiếc bút như chìa khóa vực dậy đam mê. Ông ngồi xuống ghế rồi bắt đầu vẽ, ông đồ từng nét, ông phác từng đường chậm chậm, từ từ.
Ông đã già, vẽ chẳng nhạy vậy nên bức tranh hoàn thành rất lâu, chỉ trong việc vẽ thôi cũng đã khiến ông bỏ cuộc giữa chừng. Đã nhiều khi, ông phát cáu bản thân vô dụng vì đến một chi tiết nhỏ trên khuyên tai mà lại hỏng cả một bức tranh. Đã đôi lúc, ông bất lực chợt khóc vì chẳng thấy được tài năng thuở ấy.
Ông ngồi đó, hàng giờ, hàng ngày, miệt mài vẽ cho đến khi bức tranh hoàn thiện, cho đến khi bút trong hộp hết, cho đến khi màu chẳng còn bao và dưới đất dính màu.
Sau khi nhìn bức tranh, ông mỉm cười khệ nệ ôm nó ra ngoài cửa để đó chờ khách qua lấy. Tiếc rằng, chẳng có ai cả. Đường xá vẫn vậy, từng tốp học sinh vẫn vậy duy chỉ bức tranh mãi ở đấy. Cứ mỗi sáng ông ôm ra để ngoài rồi tối đem vào, lau bụi bẩn rồi phết sơn mới. Cứ mỗi khi chờ khách, ông lại lôi giấy ra vẽ.
Ông cười, nhìn từng tác phẩm mình lên tay và có người mua duy chỉ bức mẹ con ấy.
Đầu xuân năm sau, trong lúc ông đang pha trà từ bếp đi ra, bên tai ông vọng lại tiếng nói của cô thiếu nữ.
“Chào mẹ.”
Nhưng tiếng nói ấy, dường như ngày càng nức nở hơn.
“Con chào mẹ. Con chào mẹ, hai mươi năm rồi, con chào mẹ. Con học Mỹ Thuật nhưng không vẽ được như này, con chào mẹ. Mình có bức ảnh chung rồi mẹ ơi”.
“Con bất tài quá, con không biết tranh đã xong. Con đi du học, con không biết, con chào mẹ. Mẹ ơi…”
“Con đúng rồi, con chọn người vẽ đúng rồi. Mắt mẹ có hồn quá, liệu mẹ ở đây mẹ có nhìn con như vậy không, hở mẹ?”
“Mẹ có ở đây mẹ có ôm con như này không ạ? Con cũng muốn được mẹ ôm. Con cũng muốn mà mẹ.”
Nghe tiếng, ông chạy vội ra ngoài, để bình trà thả choang dưới đất, vỡ tan theo giọt nước mắt của cô gái. Lúc cô quay lại, ông nhận ra đó là cô bé từng reo hò khi vẽ xong bức tranh trước ông.
“Cháu cám ơn ông, nét vẽ cháu không thể có hồn như này được dẫu cháu đã cố nhiều. Ông dạy cháu với nhé”. Còn ông thì phải cám ơn cháu thật nhiều. Cảm ơn cháu vì bức tranh đong đầy tình yêu đã giúp ông có thể cầm bút hoàn thành bức tranh một lần nữa.
Article sourced from BLOGRADIO.
Original source can be found here: https://blogradio.vn/nguoi-nghe-si-gia-nw232956.html