Ngủ ngáy và chứng ngưng thở khi ngủ có thể lấy đi tính mạng của bạn
Tại một số thời điểm trong cuộc đời, chúng ta đều ngáy. Cảm lạnh hoặc dị ứng có thể làm tắc nghẽn đường mũi, tiêu thụ một số đồ uống gần giờ ngủ cũng làm giãn cơ lưỡi, vòm miệng và cổ họng. Tất cả điều này vô tình gây ra các âm thanh rung giống ngủ ngáy.
Theo CNN, chuyên gia về giấc ngủ Rebecca Robbins, giảng viên môn y học giấc ngủ của Trường Y Harvard (Mỹ), cho biết: "Ngáy có thể là bình thường và không phải là điều đáng lo ngại. Nhưng ngáy cũng có thể là dấu hiệu chính của chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, chứng rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng khiến mọi người thực sự ngừng thở trong 10 giây hoặc hơn mỗi lần".
Khi nào ngủ ngáy gây nguy hiểm?
Tiến sĩ Robbins cho biết khi tiếng ngáy to, khàn khàn hoặc bị gián đoạn do ngừng thở, đó là lúc chúng ta nên bắt đầu lo lắng.
Theo Học viện Y học về Giấc ngủ Mỹ, nếu không được điều trị, chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn sẽ khiến bạn có nguy cơ cao bị tăng huyết áp, bệnh tim, tiểu đường type II hoặc trầm cảm, thậm chí tử vong sớm.
Vậy làm thế nào bạn có thể biết khi nào chứng ngủ ngáy của bạn đã trở nên nguy hiểm cho sức khỏe? Các chuyên gia về giấc ngủ sử dụng bảng câu hỏi đánh giá rủi ro đối với ngủ ngáy và chứng ngưng thở khi ngủ, viết tắt là STOP BANG.
S: Ngáy
Ngáy là dấu hiệu chính, vì vậy, không có gì phải bàn cãi khi nó dẫn đầu danh sách các dấu hiệu cảnh báo tiềm năng. Nhưng đây không phải là tiếng ngáy khò khè nhẹ nhàng.
Tiến sĩ Raj Dasgupta, Phó giáo sư y học lâm sàng tại Trường Y khoa Keck thuộc Đại học Nam California, cho biết: "Chúng ta đang nói về tiếng ngáy to, khó chịu, kiểu át đi tiếng nói chuyện hoặc người khác vẫn có thể nghe thấy dù bạn đã đóng kín cửa".
Ngáy to, gây khó chịu cho người khác là dấu hiệu nguy hiểm tới sức khỏe. Ảnh: Americansleepassociation. |
T: Mệt mỏi
Thực sự mệt mỏi vào ban ngày là dấu hiệu cảnh báo bạn có giấc ngủ kém chất lượng. Kết hợp với ngủ ngáy, nó có thể là triệu chứng rõ ràng của chứng ngưng thở khi ngủ.
Tiến sĩ Robbins nói: "Buồn ngủ vào ban ngày là một trong những yếu tố dự báo chính xác về chứng ngưng thở khi ngủ. Ngủ thiếp đi bất cứ lúc nào bạn có thời gian là dấu hiệu đặc trưng của hội chứng này, kèm theo mệt mỏi".
O: Chứng ngưng thở được quan sát
Nhiều người - nếu không phải nói là hầu hết - không biết rằng họ ngủ ngáy vào ban đêm. Họ cũng không biết mình bị ngừng thở khi ngủ, trừ khi tắc nghẽn nghiêm trọng đến mức họ bị thức giấc, thở hổn hển và nghẹt thở.
"Chữ O là viết tắt của chứng ngưng thở được quan sát, điều đó thực sự tồi tệ hơn chỉ ngủ ngáy. Ngưng thở có nghĩa là không có luồng khí lưu thông. Bạn đang không thở. Chứng ngưng thở được quan sát thực sự là cảnh báo đỏ", Dasgupta nói.
Bạn cùng giường thường là chìa khóa để xác định chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
P: Huyết áp cao
Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn có thể dẫn đến tăng huyết áp. Mỗi khi một người ngừng thở trong vài giây, hệ thần kinh giao cảm của cơ thể sẽ hoạt động và làm tăng huyết áp. Ngoài ra, cơ thể tiết ra hormone căng thẳng gọi là catecholamine, cũng có thể làm tăng huyết áp theo thời gian.
B: Chỉ số khối cơ thể (BMI)
Chỉ số khối cơ thể là điểm số thường được sử dụng để chỉ ra mức độ cân nặng. Để đo chỉ số BMI , các chuyên gia y tế sử dụng dữ liệu chiều cao và cân nặng để theo dõi những thay đổi của cân nặng so với chiều cao. Cân nặng của bạn được coi là bình thường nếu BMI rơi vào khoảng 18,5 đến 24,9. Bạn được coi là thừa cân khi chỉ số BMI từ 25 đến 29,9. Và chỉ số BMI từ 30 trở lên cho thấy bạn bị béo phì.
Những người béo phì hoặc rất béo - với chỉ số BMI từ 35 trở lên - thường bị chứng ngưng thở khi ngủ do trọng lượng tăng thêm ở miệng, lưỡi và cổ làm xẹp các mô mềm đó, khiến bạn khó thở hơn, gây ra ngáy.
Người có chỉ số khối cơ thể càng cao càng có nguy cơ ngủ ngáy và gặp chứng ngưng thở khi ngủ. Ảnh: Britannica. |
A: Tuổi tác
Cơ bắp suy yếu khi chúng ta già đi, bao gồm cả ở vòm miệng mềm và cổ. Vì vậy, độ tuổi trên 50 là tín hiệu tiềm ẩn khác cho thấy chứng ngáy ngủ có thể - hoặc chuyển thành - chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
N: Cổ
Có chu vi cổ lớn, do thừa cân hoặc do di truyền, cũng là dấu hiệu chính của chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn tiềm ẩn.
"Bây giờ bạn không muốn trở thành một người lập dị và bắt đầu đo độ cứng cổ của người thân vào ban đêm. Quy tắc ngón tay cái là chu vi cổ lớn hơn 43 cm đối với nam và lớn hơn 40,6 cm đối với nữ sẽ khiến bạn có nguy cơ ngưng thở khi ngủ cao hơn", Dasgupta nói.
G: Giới tính
Bạn có phải đàn ông không? Thật không may, điều đó cũng khiến bạn có nguy cơ cao mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Một số lý do có thể là nam giới thường có phần lưỡi béo hơn và có nhiều chất béo ở phần trên cơ thể hơn phụ nữ, đặc biệt là ở cổ. Đàn ông cũng có xu hướng nhiều "mỡ bụng", điều này có thể khiến việc thở nói chung trở nên khó khăn hơn.
Dasgupta nói: "Tuy nhiên, chúng tôi chắc chắn thấy chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn xảy ra nhiều hơn ở phụ nữ sau khi mãn kinh".
Thở áp lực dương liên tục là phương pháp hỗ trợ thở cho người ngủ ngáy. Ảnh: ApneaMed. |
Điều trị chứng ngáy do ngưng thở khi ngủ
Phương pháp điều trị được lựa chọn cho chứng ngáy do ngưng thở khi ngủ là thở áp lực dương liên tục (CPAP). Bằng cách đẩy không khí vào phổi qua mặt nạ mũi, thiết bị giúp giữ cho đường thở không bị tắc nghẽn suốt đêm.
Giảm cân có thể làm giảm đáng kể - hoặc thậm chí loại bỏ chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Điều này là do nó làm giảm trọng lượng mô trong miệng, lưỡi và cổ, ngăn ngừa áp lực lên đường thở. Các bác sĩ cũng có thể sử dụng một thiết bị trong miệng được thiết kế để mở rộng đường thở bằng cách di chuyển lưỡi hoặc hàm về phía trước.
Nếu các vấn đề về giải phẫu, chẳng hạn polyp mũi, amidan mở rộng hoặc u tuyến hoặc vách ngăn lệch, góp phần vào việc ngưng thở, phẫu thuật có thể được khuyến nghị.
Các trường hợp ngưng thở nhẹ khi ngủ có thể đáp ứng với "liệu pháp tư thế". Bạn có thể nằm nghiêng thay vì ngửa trong khi ngủ để cải thiện lưu lượng đường thở và giảm ngáy.
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: http://news.zing.vn/dau-hieu-canh-bao-ngu-ngay-gay-nguy-hiem-suc-khoe-post1277531.html