Người Moldova chật vật khi dòng khí đốt từ Nga bị cắt
Dòng khí đốt Nga chảy qua Ukraine bị cắt vào ngày đầu năm mới. Kiev gọi đây là "ngày lịch sử" khi từ chối gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt với tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga với lý do ngăn dòng tiền tài trợ cho cuộc chiến của Nga tại Ukraine. Nhưng ở nước láng giềng Moldova, động thái này có thể dẫn đến khủng hoảng năng lượng.
Moldova được coi là quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi mất nguồn khí đốt Nga. Sau khi chiến sự Ukraine nổ ra, Moldova đã nhập khẩu hầu hết khí đốt từ thị trường châu Âu để thay thế nguồn cung từ Nga, nhưng vùng ly khai Transnistria ở miền đông nước này vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào khí đốt từ Nga qua Ukraine, nhập khoảng 2 tỷ m3 khí đốt mỗi năm kể từ 2022.
Transnistria sử dụng khí đốt Nga để sản xuất điện và bán lại cho các khu vực do chính phủ Moldova kiểm soát. Nhà máy điện lớn nhất Moldova là Kuciurgan nằm ở vùng ly khai này.
Việc bị cắt nguồn khí đốt Nga khiến vùng ly khai Transnistria không thể tiếp tục sản xuất điện để bán cho các khu vực khác ở Moldova, khiến nước này ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vì thiếu năng lượng.
Vị trí vùng ly khai Transnistria ở Moldova. Đồ họa: BBC
Tại Transnistria, nhà dân bị cắt khí sưởi trong ngày đầu năm mới. "Nước nóng vẫn có cho tới 2h, tôi đã kiểm tra. Nhưng sau đó không còn và bộ tản nhiệt đã nguội", Dmitry, cư dân Transnistria, nói. "Chúng tôi vẫn có khí đốt, nhưng áp suất rất thấp, chỉ còn ít khí trong đường ống. Chỗ nào cũng thế".
Transnistria ly khai với Moldova sau cuộc xung đột ngắn khi Liên Xô tan rã. Nền kinh tế địa phương phụ thuộc hoàn toàn vào khí đốt Nga. Nguồn năng lượng huyết mạch này giờ đã bị cắt. Ở một số thị trấn tại Transnistria, chính quyền đang mở các điểm sưởi ấm và lập đường dây nóng giúp cư dân tìm củi, đồng thời khuyến nghị các hộ gia đình tập trung trong một phòng để sưởi ấm, lấy chăn bịt kín khe hở cửa sổ và cửa ra vào.
Ban ngày ở Transnistria có nắng nhưng nhiệt độ ban đêm ở mức dưới 0 độ C. "Bây giờ trong phòng rất lạnh", Dmitry cho biết. "Chúng tôi chưa rõ tháng 1 sẽ lạnh tới mức nào".
Bây giờ khu vực này vẫn có điện. Nhà máy điện chính Kuciurgan đang chạy bằng than thay vì khí của Nga nhưng chỉ đủ dùng trong 50 ngày.
Các nhà lập pháp tham gia đại hội đại biểu vùng ly khai Transnistria ở Tiraspol ngày 28/2. Ảnh: AFP
Điều này không chỉ có tác động với vùng ly khai mà các khu vực do chính phủ Moldova kiểm soát cũng sẽ rơi vào khủng hoảng, bởi nhà máy Kuciurgan cung cấp 80% lượng điện tiêu thụ trên khắp Moldova.
Chính phủ Moldova ở Chisinau cho hay đất nước đủ khí để sưởi ấm cho tới mùa xuân và sẽ chuyển sang mua điện từ châu Âu, đồng nghĩa chi phí sẽ tăng vọt.
Thực tế, khí đốt Nga dừng đến Moldova không hoàn toàn do quyết định của Ukraine. Gazprom vốn đã cảnh báo chính quyền Moldova về việc dừng nguồn cung từ ngày 1/1. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc vào năm 2021, sau khi Tổng thống Maia Sandu, người giữ lập trường thân phương Tây, đắc cử, Gazprom cáo buộc Chisinau nợ gần 700 triệu USD tiền hàng trước đây. Chính phủ Moldova liên tục bác bỏ con số này, khẳng định rằng theo kiểm toán quốc tế, số nợ là 9 triệu USD và đã được thanh toán gần hết.
Quan hệ giữa Chisinau và Moskva càng căng thẳng khi Moldova đàm phán gia nhập EU và chỉ trích cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Tổng thống Maia Sandu tháng 11/2024 tái đắc cử. Trước lễ nhậm chức, Cơ quan tình báo đối ngoại Nga (SVR) cho rằng bà đang lên kế hoạch lấy lại Transnistria bằng vũ lực để khôi phục nguồn cung năng lượng.
Nhà phân tích Pienkowski cho rằng thiếu năng lượng có thể gây ra các vấn đề chính trị và xã hội ở Moldova. "Giá điện đã tăng khoảng 6 lần trong ba năm và người dân đang tức giận".
Nga vẫn có thể tiếp tục cung cấp cho đồng minh ở Transistria bằng đường ống qua Thổ Nhĩ Kỳ nhưng phương án này có chi phí cao hơn rất nhiều. Tình hình nhân đạo ở Transnistria xấu đi sẽ gia tăng áp lực lên Chisinau. Nhưng vùng ly khai từ chối mọi cử chỉ hỗ trợ từ chính quyền Moldova.
Nhân viên làm việc tại nhà máy phân phối khí đốt của công ty năng lượng Moldovatransgaz tại Chisinau, Moldova ngày 4/3/2023. Ảnh: Reuters
Về phía Transnistria, kể cả nếu họ quyết định mua khí đốt từ nơi khác, khu vực ly khai này cũng đối mặt ảnh hưởng kinh tế nghiêm trọng. "Giá cả sẽ tăng vọt, trong đó có giá nhiên liệu và thực phẩm. Tuy nhiên, lương hưu ở khu vực rất thấp và thiếu thốn việc làm", Dmitry bày tỏ.
Ông sống ở Bendery, rìa Transnistria. Cư dân này cho hay người dân ở đây đang trong tình thế bấp bênh và cuộc sống ở những vùng khác của Moldova cũng sẽ khó khăn hơn. Chuyên gia Pienkowski dự đoán nỗi bất bình của người dân có thể dẫn tới việc họ ủng hộ các đảng không thân EU và động thái đó có lợi cho Nga.
"Tôi cảm thấy rằng chúng ta đã bước vào một cuộc khủng hoảng rất khó giải quyết. Điều này khiến tôi rất lo lắng", Petru Murzin, nhân viên bưu điện ở Chisinau, nói.
ẩm thực đồ biển Trung Hoa ngon nhất vùng Melbourne
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/nguoi-moldova-chat-vat-khi-dong-khi-dot-tu-nga-bi-cat-4834634.html